“Ngân hàng Nhà nước đang cẩn trọng với mục tiêu kép”
Mặc dù lạm phát ở mức vừa phải, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì quan điểm chính sách tiền tệ cẩn trọng để hỗ trợ mục tiêu kép là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội.
Trong báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chỉ số lạm phát chung nhích nhẹ thời gian qua, nhưng áp lực giá dự kiến vẫn được kiềm chế trong ngắn hạn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam nhích nhẹ trong 5 tháng đầu năm 2019, do tăng giá do Nhà nước quản lý (giá điện và xăng dầu).
CPI chung tăng 2,9% (so cùng kỳ năm trước vào tháng 5/2019, tăng nhẹ so với mức 2,6% của tháng 1/2019, do giá lương thực thực phẩm tăng nhẹ.
Trong cùng kỳ, lạm phát cơ bản cũng tăng nhẹ lên 1,9% so với 1,7% vào tháng 12/2018, nhưng vẫn được duy trì dưới 2% kể từ tháng 6/2015.
Mặc dù vậy, áp lực lạm phát cũng đã xuất hiện ở mức đáng lưu ý, do tăng giá điện và giá xăng dầu tăng cũng như do kế hoạch tăng giá do Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực y tế và giáo dục.
Mặc dù lạm phát ở mức vừa phải, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì quan điểm chính sách tiền tệ cẩn trọng để hỗ trợ mục tiêu kép là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung.
Chỉ tiêu đặt ra là đạt tăng trưởng GDP ở mức 6,6-6,8%, duy trì CPI dưới 4%, đảm bảo tốc độ tăng tưởng tín dụng 14%.
Theo đánh giá của WB, chính sách tiền tệ phần nào trở nên chặt chẽ hơn từ năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống ngân hàng; đồng thời xác định trần tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng hạn chế cho vay bất động sản thông qua áp đặt trọng số rủi ro cao hơn; hạn chế sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn; và kiềm chế cho vay tiêu dùng bằng cách áp dụng trần về tỷ trọng vay tiền mặt đồng thời cấm tiếp tục cho vay những khách hàng có lịch sử tín dụng xấu.
Kết quả là tăng trưởng tín dụng giảm còn khoảng 13% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 3/2019 so với chỉ tiêu năm là 14%.
Ngoài ra, WB cũng cho rằng, hoạt động tín dụng ít sôi động hơn trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 phần nào cũng do quan điểm tránh rủi ro của những ngân hàng hiện đang tiếp tục quá trình xử lý nợ xấu.