Cung - cầu vốn khó gặp nhau, ngân hàng phải chấp nhận lãi suất cao?
Một lần nữa kể từ đầu năm, trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam có hiện tượng cung - cầu vốn khó gặp nhau giữa các thành viên; bên vay phải chấp nhận lãi suất cao.
Như BizLIVE đề cập gần đây, cuối tháng 6 vừa qua, thị trường liên ngân hàng có biến động khác biệt với quãng giao dịch ổn định trước đó.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có khoảng một tuần liên tiếp tăng, trong đó lãi suất qua đêm từ 3,1%/năm trước đó lên tới quanh 4%/năm. Và đáng chú ý, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đột ngột có phiên “bơm” 12.000 tỷ đồng hỗ trợ và các tổ chức tín dụng hấp thụ hết toàn bộ.
Tuần qua, lượng 12.000 tỷ đồng đó đã đáo hạn; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng “hạ nhiệt” và cân bằng dần với quãng ổn định trước đó.
Điểm được chú ý, 12.000 tỷ đồng nói trên là khác biệt lớn sau một thời gian dài Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu đều đặn quy mô 1.000 tỷ đồng mỗi phiên qua kênh cầm cố, và gần như không có tổ chức tín dụng nào vay mượn. Nhưng, thời điểm sát ngày chốt quý 2, có thể một số trường hợp phát sinh nhu cầu lớn trong cân đối nguồn.
Tuy nhiên, như từng thể hiện ở quãng giao dịch sau Tết Nguyên đán đầu năm nay, trong khi Ngân hàng Nhà nước một mặt phải phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, thì một bộ phận nhu cầu vẫn phải hỗ trợ “bơm ra” qua kênh cầm cố như trên. Điều này một phần phản ánh cung - cầu vốn giữa một bộ phận tổ chức tín dụng vẫn chưa thực sự gặp nhau.
Như trên, 12.000 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ qua kênh cầm cố cũng phản ánh hiện tượng có nhu cầu phải chấp nhận vay từ nhà điều hành với lãi suất lên tới 4,75%/năm, kỳ hạn 7 ngày; trong khi đó, nếu vay được các tổ chức tín dụng khác, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn tương ứng chỉ khoảng quanh 4%/năm mà thôi.
Sau những biến động và hiện tượng 12.000 tỷ đồng nói trên đáo hạn, tuần qua lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bình ổn trở lại.
Cụ thể, trong tuần từ 01/7 - 05/7, lãi suất VND liên ngân hàng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó (giảm 0,5 - 0,7 điểm phần trăm tùy kỳ hạn); chốt phiên cuối tuần giao dịch quanh mức: qua đêm 3,27%, 1 tuần 3,42%, 2 tuần 3,55% và 1 tháng 3,73%/năm.
Và sau đợt biến động lãi suất trước đó, với nhu cầu vốn hệ thống tăng lên, số dư tín phiếu lưu hành của Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh từ quanh 70.000 tỷ đồng nửa đầu tháng 6 xuống còn 35.000 tỷ đồng cuối tuần qua.
Như vậy, một lượng vốn lớn theo đó đã được trả lại và chảy ra thị trường, mà diễn biến này cũng khớp với tốc độ một dòng chảy khác: hoạt động cho vay của hệ thống được đẩy mạnh vào cuối tháng 6 vừa qua, với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã đạt 7,33% (từ mức 6,22% cập nhật đến ngày 18/6/2019).