Ngân hàng số: Thay đổi thói quen người dùng cần những “ông lớn” tạo ra làn sóng lớn


Ngân hàng số: Thay đổi thói quen người dùng cần những “ông lớn” tạo ra làn sóng lớn

Tọa đàm truyền thông với chủ đề “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” diễn ra vào sáng 14/6.

Sáng nay (14/6) tại Hà Nội, BizLIVE tổ chức tọa đàm truyền thông với chủ đề “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”.

Toạ đàm có sự tham gia của:

- Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính

- Ông Phạm Đình Vũ, đại diện VCCI

- Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối ngân hàng cá nhân Ngân hàng HDBank

- Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số Ngân hàng VPBank

- Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, VPBank

- Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank.


Mở đầu toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, trong bài tham luận “Ngân hàng số tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp” cho biết, khái niệm ngân hàng số thường bị nhầm lẫn với khái niệm số hoạt động ngân hàng truyền thống. Theo cách hiểu số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống, các ngân hàng sẽ số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu. Tuy nhiên, cách hiểu này là không đủ. 

“Ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có”, ông Lực nhấn mạnh. 

Các nội dung số hoá ngân hàng theo ông Lực là: Sự tích hợp đồng nhất các kênh phân phối: Đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong đó, giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, đảm bảo trải nghiệm khách hàng được ổn định. Có sự kết nối, liên thông giữa kênh quầy và các kênh số (ngân hàng điện tử). Đặc biệt là việc: (1) hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, (2) phát triển sâu sản phẩm theo hành trình khách hàng và (3) chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm. Tất cả công việc này nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới – trải nghiệm vượt trội, bằng cách thay đổi phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngân hàng. 

Tự động hóa các quy trình, hướng đến tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, tương tác với khách hàng, tác nghiệp, quản lý rủi ro, ra quyết định. Ví dụ trí tuệ nhân tạo và Chat bot hỗ trợ công tác giải đáp thắc mắc, tra cứu thông tin của khách hàng. Công nghệ Robotics giúp việc đọc số liệu và nhập liệu thay con người... 

Đổi mới sáng tạo (Innovation & Disruption): Tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo, thuận tiện cho khách hàng. Thí dụ trợ lý ảo – giao dịch bằng giọng nói, thanh toán không tiếp xúc (QR code, NFC...), ví điện tử, chuyển tiền bằng công nghệ blockchain. Các công nghệ thường được ứng dụng như Bigdata, trí tuệ nhân tạo, blockchain, robotics...

Phân tích dữ liệu lớn phục vụ ra quyết định: Khai thác dữ liệu bên trong ngân hàng và bên ngoài ngân hàng để phục vụ kinh doanh. Các fintech có thể phân tích thông tin trên mobile, mạng xã hội viễn thông của người dùng để chấm điểm tín dụng, ra quyết định cho vay. Ngân hàng có thể dùng phân tích hành vi khách hàng, tìm tập khách hàng phù hợp để gửi các thông điệp khuyến mại phù hợp, tăng cơ hôi bán chéo dịch vụ...

Cơ hội, thách thức với ngân hàng số 

Cơ hội đối với ngân hàng số được ông Lực chỉ ra là gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí; Tiếp cận thị trường khách hàng số đầy tiềm năng tại Việt Nam; Tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác (nhất là với các Fintech…); Đi tắt đón đầu trong kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ. 

Thách thức đối với ngân hàng số được ông Lực chỉ ra là khung pháp lý: Gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính (fintech, bigtech); Thách thức đối với khả năng bảo mật của hệ thống; Nguồn nhân lực; Đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống Công nghệ thông tin. 

Với thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, ông Lực cho biết, các Fintech, Bigtech năng động và từng bước cạnh tranh với ngân hàng. Cụ thể, trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là NHTM đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các nhà mạng viễn thông, điện tử, CNTT (Telcos, Bigtech), chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính

Trong đó, sản phẩm Ví điện tử là sản phẩm thông dụng nhất và có hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện. Các Fintech cung ứng ví điện tử lâu năm như MoMo, Payoo gần như đã có chỗ đứng trên thị trường, trong khi đó Fintech mới như ZaloPay, hay AirPay (của SEA - Garena) cũng đang xuất hiện và thu hút khách hàng nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng gần 70 công ty Fintech, với 29 trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép cung ứng ví điện tử. 

Nghị Quyết 01, 02 năm 2019 của Chính Phủ cũng đã đưa ra định hướng về phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, đây sẽ là điều kiện giúp ví điện tử ngày càng phát triển trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, các Bigtech tại Việt Nam đang hình thành và đặt ra thách thức rất lớn cho các ngân hàng. Hiện nay, các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam (FPT, Viettel, CMC, VNG, VC Corp...) đã bắt đầu tiếp cận mảng dịch vụ tài chính thông qua phát triển công nghệ thanh toán điện tử và một số dịch vụ khác. 

Chuyên gia Lực cũng cho biết, nội dung khác liên quan đến thực trạng ngân hàng số tại VIệt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng đang phát triển song tiềm ẩn rủi ro. Giống như một số nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam. 

Cũng theo ông Lực, các NHTM nỗ lực trong chuyển đổi số. “Nếu so sánh với tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới và ngay cả với các fintech tại Việt Nam hiện nay, tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng Việt Nam có lẽ đang chậm hơn khá nhiều”, ông Lực nói.

Thách thức lớn nhất là tạo niềm tin và thay đổi thói quen

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp Ngân hàng Số VPBank: "Rõ ràng, ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các nhà băng. Trong đó, giá trị dữ liệu là tiền đề để phát triển.

Về phần thách thức, tôi cho rằng, thách thức lớn nhất chính là niềm tin, thói quen khách hàng. Tôi đã từng được tham gia buổi nói chuyện của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ông có chia sẻ rằng, trong những ngày đầu thành lập, ông đặt mục tiêu phải “phá” được thói quen cũ người dùng, xây dựng niềm tin và để làm được điều này thì phải mang lại lợi ích cho người dùng".

 Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số Ngân hàng VPBank

Ông Thắng nói thêm, thách thức lớn thứ 2 là xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số. Người dùng muốn sử dụng xuyên suốt tất cả các dịch vụ số cơ bản.

Về hành lang pháp lý, so với các nước khu vực, hành lang pháp lý của Việt Nam tương đối tốt. NHNN tương đối cầu thị khi có phản ứng của thị trường.

Về công nghệ, với tốc độ phát triển công nghệ bây giờ thì đó không phải là thách thức.

Ngân hàng số (Digital Banking) được hiểu đơn giản là việc ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng.

Ông Thắng cũng đề cập đến 3 làn sóng công nghệ có tính quyết định trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, làn sóng thứ nhất từ cuối những năm 90, khi Chính phủ đưa ra ngân hàng 2 cấp.  Khi chuyển sang mô hình ngân hàng 2 cấp, các NHTM, cổ phần, tư nhân rất năng động.

Năm 2002, VCB lần đầu đưa ra công nghệ thẻ ATM. Khi đó VPBank phải sang học hỏi kết nối hệ thống thẻ. Một số ngân hàng quốc doanh có 2 hệ thống độc lập. Đến năm 2005 WB tài trợ cho Việt Nam khoảng 5 triệu USD phát triển core banking. Và năm 2006, VCB chạy hẳn một chương trình marketing “Giao dịch một nơi, rút tiền mọi nơi”, lập tức gây "sốt" vì khi đó gửi tiền ngân hàng rất khó để rút được tại nhiều nơi, nhiều địa bàn khác nhau.

Làn sóng thứ hai có sự vào cuộc của NHTW, triển khai từ 2008. Cách đây vài năm, chuyển tiền liên ngân hàng vẫn phải mất vài ngày, tuy nhiên đến nay thời gian chuyển khoản được rút xuống gần như ngay lập tức.

Làn sóng thứ ba đến từ sự bùng nổ Internet banking, Mobile banking, và đây là tiền đề quan trọng cho ngân hàng số.

Bình luận thêm về ý kiến của ông Nguyễn Chiến Thắng, bà Hoàng Thủy Chung, Ban biên tập BizLIVE cho biết, năm 2007 - 2008 Chính phủ có yêu cầu chuyển lương qua tài khoản, không trả bằng tiền mặt, và đó cũng là giai đoạn ATM chập chững ra đời, với nhiều liên minh thẻ rất cục bộ.

“Từ thời điểm đó, tôi cũng mới chỉ đi rút tiền từ ATM một vài lần. Về sau, đôi lúc cần tiền mặt thường nhờ người bên cạnh đưa tiền mặt rồi chuyển khoản. Tôi cho rằng ngân hàng số đang có những chuyển biến rất nhanh và chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ khó biết được sự phát triển của ngân hàng số đến mức nào. Ngày xưa cứ nghe đến giao dịch một nơi chuyển tiền một nơi nhưng có thể rút tại nhiều nơi thì như điều không tưởng, nhưng bây giờ chuyện đó là quá bình thường nhờ các sản phẩm của các ngân hàng”, bà Chung nói.

Giải pháp giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh chóng, thuận tiện hơn

Nêu quan điểm về sản phẩm ngân hàng số, bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – VPBank cho rằng việc phát triển của ngân hàng số phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng và chiến lược này rất quan trọng.

Trong năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp thành lập. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp “chết” cũng cao. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn về vốn.

 Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – VPBank

Theo thống kê của chúng tôi, có tới 33% khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị từ chối vì không thỏa mãn yêu cầu tài sản đảm bảo; thời gian thu hồi công nợ khá lâu, tới 30 ngày, quá hạn tới 26 ngày; 92% doanh nghiệp xử lý đơn hàng theo phương thức thủ công; chi phí xử lý tiền mặt từ 4,7%-15% tùy ngành nghề.

Thực tế này đặt ra yêu cầu là ngân hàng phải đưa ra giải pháp gì giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh chóng và thuận tiện hơn. Trên cơ sở đó VP Bank cho ra đời sản phẩm BizPAY – đây là hệ thống VPBank - B2B Payment là nền tảng thanh toán hiện đại lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, cho phép các đối tượng sử dụng có thể chủ động việc thanh toán và thu hộ, quản lý các dòng tiền ngay trên ứng dụng.

Bà Phương cho biết, ngay sau khi ra mắt, sản phẩm trên được nhiều doanh nghiệp đón nhận vì tính tương tác trong hệ sinh thái các đại lý, các nhóm khách hàng giúp giảm thiểu được chi phí, quản lý tài chính hiệu quả và dòng tiền giữa bên mua - bên bán trở nên chủ động hơn, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp từ đó cũng được nâng lên.

Ví dụ điển hình về giải pháp thanh toán VPBank - B2B Payment

Ngân hàng số và 4 trụ cột 

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank: Định nghĩa "Ngân hàng số" là một định nghĩa rất rộng, với mỗi ngân hàng, thậm chí với mỗi người đều tự có những định nghĩa riêng. Tuy nhiên, với chúng tôi, ngân hàng số không phải là Internet Banking hay Online Banking, không phải là công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế.

Với chúng tôi, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới.

Ngân hàng số được cấu thành bởi ngân hàng và số, giúp phục vụ tất cả các mong muốn giao dịch trên kênh số để khách hàng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có thể giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank 

Ngân hàng số và ví điện tử khác nhau như thế nào?

Nhiều người đưa ra câu hỏi sự khác nhau giữa ngân hàng số và ví điện tử. Tôi cho rằng, hai loại hình có sự giống nhau đều là một mô hình kinh doanh, tức có đầu tư và có kết quả.

Đối với ví điện tử, đây là 1 mô hình kinh doanh mới xuất hiện khoảng 7-8 năm trở lại đây, sử dụng công nghệ và nền tảng trung gian thanh toán nói trên để giải quyết các bài toán về thanh toán nhanh gọn online. Nôm na có thể hiểu ví điện tử giúp khách hàng có 1 tài khoản online với số tiền được đối ứng 1:1 với số dư của họ tại 1 tài khoản ngân hàng.

Vậy nếu so sánh các khái niệm này thì có thể thấy khái niệm Ví điện tử sẽ giống với khái niệm ngân hàng số nhiều về cách áp dụng các công nghệ để giúp khách hàng có 1 trải nghiệm trên các kênh số tốt hơn.

Còn để thấy điểm khác nhau thì như đã nói phía trên, Ví điện tử đang xoay quanh nhiều các dịch vụ trong hệ sinh thái thanh toán như chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, top up, …

Tuy nhiên ngân hàng số ngoài khả năng có thể cung cấp các dịch vụ thanh toán tương tự như ví, ngân hàng số còn có nền tảng của 1 ngân hàng truyền thống khác để làm các dịch vụ tài chính khác như tín dụng, huy động, đầu tư, bảo hiểm hay trong các segment khác của SME hay Core banking, sẽ còn nhiều các dịch vụ khác hơn.

Cũng có thể thấy một số ví điện tử cũng dần tiếp cận với một số các dịch vụ ngoài thanh toán. Tuy nhiên điều đó cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lý và cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt.

Lý do thứ hai là rào cản về mặt pháp lý của ngân hàng số và tiền mặt cũng là rào cản lớn khi thị trường vẫn 90% sử dụng tiền mặt.

Rủi ro xuất hiện ở bất kỳ mô hình nào kể cả mô hình truyền thống chứ không chỉ riêng mô hình số. Ngân hàng số có thể giải quyết được vấn đề này, có thể giải quyết những vấn đề mà con người chưa thể thực hiện.

 Toạ đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” do BizLIVE tổ chức ngày 14/6

Đầu tư vào công nghệ số thì rất đắt, vậy làm thế nào để hòa vốn? Có những nguồn lợi không thể cân đo bằng tiền chẳng hạn như việc gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tính bảo mật.

Ngân hàng số giúp khách hàng giao dịch 24/7, không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Trước kia khách hàng mở tài khoản và nhận thẻ ATM thời gian tính theo tuần. Nếu như sử dụng LiveBank, chỉ trong vòng 8 phút giải quyết công việc trên. Trong vòng 3 tháng, dịch vụ LiveBank đã có tới 10.000 khách hàng mở thẻ ATM lấy ngay thành công. Về bảo mật, chúng tôi sử dụng công cụ cảnh báo bằng AI.

Ngân hàng số đóng góp vào kinh doanh của TPB về mở rộng mạng lưới và phát triển cơ sở khách hàng.

Quy định của NHNN yêu cầu ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng. Loại không cần kết nối tài khoản ngân hàng vẫn chưa được chấp thuận.

Ngân hàng số và fintech: Ưu, nhược điểm

Trước câu hỏi được bà Hoàng Thuỷ Chung đặt ra, đánh giá ngân hàng số có những ưu và nhược điểm nào so với fintech, ông Cấn Văn Lực cho biết, chúng ta không quá lo vì đây là xu thế tất yếu. Cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình số như giữa NHTM với fintech, bigtech.

Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng nói riêng và tài chính nói chung. Hiện nay, chúng ta mới có khoảng 40% người lớn có tài khoản ngân hàng so với 80% của Trung Quốc.

Phân khúc khách hàng của các mô hình này cũng có những sự khác biệt. Bigtech chủ yếu tập trung vào khách hàng của họ như Grab, Vingroup,… trong khi Fintech tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ.

Ông Lực đề xuất mô hình 3C trong mối quan hệ giữa ngân hàng và fintech: gồm Cạnh tranh, Phối hợp tương tác và Hợp tác cụ thể với nhau, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận doanh thu, chi phí.

Chuyên gia này cũng kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ sớm có hành lang pháp lý để quản lý sự chia sẻ dữ liệu khách hàng tốt hơn.

Cần những "ông lớn" tạo ra làn sóng lớn

Để có được thành công như ngày hôm nay, việc đầu tiên mà Alibaba làm là lấy niềm tin của người dùng. Vậy, các ngân hàng Việt đang làm thế nào để tạo niềm tin của người dùng khi tiếp cận với các sản phẩm của mình?

- Ông Trần Hoài Nam (TPBank): Đây thực sự là một câu hỏi rất khó. Bởi là những người làm ngân hàng, ngày nào chúng tôi cũng phải vắt tay lên trán để nghĩ cách tạo niềm tin và thay đổi thói quen của khách hàng.

Với một số doanh nghiệp, họ có thể tạo thói quen cho khách hàng bằng cách đưa ra một nguồn lợi ngay lập tức để khách hàng sử dụng và trải nghiệm, nói  “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là vì vậy.

Tuy nhiên, đối với ngân hàng, việc chạy theo cách này thì rất khó, theo đó, giải pháp của chúng tôi là chọn một thị trường ngách rõ ràng với một sản phẩm rõ ràng chứ không đi vào thị trường rộng.

Ngoài ra, để thay đổi thói quen người dùng cũng cần những "ông lớn" tạo ra làn sóng lớn để lôi kéo khách hàng.

- Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – VPBank: Việc đem tới trải nghiệm tới khách hàng là điều quan trọng, nếu họ có trải nhiệm tốt thì tác động lan tỏa sẽ tốt hơn.

Để làm được việc đó sẽ cần sự đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức cho khách hàng cũng là điều quan trọng. VPBank mới đây vừa phối hợp với Google tổ chức các hoạt động giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, đồng thời, đưa ra các kiến thức về mặt tài chính, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Rủi ro xảy ra cũng được xử lý một cách chu đáo

- Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối ngân hàng cá nhân Ngân hàng HDBank: Ở Việt Nam, về phía NHNN cũng có những quy định để tạo niềm tin trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm trước, NHNN đã đưa ra Thông tư 19, trong đó quy định khi có sự cố liên quan đến khách hàng, nếu khách hàng chủ động chứng minh bị lợi dụng thì ngân hàng sẽ phải ứng trước cho khách hàng, còn kết quả điều tra sau đó như nào thì giải quyết sau. 

 Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối ngân hàng cá nhân Ngân hàng HDBank

Liên quan đến tạo niềm tin khách hàng, mỗi ngân hàng một cách khác nhau, riêng đối với HDBank, chúng tôi cố gắng xử lý các tình huống nhanh nhất có thể, rủi ro xảy ra cũng được xử lý một cách chu đáo. 

Hệ sinh thái tạo ra tiện ích với người dùng rất rõ. Vậy ngân hàng thực hiện dịch vụ đó thì thu phí từ đâu để bù đắp khoản đầu tư công nghệ?

- Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – VPBank: Doanh nghiệp đều quan tâm đến chi phí phải bỏ ra khi sử dụng một dịch vụ nào đó. Khi sử dụng BizPAY doanh nghiệp thường quan tâm đến việc có thể tiết kiệm được bao nhiêu so với thực hiện qua dịch vụ truyền thống. VPBank sẽ cân bằng giữa người mua và bán.

- Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tham khảo nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể tiết giảm được 30-80% chi phí. Việc đầu tư công nghệ thông tin đối với các doanh nghiệp trong đó có Ngân hàng, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25-28% trong khi doanh thu tăng 35-48% dẫn đến lợi nhuận ròng có thể tăng khoảng 10-15%.

Khi triển khai sản phẩm BizPAY, VPBank có xác định rủi ro nợ xấu ở mức nào, ngân hàng có biện pháp gì để kiểm soát rủi ro và để sử dụng sản phẩm này doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chí gì?”, bà Chung đặt câu hỏi với đại diện VPBank.

Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Diễm Phương cho biết, khi triển khai BizPAY, ngân hàng luôn phải tuân thủ mức rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

VPBank luôn chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, khi đưa sản phẩm cho doanh nghiệp phải giúp doanh nghiệp phát triển hơn từ đó nâng cao doanh thu và giảm mức rủi ro cho ngân hàng. Cấp các khoản vay cũng là để đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Về yêu cầu để sử dụng BizPAY, doanh nghiệp chỉ cần có hoạt động thanh toán với ngân hàng, và tham gia vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp - đại lý - khách hàng.

VCCI: Chuyển đổi số, phải bắt đầu từ người đứng đầu

Đại diện cho khu vực doanh nghiệp, ông cho rằng thực trạng của việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ra sao?", bà Chung đặt câu hỏi cho ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Công tác Hiệp hội Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

- Ông Phạm Đình Vũ nói: Trong quá trình làm việc với doanh nghiệp và địa phương, chúng tôi thấy mặc dù nhận thức ngân hàng số rất tiện ích nhưng nhiều doanh nghiệp cũng có những trăn trở.

Chúng tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh đề án chuyển đổi số quốc gia, theo Đề án chuyển đổi số Quốc gia đặt mục tiêu đến 2025 có ít nhất 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Chúng ta nói rất nhiều đến chuyển đổi số, đến cách mạng 4.0 nhưng việc thực hiện thì chưa được nhiều.

Ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Công tác Hiệp hội Doanh nghiệp, VCCI  

Một điều quan trọng, là chuyển đổi số cho doanh nghiệp phải bắt đầu từ người đứng đầu. Họ phải nhận thấy vai trò của chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, cũng có một số doanh nghiệp hiểu được vai trò của chuyển đổi số nhưng họ không có đủ nguồn lực để làm.

Và câu chuyện của ngân hàng thương mại ở đây là khi ngân hàng cung cấp dịch vụ phải chuyển tải được thông điệp tới khách hàng, khi sử dụng thì đo lường được lợi ích, giúp khách hàng thay đổi tư duy.

Hiện tại, theo đánh giá của VCCI, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là một con đường phải đi.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp thuế tự động qua ngân hàng là rất lớn

- Ông Nguyễn Chiến Thắng (VPBank): Phản hồi thông tin được đại diện VCCI đưa ra, đứng trên góc độ ngân hàng, chúng tôi cảm thấy rất lạc quan.

Tại VPBank, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp thuế doanh nghiệp, thuế hải quan tự động qua ngân hàng là rất lớn. Bởi với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng, họ sẽ không cần phải thuê thêm nhân sự để thực hiện. Chúng tôi cũng tích hợp phần mềm kế toán vào internet banking của doanh nghiệp để có thể nghiệm thu, nghiệm chi một cách đơn giản, dễ dàng.

Bên cạnh BizPAY, chúng tôi cũng phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội mở các tài khoản online cho doanh nghiệp.

- Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, để tăng hiệu quả, ngân hàng cần làm công tác truyền thông quảng bá tới doanh nghiệp, tăng cường hướng dẫn khách hàng.

Ngoài ra, về vĩ mô hơn, ông Lực đề xuất. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện, cập nhật Chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), theo kinh nghiệm của Thái Lan. Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án phát triển TTKDTM đến 2020, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đề án cần liên tục được cập nhật tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý liên quan đến TTKDTM theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo mới nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa. 

Thứ hai, hoàn thiện và ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có cấu phần quan trọng là giáo dục tài chính, trong đó cần sớm qui định giáo dục tài chính cá nhân như là môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học và truyền thông hiệu quả cần được lưu tâm. 

Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động fintech, bigtech theo hướng mở như kinh nghiệm của Trung Quốc, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép chữ ký số, nhận dạng số, nhận diện khách hàng số E-KYC; ban hành qui định (dạng thí điểm – sandbox) đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ví điện tử... nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. 

Thứ tư, cơ quan quản lý cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia - điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số nói chung và tài chính số nói riêng. 

Thứ năm, nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng CNTT bảo đảm an toàn, bảo mật. Cùng với đó đưa vào áp dụng khung đánh giá rủi ro CNTT theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán. 

Cuối cùng, bản thân mỗi NHTM cần xác định ngân hàng số là một chiến lược, mô hình kinh doanh, chứ không phải một dự án công nghệ đơn thuần. Theo đó, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chiến lược ngân hàng số; trong đó, cần hết sức lưu ý các chìa khóa thành công như: cam kết của ban lãnh đạo, lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng hệ sinh thái – trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng nhân sự số gồm cả đội dự án mạnh và nhân sự phân tích dữ liệu, đầu tư phù hợp CNTT cùng với việc tăng cường an ninh mạng, kiểm soát rủi ro CNTT, phát triển văn hóa kinh doanh số (đổi mới, sáng tạo), xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, có chiến lược hợp tác, chia sẻ phù hợp (kể cả thông tin, dữ liệu) với các đối tác công nghệ, Fintech..., và chủ động, tích cực hướng dẫn, tập huấn khách hàng và kiến nghị chính sách, khung pháp lý với cơ quan quản lý. 

HDBank: “Khách hàng có cả chuỗi nhu cầu, chứ không đơn lẻ”

Trong năm 2019 hoặc thời gian tới các ngân hàng đang ấp ủ và cho ra đời sản phẩm mới như thế nào?

- Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khách hàng cá nhân của HDBank: Hiện HDBank đang sở hữu một hệ sinh thái riêng có, rất đặc thù và là một môi trường đòi hỏi tương tác số cao nhất. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã được các đầu mối trong hệ sinh thái thực hiện từ nhiều năm trước, thậm chí ngay từ những ngày đầu các thành viên ra đời và đi vào hoạt động, ví dụ như chủ động sẵn sàng lan tỏa ngay từ những chuyển bay đầu tiên của Vietjet.

Hệ sinh thái đó có 3 mảng chính: ngân hàng, con chuyên về tài chính vi mô có liên doanh với Nhật Bản, hãng hàng không Vietjet. Trong đó, như công ty tài chính HD SAISON đã có tới gần 15.000 điểm giao dịch trên toàn quốc, với hơn 5 triệu khách hàng. Hay Vietjet có hơn 20.000 điểm đại lý, gần 20 triệu khách hàng…

Với hệ sinh thái đó, ngân hàng số và dịch vụ số của HDBank có lợi thế là có sẵn nền tảng khách hàng. Nhiều công ty, nhiều hệ sinh thái khác, để tạo được nền tảng khách hàng và lợi thế khách hàng như vậy sẽ tốtn kém nhiều chi phí.

Vấn đề là tương tác, kết nối và kích thích lợi ích tốt nhất trong hệ sinh thái đó. Vì lợi ích của khách hàng tạo nên bền vững của hệ sinh thái. Khách hàng họ có nhiều nhu cầu, có cả một chuỗi hành trình nhu cầu, các nhà cung cấp dịch vụ, hay chuyển đổi số phải làm sau đảm bảo đáp ứng được tốt nhất nhu cầu, lợi ích đầu và cuối của chuỗi hành trình đó.

Ví dụ như khách hàng Vietjet, khi bước xuống sân bay là đã có dịch vụ của HDBank kết nối dịch vụ di chuyển như với Grab, rồi thanh toán dịch vụ không tiền mặt và tích hợp tài khoản ngân hàng… Đó là một chuỗi nhu cầu, dịch vụ và quan trọng nhất là làm sao tương tác, tạo giá trị tốt nhất, hài lòng nhất, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng HDBank, cũng như Vietjet hay HD SAISON.

Hiện nay có nhiều khách hàng ở các khu vực xa trung tâm nhưng có tiềm năng sử dụng dịch vụ Ngân hàng lớn. Vậy các Ngân hàng đang triển khai những sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này?

Đại diện VPBank cho biết, các ngân hàng hay Fintech đều đang tập trung phát triển sản phẩm mới trong mảng số hóa và phụ thuộc nhiều vào người triển khai.

VPBank chú trọng vào hành chính khách hàng, áp dụng sản phẩm số từ khi khách hàng đến với Ngân hàng. VPBank áp dụng mở tài khoản online để hướng đến các khách hàng xa trung tâm các thành phố lớn. VPBank đang phải đấu tranh với quản lý rủi ro để cung cấp cho khách hàng khả năng tài chính như vay tín dụng online. 

VPBank đang phân tích hành vi khách hàng. Có nhiều khách hàng có rất nhiều tiền và có tiềm năng chi tiêu sớm nhưng lại không có chức danh tại các tổ chức. VPBank đang nghiên cứu hành vi của họ trên mạng để có thể cấp cho họ khoản tín dụng online. VPBank cũng đang đón đầu công nghệ KOR và lựa chọn làm trong hệ sinh thái lớn.

VPBank có cơ chế chăm sóc khách hàng theo digital với công cụ đồng tiền icash. Ngoài việc giống như tài khoản thanh toán thực sự công cụ này có thể đổi ra tiền mặt, thanh toán điện nước, mua vé máy bay … Chính khách hàng được robot chăm sóc để tương tác với Ngân hàng.

- Ông Trần Hoài Nam (TPBank) cho rằng, ngoài lợi nhuận các ngân hàng nên quan tâm đến vấn đề chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ cho các vùng sâu vùng xa.

Về công nghệ mới dự định đem lại lợi ích cho khách hàng, TPBank hy vọng từ nay đến cuối năm khách hàng đến với LiveBank không phải mang theo cái gì, chỉ cần khuôn mặt, giọng nói… đó là những thứ thuộc về khách hàng không phải phụ thuộc mã pin hay số thẻ.

Để phát triển được sản phẩm cần phải tổng hòa của cả ba yếu tố: Con người, quy trình và công nghệ. Đổi mới công nghệ chỉ là một phần trong số đó, thời gian tới cần đổi quy trình vận hành, giảm bớt các thủ tục, đồng thời tuyên truyền nhiều hơn đến khách hàng.