Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Nền tảng pháp lý về BHTG tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cơ sở pháp lý đầu tiên điều chỉnh hoạt động BHTG là Nghị định 89 về BHTG; tiếp đến là Nghị định 109 và hiện nay là Luật BHTG. Điều này thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với chính sách bảo vệ người gửi tiền.

Được thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000, BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. BHTGVN hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTGVN góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đối với hệ thống các TCTD, BHTGVN tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Theo Luật BHTG, BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

 b

 Bảo hiểm tiền gửi góp phần lành mạnh hoạt động ngân hàng. ảnh: TL

Triển khai hiệu quả chính sách BHTG, bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền

BHTGVN hiện đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi bằng VND của cá nhân tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG trên toàn quốc, bao gồm: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Người gửi tiền không phải nộp phí BHTG mà phí này do tổ chức nhận tiền gửi đóng cho BHTGVN, theo quy định của pháp luật.

Khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, phá sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm. BHTGVN thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiên chi trả cho người gửi tiền trong hạn mức BHTG. Hạn mức BHTG được xác đinh trên cơ sở: năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm được cho phần lớn người gửi tiền, nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).

Với hạn mức BHTG theo quy định hiện hành là 75 triệu đồng, BHTGVN có khả năng bảo vệ phần lớn người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế. Phần vượt hạn mức BHTG, người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tổ chức tham gia BHTG.

Từ khi được thành lập, BHTGVN đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Đến nay, BHTGVN đã chi trả cho 1.828 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng số tiền 26.778 triệu đồng.

Người gửi tiền còn được BHTGVN bảo vệ gián tiếp thông qua các nghiệp vụ BHTG khác nhằm góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng gắn với “vòng đời” của tổ chức tham gia BHTG như: Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, tham gia kiểm soát đặc biệt...

Bên cạnh triển khai các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN cũng tích cực tuyên truyền chính sách BHTG đến người gửi tiền và đây được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu của BHTGVN. Khi người dân hiểu rõ chính sách BHTG, niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn. Rủi ro đột biến rút tiền gửi sẽ ít có khả năng xảy ra, hệ thống ngân hàng vì thế sẽ hoạt động an toàn hơn.

Tích cực tham gia tái cơ cấu hệ thống các TCTD

Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt trong quá trình này là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD đã trao cho BHTGVN trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, cụ thể: mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo chỉ định của NHNN.

Bên cạnh đó, BHTGVN phối hợp cùng ban kiểm soát đặc biệt và các cơ quan có liên quan để đánh giá tính khả thi đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và công ty tài chính. Đối với trường hợp TCTD không thể khôi phục hoạt động bình thường mà buộc phải cho phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Chính phủ quyết định chủ trương phá sản, BHTGVN phối hợp cùng ban kiểm soát đặc biệt, các cơ quan có liên quan và TCTD đó xây dựng phương án phá sản trình NHNN.

Có thể nói, các nhiệm vụ mà luật giao cho BHTGVN chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cho sự phục hồi của các TCTD, đặc biệt là các TCTD quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của BHTGVN là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền.

BHTGVN ngày càng khẳng định vị thế là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng và đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD./.