Xuất hiện ngân hàng cho vay online không cần tài sản đảm bảo
Ảnh minh họa.
TPBank liên kết với Công ty cổ phần Misa (Misa) và Công ty cổ phần Finext (Finext) đưa ra sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Ưu điểm của sản phẩm là không cần tài sản đảm bảo, số hóa toàn bộ quy trình, giúp cắt giảm chi phí và thời gian tối đa cho doanh nghiệp.
Quyết định cấp vốn sau vài giờ
Thông thường, để khoản vay được giải ngân thành công thì khâu chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp là rất quan trọng. Quá trình này thường mất rất nhiều thời gian và khách hàng phải đi lại nhiều lần để cập nhật và bổ sung hồ sơ.
Tuy nhiên, với sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo”, doanh nghiệp có thể lập hồ sơ vay vốn từ hệ thống báo cáo trên phần mềm kế toán MISA và kết nối đến ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, để lập hồ sơ vay vốn, khách hàng chỉ cần một click chuột theo hướng dẫn hiển thị trên phần mềm MISA, kê khai và gửi thông tin của doanh nghiệp thông qua nền tảng instant.vn. TPBank nhận, thẩm định và gửi quyết định cấp vốn cho doanh nghiệp.
Theo đó, với chỉ vài bước đơn giản, doanh nghiệp đã hoàn tất bước đầu của việc chuẩn bị hồ sơ vay vốn.
“Toàn bộ quá trình này chỉ mất tối đa 10 phút trong khi bình thường, doanh nghiệp có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng cho việc này”, ông Nguyễn Hưng cho biết.
Hồ sơ tài chính của doanh nghiệp sau đó sẽ được trích xuất trực tiếp từ phần mềm kế toán MISA.SMEs dưới sự đồng ý của khách hàng.
Dựa trên các thông tin đó, TPBank thẩm định và gửi lại kết quả chủ trương về việc cấp vốn cho doanh nghiệp sau vài giờ làm việc.
“Doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm vì thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối do ngân hàng có những nguyên tắc bảo mật thông tin rất cụ thể”, Tổng giám đốc TPBank cho hay.
Cho vay không cần tài sản đảm bảo
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh nhưng không có đủ vốn. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc “mở hầu bao” dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, chưa chứng minh được khả năng tài chính cũng như không có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, với các tiêu chí đánh giá khách hàng đã được lọc sẵn như độ lành mạnh của tình hình tài chính, ngành nghề dịch vụ doanh nghiệp đang vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế…, ngân hàng có thể lựa chọn đúng đối tượng khách hàng cũng như mang đến giải pháp tháo gỡ nguồn vốn thật tốt cho doanh nghiệp SME với sản phẩm cho vay này.
Tổng giám đốc TPBank cho biết, sản phẩm này là sự tích hợp của nhiều tiện ích, hướng tới nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.
“Với lãi suất cạnh tranh so với thị trường, hạn mức cho vay lớn nhất của sản phẩm này lên tới 4 tỷ đồng. Đặc biệt, dựa trên hồ sơ cấp hạn mức, khách hàng đăng ký vay theo gói này cũng có thể đăng ký mở bảo lãnh LC”, lãnh đạo TPBank cho biết.
Một ưu điểm nữa của sản phẩm là thời gian giải ngân khoản vay rất nhanh chóng. Với các khách hàng được TPBank chính thức đồng ý cấp vốn theo quy trình phê duyệt cấp vốn của Ngân hàng nhà nước và có hồ sơ đầy đủ theo quy định, thời gian giải ngân chỉ trong vài giờ làm việc.
Lo ngại rủi ro tăng?
Có thể thấy, TPBank đã đưa ra một sản phẩm tạo ra khoảng cách và sự khác biệt rõ rệt với các sản phẩm cho vay truyền thống khác của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được đặt ra, chính là tính minh bạch trong các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng.
Bởi, không giống với các doanh nghiệp lớn, đã được niêm yết trên sàn chứng khoán, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không được chuẩn chỉnh.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp SMEs gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.
Phương thức cho vay truyền thống có sự thẩm định kỹ càng của nhân viên ngân hàng còn vậy, nay việc phê duyệt cho vay lại được thực hiện online lại càng dấy lên câu hỏi, liệu rủi ro ngân hàng giải ngân “nhầm” đối tượng có tăng?
Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp TPBank cho biết, những vấn đề này đều đã được giải quyết triệt để với nền tảng cho vay mới.
“Đúng là việc báo cáo tài chính của các SMEs không được chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh là một trong những rủi ro lớn mà ngân hàng thường gặp.
Tuy nhiên, với nền tảng 3 bên mà chúng tôi đang triển khai, điều này không còn đáng lo ngại. Với nền tảng cho vay này, chúng tôi có bộ tiêu chí nhất định, doanh nghiệp phải sử dụng hệ thống phầm mềm kế toán tối thiểu 2 năm, chúng tôi có thể kiểm tra phương thức hạch toán, kiểm tra những thao tác gần nhất của khách hàng xem có tác động đến báo cáo tài chính hay không. Nói chung, mọi thao tác đều được thực hiện trên nền tảng số nên tốc độ xử lý rất nhanh và chính xác”, bà Hương cho biết.
Cũng theo lãnh đạo TPBank, ngân hàng đã có sản phẩm cho vay không đảm bảo SMEs theo phương thức truyền thống và đã khá thành công.
“Chúng tôi đã triển khai sản phẩm này được vài năm và đến hiện tại, đã sở hữu vài nghìn khách hàng. Đó có thể coi là thành công. Chúng tôi đã có một quãng thời gian thử thách để biết rủi ro đến đâu, và tới hiện tại, có thể nói đã quản trị tốt rủi ro của mình.
Chúng tôi quyết định chuyển sang cho vay online, nhưng vẫn không thay đổi cách thức đánh giá khách hàng, nên rủi ro của hai loại hình cho vay là ngang nhau”, bà Hương nói.