Sacombank tái cơ cấu hiệu quả
Tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo riêng năm 2017, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%. Đặc biệt, tỷ suất sinh lời của Ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ tăng trưởng rất tốt, đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước. Số lượng khách hàng giao dịch tăng 20,6% so với năm trước, hiện đạt 4,3 triệu khách hàng.
Nợ xấu giảm đáng kể
Trong 6 tháng cuối năm 2017, Sacombank đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng. Kết quả là xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng mà hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó thuộc Đề án tái cơ cấu. Cụ thể 19.000 tỷ đồng bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng cho VAMC; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018. Xử lý nợ không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của Ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào biến động thị trường bất động sản, thị trường tài chính, nhưng trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đã và đang tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn thì việc tháo gỡ nợ của Sacombank sẽ thuận lợi.
Phát huy thế mạnh mạng lưới
Sacombank hiện là một trong những ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng nhất với 566 chi nhánh, phòng giao dịch, hiện diện tại 48/63 tỉnh thành Việt Nam và 2 nước Lào, Campuchia. Nhằm phát huy thế mạnh và tăng cường hiệu quả của mạng lưới, Sacombank đã nâng cấp toàn bộ các Quỹ tiết kiệm lên mô hình Phòng giao dịch, chuyển quyền quản lý các điểm giao dịch có địa bàn chồng chéo, đổi tên, di dời các điểm giao dịch có vị trí gần nhau đến các địa bàn tiềm năng hơn. Tổng cộng, Sacombank đã tái bố trí gần 90 điểm giao dịch nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định trong năm 2017. Địa bàn mà Sacombank đang hướng đến là các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa để mang dịch vụ ngân hàng tiện ích đến tận tay người dân nơi đây, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, Sacombank còn đầu tư xây dựng các trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch với cơ sở vật chất hiện đại và thống nhất hệ thống nhận diện thương hiệu và quy chuẩn hoạt động với phương châm phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Đó còn là thể hiện cam kết gắn bó vì sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn của Sacombank.
Ngày 08/01, Sacombank vừa khánh thành trụ sở mới Phòng giao dịch Xuân Thới Thượng (TP.HCM). Ngày 11/01 tới, Sacombank sẽ tiếp tục khánh thành trụ sở mới chi nhánh Nghệ An với tổng kinh phí đầu tư lên đến 50 tỉ đồng; tổng diện tích sử dụng 4.200 m2 gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 6 tầng lầu; tọa lạc tại khu vục tập trung đông đúc dân cư và nhiều cơ sở kinh doanh, thuận tiện cho việc liên hệ, giao dịch. Đây là minh chứng cho sự gắn bó của Sacombank với các thành phần kinh tế tại Nghệ An sau 9 năm hoạt động tại địa phương. Hiện quy mô hoạt động của Sacombank tại tỉnh Nghệ An gồm 1 chi nhánh và 4 phòng giao dịch tại các khu vực trọng điểm như: TP. Vinh, Thị xã Thái Hòa và huyện Diễn Châu. |