Với thông điệp "Chọn số tài khoản - Trọn chất riêng", TPBank mong muốn khách hàng có thể thể hiện cá tính riêng trong mọi giao dịch với ngân hàng ngay từ điểm khởi đầu là số tài khoản.
"Tính năng mới nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới khách hàng, kỳ vọng không chỉ gia tăng về số lượng mà còn mang đến những trải nghiệm chưa từng có cho người dùng", ông Nguyễn Hưng đại diện TPBank cho biết.
Theo đó, khi mở tài khoản mới trên ứng dụng TPBank nhờ công nghệ eKYC, người dùng có thể lựa chọn số tài khoản theo ý mà không phải chờ đợi dãy số ngẫu nhiên từ hệ thống. Khách hàng đã có tài khoản tại TPBank cũng có thể mở thêm tài khoản mới với tính năng này.
Ngoài việc chủ động mở tài khoản theo ý, không cần ra tận phòng giao dịch, người dùng có thể không cần trả thêm bất kỳ khoản phí nào. Chương trình không giới hạn thời gian và số lượng tài khoản đăng ký.
"Việc phát triển tính năng này cho thấy sự thấu hiểu của ngân hàng trước nhu cầu thể hiện cá tính của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ. Theo đó, người dùng có thể mix số tài khoản theo ý thích từ số ngày sinh, căn cước công dân hay số may mắn, có ý nghĩa riêng", đại diện ngân hàng này cho biết.
Cùng với đó, khách hàng còn có cơ hội trải nghiệm loạt tiện ích trên ứng dụng ngân hàng số hiện đại được phát triển trên nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới với các giao dịch nhanh chóng, tiện dụng. Bên cạnh đó là ưu đãi miễn tới hơn 60 loại phí trong suốt quá trình sử dụng.
Ngoài ra, với bất kỳ nhu cầu nào cần thực hiện trên ứng dụng TPBank, khách hàng có thể tìm kiếm nhanh qua tính năng "Quick search - tìm kiếm thông minh" bằng cách gõ từ khóa hoặc giọng nói với độ chính xác và tốc độ xử lý thông tin cao.
Tại Việt Nam, TPBank đứng đầu về ngân hàng số. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, mỗi năm, ngân hàng này dành ra 400-500 tỷ đồng đầu tư cho công nghệ, chưa kể chi phí vận hành các hạ tầng đã có.
Cũng theo TPBank, ngân hàng này luôn ưu tiên nhu cầu của khách hàng trong sáng tạo số, đổi mới số để nghiên cứu, phát triển những tính năng mới, những sản phẩm chất lượng nhất thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trong thời đại công nghệ 4.0.
Tính đến hết 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của TPBank tăng gần 4% lên 124.386 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng cũng tăng hơn 4% lên 120.037 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,19% và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu được duy trì ở mức 134%.
Thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng hơn 30% so với cùng kỳ, đóng góp phần lớn thu nhập của ngân hàng trong quý đầu năm. Bên cạnh đó, nhà băng này tiết giảm chi phí hoạt động 10% so với cùng kỳ 2019 xuống dưới nghìn tỷ đồng. Ngược lại, chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 20% lên 390 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế tăng 41% lên 1.422 tỷ đồng.