Sacombank cung cấp giải pháp tài chính cho người đi xuất khẩu lao động
Lực lượng lao động tại địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Bắc nước ta chủ yếu tập trung ở các ngành nông nghiệp, đánh bắt thủy sản theo tập quán truyền thống nên thu nhập thường thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai, ô nhiễm môi trường biển các năm qua khiến tình hình về việc làm và cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh đã định hướng, tạo điều kiện để người dân đi xuất khẩu lao động để cải thiện thu nhập.
Theo thống kê giai đoạn 2013 - 2016, hàng năm Việt Nam đều xuất khẩu trên 100.000 lao động đến khoảng 27 quốc gia trên thế giới. Trong đó, kỷ lục là năm 2016 với 126.000 lao động, tập trung chủ yếu từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Dương...
Biết rằng xuất khẩu lao động sẽ mang lại nguồn thu nhập trong tương lai nhưng đa phần người dân lại thiếu nguồn tài chính ban đầu để lo cho các chi phí làm hồ sơ, phí môi giới chi trả cho các công ty trung gian, cũng như chứng minh năng lực tài chính với các tổ chức tuyển dụng. Trước đây, những người đi xuất khẩu lao động thường xoay sở, vay mượn từ gia đình, người quen hoặc có khi phải đi “vay nóng”. Nắm được nhu cầu này, hiện một số ngân hàng đã có hình thức cho vay xuất khẩu lao động. Như tại các chi nhánh Sacombank ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, người đi xuất khẩu lao động và gia đình có thể được vay đến 80% nhu cầu các chi phí nêu trên (tối đa là 500 triệu đồng) với thời hạn vay là 5 năm, tài sản đảm bảo là bất động sản. Thông thường khi vay ngân hàng, người vay phải chứng minh được thu nhập ở thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, đối với những người đi xuất khẩu lao động thì việc chứng minh thu nhập tại thời điểm vay là tương đối khó. Vì vậy, việc linh hoạt áp dụng điều kiện này trong sản phẩm cho vay xuất khẩu lao động tại Sacombank đã gỡ rối được “nút thắt” về nhu cầu hỗ trợ tài chính của người đi xuất khẩu lao động.
Ông Trần Minh Khoa – Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, ngoài việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho xuất khẩu lao động, Ngân hàng còn liên kết với các công ty, trung tâm cung ứng xuất khẩu lao động có uy tín để tư vấn các thủ tục pháp lý, lựa chọn thị trường lao động và công việc phù hợp cho các khách hàng có nhu cầu xuất khẩu lao động, giúp giảm thiểu các rủi ro về cơ chế, pháp lý, ngược đãi, trục xuất…
Miền Trung là địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh duyên hải nên có nhu cầu cao về vốn và các giải pháp tài chính phù hợp. Chính vì vậy, sự đồng hành của ngân hàng đối với quá trình phát triển kinh tế và đời sống người dân là rất quan trọng. Ông Khoa còn chia sẻ thêm, ngoài cơ chế về cho vay xuất khẩu lao động, Sacombank cũng triển khai các cơ chế khác nhằm đáp ứng kịp thời và đúng nhu cầu sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của người dân địa phương như phát triển nông nghiệp, trồng rừng, cho vay đóng mới cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cho vay tín chấp cán bộ nhân viên kể cả các vùng sâu vùng xa…
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sacombank đã triển khai 11 gói cho vay lãi suất ưu đãi có tổng trị giá gần 18.000 tỷ đồng dành cho cá nhân và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp, nông thôn… theo đúng mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. |