Hàng loạt ngân hàng neo lãi suất tiền gửi cao đi kèm đi kèm nhiều ưu đãi tặng tiền, tặng quà, cộng thêm lãi suất, rút thăm trúng vàng, tiền tỷ... Tiêu biểu, BIDV tặng quà cho khách gửi mới, Shinhan Bank tặng quà ngay cho người gửi hoặc tham gia trúng thưởng ôtô, VIB treo giải thưởng 166 chỉ vàng mỗi tháng cho khách giữ số dư tiền gửi trong tài khoản thanh toán định kỳ, phổ biến nhất là hình thức tặng quà "liền tay" cho khách hàng tiết kiệm.
Còn tại HDBank, từ đầu tháng 8, ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi với tổng giá trị giải thưởng gần 11 tỷ đồng tại gần 300 điểm giao dịch trên cả nước. Chương trình kéo dài đến cuối tháng 10, dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng ở kỳ hạn từ một tháng trở lên. Người gửi sẽ nhận mã số dự thưởng tham gia quay số cuối chương trình để có cơ hội trúng thưởng giải đặc biệt là sổ tiết kiệm một tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại HDBank. |
Ngoài ra còn có một giải nhất là sổ tiết kiệm 50 triệu đồng, ba giải nhì mỗi giải là thẻ ATM 30 triệu đồng, 5 chuyến du lịch Philippines ủng hộ đội tuyển Việt Nam tham dự Seagame lần thứ 30 dành cho giải ba và 10 cặp vé máy bay Vietjet khứ hồi nội địa dành cho khách hàng trúng giải tư. Bên cạnh đó còn 23.000 phần quà tặng như bộ nồi, máy làm sữa chua, đèn LED, bàn là hơi nước, bình giữ nhiệt. Trước đó ngân hàng thường xuyên triển khai ưu đãi giá trị lớn như rút thăm trúng thưởng một ký vàng SJC, quả bóng vàng Futsal, cúp vàng SJC...
Trong bối cảnh các nền tảng ngân hàng số đón nhận đầu tư mạnh mẽ, các tổ chức tín dụng cũng xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu của người dùng. Có thể kể đến các sản phẩm tiết kiệm trực tuyến, tiết kiệm gửi góp, tiết kiệm tích hợp bảo hiểm tiền gửi. Một số ngân hàng như HDBank có chính sách áp dụng lãi suất cao hơn cho nhóm khách hàng gửi tiền trực tuyến nhằm thu hút người dùng tiếp cận các nền tảng ngân hàng số hiện đại.
Trong một tuần qua mặt bằng lãi suất có điều giảm giảm nhẹ tại một số ngân hàng ở kỳ hạn dưới ba tháng. Tuy nhiên hầu hết vẫn giữ nguyên các kỳ hạn còn lại, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-0,2% một năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mặt bằng lãi suất hiện tại ở mức 4,1-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,55% một năm kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,9% một năm kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trước diễn biến khó lường của kinh tế chính trị thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, hiện rất khó dự báo xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên nhiều khả năng mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tăng, do ngân hàng tăng huy động vốn để chủ động nguồn tài chính cho giai đoạn cuối năm. Đồng thời quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng khiến các ngân hàng chọn phương án tăng huy động thông qua tăng lãi suất hoặc tăng ưu đãi.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt 8,3%, thấp hơn tăng trưởng cho vay 10%.