Thanh toán nhanh: Xuất hiện sớm và không ngừng cải tiến
Trước đây, hoạt động thanh toán thường mất 1 ngày, thậm chí vài tuần với giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của thanh toán nhanh (fast payment), cả 2 nhược điểm của phương thức thanh toán truyền thống là tốc độ thực hiện và sự sẵn sàng của dịch vụ đều đã được cải thiện đáng kể.
Theo đó, thanh toán nhanh được định nghĩa là hoạt động thanh toán mà tại đó số tiền được chuyển tới tay người nhận trong thời gian thực, hoặc gần thời gian thực nhất, với các dịch vụ luôn sẵn sàng trong 24 giờ và 7 ngày trong tuần.
Để làm được điều này, người nhận không nhận tiền mặt mà là khoản thanh toán nhờ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Đó có thể là các nhà băng, tổ chức tài chính cung cấp tài khoản cho các khách hàng, trong đó, có nhiều tổ chức phi ngân hàng khác cũng tham gia vào quá trình thanh toán bằng các thỏa thuận cung cấp dịch vụ.
Ý tưởng về hệ thống thanh toán nhanh không phải điều mới lạ. Một vài quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Thụy Sỹ đã cung cấp các dịch vụ thanh toán cho người dùng cá nhân với một số phương thức thanh toán nhanh trong nhiều năm qua và đang tiếp tục nâng cấp hơn nữa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khác hàng.
Tại Nhật Bản, Hệ thống dữ liệu viễn thông Zengin (Hệ thống Zengin) đã được thiết lập từ năm 1973. Đây là hệ thống online có khả năng thực hiện các giao dịch chuyển tiền nội địa giữa các tổ chức tài chính.
Sau khi thực hiện đầy đủ hoạt động thanh toán trong ngày vào năm 1993, hệ thống này đã cho phép thanh toán gần với thời gian thực giữa các đối tượng người dùng. Hiện tại, hệ thống hiện đại này cho phép thanh toán với giá trị lên tới hơn 100 triệu yên đối với mỗi giao dịch.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, hệ thống CD/ATM được ra mắt vào năm 1988 với chức năng hỗ trợ việc rút tiền, chuyển tiền và tra cứu thông tin của khách hàng trở nên thuận tiện hơn.
Với sự cải tiến công nghệ, hệ thống này đã phục vụ khách hàng 24/7 với các nhu cầu cơ bản kể từ năm 2007.
Đáng chú ý, để phục vụ người dùng một cách tốt nhất, kể từ năm 2007, mọi khách hàng đều có thể truy cập vào hệ thống này thông qua điện thoại di động.
Các ví dụ trên cho thấy, hệ thống thanh toán nhanh được ra đời từ sớm, nhưng được phát triển và mở rộng nhờ động lực chính từ công nghệ. Đối với thanh toán nhanh, công nghệ máy tính và viễn thông đã giúp hạ thấp chi phí, thay đổi cả cung và cầu trên thị trường thanh toán, từ đó tạo nên môi trường phát triển mạnh mẽ cho các dịch vụ tài chính trên toàn cầu.
Thực tế, không một sáng kiến công nghệ đơn lẻ hoặc một ý tưởng độc đáo nào đủ khả năng tạo nên môi trường trọn vẹn cho sự sinh sôi, phát triển của thanh toán nhanh.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ viễn thông di động và công nghệ máy tính vẫn là 2 yếu tố sát sườn, đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với thanh toán nhanh.
Trong đó, công nghệ và thiết bị di động có đóng góp hàng đầu trong việc thay đổi thói quen, kỳ vọng của người dùng đối với hoạt động thanh toán, đồng thời là công cụ cần thiết bậc nhất để thanh toán nhanh phát triển như ngày nay.
Với chiếc di động trong tay, khách hàng có khả năng tương tác và thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi, gần như ngay lập tức. Điều này khiến người dùng có mong muốn trải nghiệm thanh toán của mình phải thích ứng với tốc độ và mức độ sẵn sàng như việc sử dụng di động và buộc các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán phải thích ứng để cung cấp dịch vụ.
Tại Ấn Độ, hoạt động thanh toán qua di động đã trở nên rất phổ biến, với hệ thống thanh toán nhanh Dịch vụ thanh toán tức thì (Immediate Payment Service – IMPS). Hiện tại, quốc gia này đã có hơn 1 tỷ thuê bao di động.
Người dùng có thể tiến hành thanh toán thông qua ứng dụng ngân hàng trên di động, ví điện tử, hoặc chỉ cần dùng số điện thoại của mình để thực hiện thanh toán thông qua IMPS. Cụ thể, chủ thuê bao gõ mã *99# để truy cập dịch vụ thanh toán tới người nhận mà IMPS là trung gian cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh thị trường thanh toán sôi động như Ấn Độ, Thụy Sỹ cũng là ví dụ trực quan nhất minh họa cho vai trò đặc biệt của thiết bị di động trong hoạt động thanh toán nhanh.
Theo đó, chính quyền Thụy Sỹ đã quyết định xây dựng các hoạt động thanh toán với trọng tâm tập trung vào smartphones thông qua hệ thống dịch vụ thanh toán mang tên gọi Swish.
Để thực hiện thanh toán qua Swish, người trả tiền nhập số điện thoại của người nhận, hoặc sử dụng thông tin liên hệ có sẵn trên smartphines và tiến hành thanh toán qua Mobile Bank ID, vốn có kết nối với ứng dụng Swish. Cả người trả và người nhận đều nhận được thông báo khi quá trình thanh toán diễn ra.
Trong khi đó, tại Anh, kể từ khi Faster Payment được ra mắt, quốc gia này chứng kiến số lượng người sở hữu smartphones tăng chóng mặt. Một nghiên cứu gần đây ước tính, khoảng 60 – 70% người trưởng thành tại Anh dùng smartphone, đa phần số này sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại.
Với sự phát triển của công nghệ và di động, người dùng có thể kỳ vọng cao hơn nữa vào các trải nghiệm thanh toán trong thời gian tới và hoạt động thanh toán nhanh được dự báo sẽ có thêm các bước tiến mới, trong quá trình không ngừng nâng cấp của các trung gian thanh toán.