Nhận định này được ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại họp báo ngày 28/12.
Ông Dũng phân tích, Covid-19 ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người dân, vì thế khả năng công nhân tập trung rút tiền mặt tại ATM tại các khu công nghiệp sẽ ít xảy ra hơn. Yếu tố quan trọng thứ hai là xu hướng chuyển từ xài tiền mặt sang thanh toán qua di động và POS sau hai năm Covid vừa qua.
Tính trong 10 tháng đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng tương ứng 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; qua kênh QR Code tăng 54% và 120% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
"Chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền ATM dịp Tết sẽ không tăng mạnh như mọi năm", ông Dũng nói. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng hoạt động và đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng vẫn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhà băng.
Trong đó, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) – đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính có thể xử lý tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mỗi ngày mà hệ thống vẫn thông suốt.
Từ 2020 đến hết năm nay, Ngân hàng Nhà nước ước tính tổng tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (Napas) đã giảm cho khách hàng là hơn 2.550 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, 60% thẻ ATM nội địa (loại thẻ từ) đã chuyển sang thẻ chip (tính trên các thẻ đang hoạt động - tức có ít nhất 1 giao dịch trong 12 tháng qua).
Thông tin thêm về hoạt động tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến 28/12 đạt 12,97% và dự kiến đạt 13,5-14% vào cuối năm nay.
Đến 20/12, các ngân hàng đã cơ cấu lại hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị luỹ kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi suất với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ.