Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Trong đó, theo Điều 8 tại Thông tư cũ, việc vay vốn để trả khoản vay tại tổ chức tín dụng khác sẽ không được phép thực hiện, trừ trường hợp là vay trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, có thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ và chưa thực hiện cơ cấu.
Tuy nhiên, tại Thông tư 06 mới ban hành, giới hạn "phục vụ hoạt động kinh doanh" đã không còn được đề cập tới, hai điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu được giữ nguyên.
Theo đó, các nhà băng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ôtô.
Với quy định mới, việc linh hoạt trong lựa chọn ngân hàng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn trước. Khách hàng có thể chọn nhà băng có lãi suất vay thấp hơn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ hơn để vay nhằm tối ưu hóa dòng tiền. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Bên cạnh việc giúp khách hàng linh hoạt hơn trong xử lý khoản vay cũ, Thông tư mới cũng bổ sung thêm một số trường hợp không được cho vay.
Trong đó, việc vay tiền từ ngân hàng để gửi tiền sẽ bị cấm. Ngân hàng cũng không được cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Việc vay tiền từ ngân hàng để thanh toán góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với dự án không đủ điều kiện kinh doanh cũng nằm trong trường hợp bị hạn chế.
Ngoài nội dung này, một số điều kiện vay khác cũng được thực hiện theo hướng đơn giản hơn.
Trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tổ chức tín dụng được quyền xác minh thông tin khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Theo đó, ngân hàng được quyền giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử (trước đây chỉ chấp nhận hợp đồng giấy), xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử.
Đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng, như vay mua ôtô, mua trang thiết bị tiêu dùng... khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Yêu cầu với khoản vay chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian và nguồn trả nợ. Riêng đối với những nhu cầu vay vốn để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khách hàng vẫn phải bổ sung phương án, dự án theo quy định.