Sacombank: mỗi đồng vốn đều phải sinh lời
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi dưới đây với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, xoay quanh các hoạt động tái cấu trúc ngân hàng mà ban lãnh đạo mới đang thực hiện một cách thận trọng nhưng cũng rất quyết liệt.
TBKTSG: Những công việc đầu tiên mà bà bắt tay thực hiện khi ngồi ở ghế tổng giám đốc là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi gắn bó với Sacombank đã 16 năm, trải qua nhiều vị trí và có một thời gian phụ trách hoạt động xử lý nợ. Cùng với hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc chúng tôi phải tập trung vào xử lý nợ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, giải quyết nợ không thôi thì chưa đủ, Sacombank muốn đi lên, phải tạo ra nền tảng văn hóa có bản sắc, môi trường kinh doanh năng động và củng cố được niềm tin từ khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư.
TBKTSG: Bà có thể nói rõ hơn ý này?
Sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, đội ngũ nhân viên của Sacombank tăng lên, nhưng năng suất lao động lại chưa đồng đều. Cho nhân viên nghỉ việc thì dễ, luân chuyển, tạo điều kiện để họ làm việc phù hợp với khả năng, trình độ mới khó. Thời gian đầu, nhân viên cả hai đơn vị đều rất nỗ lực hướng dẫn, học hỏi để hòa nhập trong một môi trường. Tuy còn cần phải cải thiện về năng suất nhưng tại sơ kết sáu tháng vừa qua, chúng tôi vẫn quyết định thưởng “nóng” một tháng lương cho toàn bộ nhân viên, coi đó như sự khích lệ để họ nâng cao hơn nữa hiệu quả làm việc. Có làm mới được hưởng, nhưng ở Sacombank, chúng tôi quan niệm “hưởng rồi, bạn sẽ ý thức được trách nhiệm và làm việc tốt hơn”. Vừa qua cổ đông Sacombank đã thông qua chủ trương trích thưởng mức 20% cho cán bộ nhân viên đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Ngoài ra, chúng tôi còn đang cải tiến tiêu chí đánh giá năng suất lao động cho phù hợp với thực tế nhằm tạo động lực cho anh em phát huy tính sáng tạo và năng động hơn nữa trong công việc.
TBKTSG: Bà đang nói đến ý thức trách nhiệm. Đối với ban tổng giám đốc - những người trực tiếp thực hiện chiến lược của hội đồng quản trị - ý thức trách nhiệm được thể hiện ra sao?
Chúng tôi làm hết việc chứ không hết giờ. Một trong những mục tiêu của các ngân hàng hiện nay là cải thiện lợi nhuận. Mục tiêu này với Sacombank lại càng quan trọng vì có làm ra nhiều lợi nhuận, mới có nguồn trích lập dự phòng rủi ro, các quỹ phúc lợi và tăng tích lũy cho cổ phiếu ngân hàng.
Chúng tôi chủ trương và tiến hành ngay tiết giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm xây dựng cơ bản. Những dự án xây dựng dở dang nào chưa cần thiết thì gói ghém lại, những công trình chuẩn bị làm mà chưa mang lại hiệu quả tức thời thì tạm ngưng. Ngay cả đầu tư thiết bị, công nghệ chúng tôi tổ chức đấu thầu chặt chẽ. Ngắn gọn là mỗi đồng tiền của cổ đông, của ngân hàng đưa vào kinh doanh đều phải sinh lời, không có chuyện giải ngân vốn vào nơi mà hiệu quả chưa tính toán, chưa được xác định rõ ràng và tiềm ẩn rủi ro.
TBKTSG: Bên cạnh quan điểm quản trị điều hành mới, đâu là hoạt động nổi bật của Sacombank gần đây, thưa bà?
Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình tái cơ cấu nhưng Sacombank vẫn tập trung phát triển các hoạt động lõi hướng đến khách hàng, cả cá nhân và doanh nghiệp. Thế mạnh của Sacombank là về mảng bán lẻ và chúng tôi vẫn đang kiên trì theo định hướng đó. Chúng tôi chủ động tìm đến khách hàng, nghĩa là mang vốn, mang tiện ích ngân hàng đến khách hàng chứ không ngồi đợi khách hàng tìm đến.
Đối với khách hàng cá nhân, nổi bật nhất là vừa qua, Sacombank đã tiên phong cho ra mắt nhiều dịch vụ hiện đại về thẻ và ngân hàng điện tử, theo xu hướng thanh toán di động đang rất phát triển tại Việt Nam. Ví dụ như bây giờ khách hàng chỉ cần tải một ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi thay vì phải đem theo tiền mặt và các loại thẻ như trước.
Đối với doanh nghiệp, chúng tôi xác định phải đồng hành vì đó là sứ mệnh của một tổ chức tài chính với nền kinh tế của đất nước. Mỗi năm, chúng tôi đều cân đối để dành nguồn vốn hàng chục ngàn tỉ đồng cho vay ưu đãi đối với các loại hình doanh nghiệp. Cụ thể trong năm 2017, con số này là khoảng 20.000 tỉ đồng.
Trong đó có 6.000 tỉ đồng cho chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển; 1.000 tỉ đồng cho bình ổn thị trường...
TBKTSG: Để có nguồn vốn lớn như vậy cho tín dụng, Sacombank đã làm thế nào?
Phần lớn vốn huy động của Sacombank đến từ dân cư với lãi suất tiết kiệm của thị trường, vì thế để có hàng chục ngàn tỉ đồng cho vay ưu đãi, chúng tôi đã cố gắng giảm các loại chi phí. Sacombank đang tiến vững chắc bằng cả hai chân. Một mặt xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản qua đó hạ giá thành vốn huy động; mặt khác đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, doanh thu từ dịch vụ đang đóng góp rất tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng.
TBKTSG: Sacombank đã đồng hành với doanh nghiệp như thế nào?
Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc triển khai những dịch vụ phụ trợ cho doanh nghiệp thông qua hình thức điện tử nhằm tiết kiệm thời gian và sức người để tập trung hơn cho hoạt động kinh doanh sinh lời. Có thể nói, hiệu quả của những dịch vụ này là rất rõ ràng. Cụ thể như, ngay từ khi mới thành lập, doanh nghiệp sẽ được cấp ngay số tài khoản để giao dịch mà không cần đến ngân hàng. Dịch vụ này chúng tôi liên kết với sở kế hoạch và đầu tư để triển khai. Chúng tôi còn hợp tác với Tổng cục Hải quan để bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu và thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử giúp hàng hóa của doanh nghiệp được thông quan nhanh chóng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể chủ động thực hiện thanh toán quốc tế trên Internet Banking, sắp tới là chuyển tiền quốc tế nữa. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thể đặt hẹn trực tuyến với ngân hàng hoặc khi cần hóa đơn thì có hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động cho vay, Sacombank cũng nghiên cứu để áp dụng một số cơ chế nhằm tiết giảm thủ tục hồ sơ như sản phẩm cho vay nhanh với thời gian xử lý hồ sơ trong vòng 24 tiếng, hoặc sản phẩm cho vay đáp ứng vốn kịp thời để gia tăng sản xuất theo mùa vụ...
TBKTSG: Thị trường đang chờ đợi kết quả kinh doanh của Sacombank năm 2017 - năm được cổ đông cũng như giới đầu tư kỳ vọng là năm bản lề của sự chuyển động đến một bước tiến mới. Bà có thể chia sẻ về lợi nhuận trước thuế năm nay và trọng tâm năm tới của ngân hàng?
Sau 11 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đã vượt chỉ tiêu đại hội cổ đông giao. Chúng tôi xác định xử lý nợ xấu và thực thi hiệu quả các nội dung của đề án tái cơ cấu ngân hàng vẫn là những trọng tâm cơ bản của năm 2018. Khi nợ xấu giảm bớt, tất nhiên các chỉ số lợi nhuận, ROA (lợi nhuận tên tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu)... sẽ được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vẫn tiếp tục chú trọng điều hành kinh doanh theo hướng linh hoạt, chủ động nắm bắt cơ hội từ thị trường để tạo ra hệ sinh thái về sản phẩm dịch vụ tiện ích đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Nói vậy để thấy chúng tôi không chủ quan, cũng không bi quan, Sacombank còn nhiều việc phải làm, song những gì đã làm được rất đáng được cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý ghi nhận.
TBKTSG: Nhân dịp kỷ niệm 26 năm thành lập Sacombank, bà muốn gửi thông điệp gì đến nhân viên, khách hàng cũng như cổ đông?
Mỗi năm cứ đến dịp này, toàn thể cán bộ nhân viên Sacombank chúng tôi đều có rất nhiều cảm xúc. Trong không khí ấm áp chào đón Giáng sinh và năm mới đang đến gần, chúng tôi lại được hân hoan chia sẻ khoảnh khắc Sacombank mừng tuổi mới, cùng nhìn lại những trải nghiệm quý giá và những thành quả mà chúng tôi nỗ lực đạt được. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến hơn 17.000 anh em đồng nghiệp đã tận tâm cống hiến cho sự phát triển của Sacombank, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tôi cũng xin tri ân đến hàng ngàn đối tác, hàng vạn cổ đông cùng hàng triệu khách hàng đã tin tưởng, đồng hành cùng Sacombank. Đó không chỉ đơn giản là vấn đề lợi ích mang lại cho nhau, tôi tin rằng đó còn là tình cảm chân thành và chúng tôi luôn xem việc gia tăng giá trị cho các chủ thể của mình là một trách nhiệm xuyên suốt hành trình phát triển. Tất cả tạo nên động lực to lớn để Sacombank vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến bước tiên phong.