Khoanh nợ - cơ hội để cho vay mới
Đại dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm, đặc biệt từ cuối năm tháng 4/2021 khi dịch bùng phát trở lại lần thứ 4 đã ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, với quy mô rộng lớn trên phạm vi toàn lãnh thổ, lan truyền tốc độ nhanh, liên tục, tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố và các khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, những đầu tàu kinh tế có tỷ trọng đóng góp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, GDP, ngân sách nhà nước lớn. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, hoạt động không quá 20% công suất; du lịch, dịch vụ logictic, nhà hàng, khách sạn… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó gượng dậy.
Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần chính sách đặc biệt
Việc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian khá dài, đã làm cho nhiều khu công nghiệp, nhà máy phải ngưng hoạt động, mang đến nguy cơ gián đoạn hợp đồng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Sản xuất ngưng trệ, doanh nghiệp không có doanh thu, không có lợi nhuận, phát sịnh nợ thuê, nợ xấu tín dụng tăng lên và các nghĩa vụ thanh toán khác không thực hiện được, trong khi vẫn phải trả lương cho một bộ phận nhân công hành chính, trả chi phí điện, nước, viễn thông, thuê mặt bằng trụ sở làm việc, bến bãi, kho hàng…
Tất cả những khó khăn do Covid-19 gây nên đều mang tính khách quan, bất khả kháng, hậu quả nặng nề, phức tạp hơn cả rủi ro do thiên tai mang lại, bởi tính chất dai dẳng, diện tàn phá và mức độ ảnh hưởng rộng, trực tiếp đến sức khỏe con người và suy giảm sức lao động, nhân tố chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Thế nên, không phải chờ đến lúc các doanh nghiệp kêu khó ngành Ngân hàng mới ban hành cơ chế xử lý, tháo gỡ, mà ngay sau khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, tháng 3/2020 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Điều đó thể hiện tư duy nhanh nhạy, có trách nhiệm cao trong điều hành chính sách tín dụng của cơ quan quản lý. Trong ngắn hạn, Thông tư 01 đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN các quy định này đã thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trụ lại được, ít nhất là đến hết quý 2 năm 2022.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã được các doanh nghiệp ngân hàng đồng hành, chia sẻ bằng những đồng vốn chắt chiu từ lợi nhuận để đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628 nghìn khách hàng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215 nghìn khách hàng với dư nợ 227 nghìn tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520 nghìn tỷ đồng. Đó là nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng và có thể coi đó là giải pháp tình thế, nó sẽ phát huy hiệu quả nếu như tình hình dịch Covid-19 không diễn biến quá phức tạp như vừa qua.
Đến nay, tại thời điểm giữa tháng 10/2021, dịch bệnh đã dấu hiệu suy giảm khá rõ, nhiều người lạc quan cho rằng “đã thấy ánh sáng cuối đường hầm”, song thực tế hơn một chút, nhìn vào cách thức vận hành của biến thể Delta và cách ứng phó của các quốc gia trên thế giới, không ai khẳng định được điểm kết thúc dịch Covid-19. Như vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng lãi suất (không có trong thông lệ quốc tế), cơ cấu và gia hạn nợ sẽ rất “chông chênh”. Thời điểm trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ được cơ cấu và gia hạn đang đến gần, lúc đó, chắc chắn các tổ chức tín dụng cũng sẽ rất e ngại đối với những khoản nợ như vậy, vì bản thân nó đang là quả bom nợ xấu chờ nổ. Cùng với áp lực cho vay đúng chuẩn là các khoản nợ sắp đến hạn có nguy cơ mất khả năng thanh toán sẽ không đủ điều kiện để được vay mới, và điều gì sẽ xảy ra khi tỷ trọng nợ xấu tăng cao, trong khi các tổ chức tín dụng không cho vay ra được?
Khoanh nợ để cho vay mới
Dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu xuất hiện, kéo theo vô vàn hệ lụy mà cả cộng đồng quốc tế phải đặc biệt quan tâm; nhiều chính sách ứng phó với nó đã được trình chiếu ở nhiều quốc gia và ở Việt Nam, do tính bất định của dịch cũng đã có sự thay đổi chiến lược cực kỳ quan trọng, từ “không Covid” đến “chủ động, linh hoạt, an toàn thích ứng” với Covid. Gần đây, trên một số diễn đàn kinh tế bàn nhiều về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các ý kiến gợi mở giải pháp đều hướng đến kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp “khoanh nợ” như đã áp dụng tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 116/2018/NĐ-CP (Nghị định 116) sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là căn cơ, có tính dài hạn phù hợp với trạng thái bình thường mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 nói chung và các biến thể của chủng loại vi rút Corona vẫn có khả năng diễn biến cao.
Tại các Nghị định 55 và 116, “Khoanh nợ” là chính sách tín dụng đặc biệt dành cho đối tượng khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan bất khả kháng.Chính sách này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ; nguồn thực hiện cấp bù lãi cho tổ chức tín dụng do khoanh nợ cho khách hàng từ dự phòng ngân sách địa phương. Trường hợp không cân đối được từ dự phòng ngân sách địa phương, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương. Thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm, cá biệt có trường hợp được khoanh nợ tối đa là 3 năm.
Khoanh nợ để cho vay mới, đó là mục tiêu chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp lúc này. Một trong điểm mới của Nghị định 116 là bổ sung Khoản 4 vào Điều 14 Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nội dung Quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.
Khi nhấn mạnh đến tính khả thi của giải pháp “khoanh nợ”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: trong tất cả những trường hợp doanh nghiệp bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng, thì đây là giải pháp hợp thời nhất. Cùng với Nghị định 55, Nghị định 116 đã bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp các ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo điều kiện cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ xem xét ban hành chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tương tự như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực để đồng vốn tín dụng phát huy hiệu quả, an toàn.