Sinh viên vay tiền qua ứng dụng hay tín dụng đen rủi ro hơn?
Trước đây, sinh viên, người thu nhập thấp muốn vay tiền thì thường tìm đến tín dụng đen, ít ràng buộc nhưng lãi suất cao. Gần đây, các ứng dụng cho vay tiêu dùng, vay ngang hàng đã xuất hiện nhiều hơn, nhưng liệu rủi ro có kém tín dụng đen?
Không ít lần, ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhắc tới hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending). Nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển. Theo đó, người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chi phí thấp, mà thủ tục không phức tạp.
Ngoài các ứng dụng cho vay ngang hàng, thì nhiều công ty đã xây dựng thêm các ứng dụng cho vay tiêu dùng. Các ứng dụng này đều được sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Theo đó, chỉ với điện thoại di động, người dùng sẽ được “ứng” trước tiền để thanh toán cho các hoạt động mua sắm tiêu dùng hàng ngày một cách nhanh chóng, thuận tiện ngay cả khi người dùng không có tiền trong tài khoản.
Chia sẻ về các ứng dụng kiểu mới này, ông Trần Việt Vĩnh, Founder & CEO của Fiin cho biết, các loại hình thanh toán không tiền mặt phổ biến hiện nay đều có những hạn chế nhất định. Đối với dịch vụ cấp tín dụng như Visa, Master Card… do nước ngoài cung cấp, số lượng người dân tiếp cận vẫn còn thấp, đa số có thu nhập cao hoặc khá. Còn với các ứng dụng cho vay tiêu dùng mới trên thị trường hiện nay, dịch vụ tín dụng sẽ được phổ cập tới đông đảo người dùng, kể cả sinh viên hoặc những người có thu nhập trung bình thấp.
“Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế không chỉ trong khu vực mà đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Sớm hay muộn, Việt Nam cũng sẽ tham gia mạnh mẽ. Hiện thị trường đang mở rộng và là cơ hội cho các công ty trong và ngoài nước tham gia”, ông Vĩnh chia sẻ.
Điểm mới của những ứng dụng cho vay tiêu dùng trên thị trường hiện nay là người dùng có thể vay từ 10 - 50 triệu đồng, và sẽ được chấm điểm và nâng hạng vay nếu lịch sử sử dụng tốt. Khoản vay này thậm chí còn được một số bên cung cấp dịch vụ miễn lãi trong vòng 45 ngày, hết thời hạn này thì mới tính lãi (mức lãi trên 20%).
Tuy vậy, nhưng cả Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia đều có chung quan điểm là, hình thức cho vay này vẫn đang chứa đựng nhiều rủi ro.
Nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro được các bên chỉ ra là do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý, nên khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.
Ngoài ra, rủi ro đạo đức xảy ra khi bên vay không trả được nợ, hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém dẫn đến phá sản...dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư. Nghiêm trọng hơn, những biến tướng của hình thức cho vay này như công ty P2P lừa đảo, áp dụng lãi suất và phí cao bất chấp khả năng trả nợ của bên vay, hoặc bên vay trốn tránh trả nợ...
Thậm chí, rủi ro có thể xuất phát từ chính người vay tiền nếu vay quá mức. Đặc biệt, khi người vay chủ yếu là người trẻ, ít kinh nghiệm và chấp nhận rủi ro cao.
Rủi ro là có thể nhìn thấy được, nên hiện nay, một số công ty khai thác các ứng dụng cho vay như của anh Vĩnh đã phải đứng ra cam kết với người cho vay trên ứng dụng của họ rằng: “Đối với người cho vay (nhà đầu tư), lãi suất của khoản tiền nhàn rỗi trong tài khoản có thể lên tới 18-20%/năm và nếu có rủi ro xảy ra, trung gian kết nối sẽ đứng ra đảm bảo bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.”
“Chúng tôi cũng phải đảm bảo 100% nếu người vay tiền chưa trả, thì chúng tôi sẽ mua lại các khoản cho vay và ứng tiền trả. Công ty cũng sẽ làm việc với người vay, cơ cấu nợ, tạo điều kiện để họ trả nợ”, ông Vĩnh chia sẻ thêm.
Nhiều ứng dụng cho vay ngang hàng, cho vay tiêu dùng hiện còn đang hướng thẳng tới đối tượng là các bạn sinh viên có thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập. Do đó, nếu có kế hoạch chi tiêu và trả nợ hợp lý thì đây là sự lựa chọn không tồi cho các bạn trẻ có điều kiện kinh tế khó khăn mà không muốn vay tín dụng đen.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng tại Việt Nam.