Thêm vốn cho ngư dân khai thác xa bờ
Trước tiềm năng của ngành đánh bắt thủy hải sản và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, góp phần tích cực bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước cải thiện đời sống vật chất của các hộ ngư dân, xóa đói, giảm nghèo ở vùng ven biển và hải đảo. Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo đó cũng có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngư dân.
Điển hình trong số đó có thể kể đến Sacombank. Ngân hàng này hiện đang triển khai nguồn vốn 300 tỷ đồng cho vay đối với các ngư dân đang hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản xa bờ tại khu vực Bắc Trung Bộ có nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh hoặc sửa chữa, thay mới máy, cải hoán tàu thuyền. Thời hạn ngư dân có thể vay tối đa lên đến 7 năm, cơ chế lãi suất ưu đãi, số tiền vay tối đa đến 70% giá trị đầu tư tàu thuyền. Đây là nguồn vốn thiết thực thực giúp tăng số lượng và chất lượng tàu thuyền, nâng cao khả năng đánh bắt xa bờ. Theo đó ngư dân có thể ra khơi dài ngày hơn, sản lượng thu được nhiều hơn, đồng thời xóa bỏ dần các tập quán đánh bắt tàn phá tài nguyên gần bờ.
Ông Trần Minh Khoa – Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, nguồn vay này đã được triển khai từ cuối năm 2016, bắt đầu tại tỉnh Quảng Ngãi và đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo bà con ngư dân. Chỉ trong 6 tháng triển khai thí điểm tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Sacombank đã tiếp nhận xử lý trên 50 hồ sơ và cấp tín dụng cho bà con để sửa chữa, đóng mới, hay cải hoán các tàu thuyền, kịp thời đưa thuyền vươn khơi - bám biển, gìn giữ và phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, góp phần ổn định đời sống ngư dân và phát triển kinh tế địa phương. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về vốn của ngư dân, Sacombank đã nhanh chóng mở rộng áp dụng sản phẩm này ra nhiều địa phương duyên hải Trung Bộ khác như Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, hay Thừa Thiên Huế...
Theo vợ chồng anh Lâm, một ngư dân có truyền thống gia đình theo nghề đánh bắt hải sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khởi đầu gia đình chỉ có con thuyền tầm 40 mã lực làm nghề lưới kéo, phấn đấu nhiều năm mới đầu tư được cặp thuyền khoảng 300-400 mã lực. Nhờ nguồn vốn vay của Sacombank, gia đình tôi đã quyết định cải hoán cả cặp tàu và mua máy thủy mới, nâng công suất lên đến 750 mã lực/tàu. Nhờ vậy đi biển được dài ngày hơn, đánh bắt ra đến tận Vịnh Bắc Bộ, cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn tàu hơn.” Anh Lâm cũng cho biết trung bình mỗi bạn tàu sau mỗi chuyến khơi trung bình thu nhập được 30 triệu đồng, riêng anh thì mỗi chuyến thu nhập vài trăm triệu đồng, sau khi hoàn trả nợ Ngân hàng thì vẫn còn dư kha khá.
Ông Khoa - Phó Tổng Giám Đốc Sacombank cũng cho biết thêm, từ ngày 10/7/2017 Sacombank đã triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ với mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017 của Chính phủ và NHNN (theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 của NHNN). Việc giảm lãi suất này sẽ góp phần cung ứng nguồn vốn đến với các cá nhân, doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên nhanh chóng và kịp thời hơn, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay gia tăng hiệu quả kinh doanh – mở rộng thị phần. Dự kiến đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay của Sacombank trong 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm 6 tháng đầu năm.