Ham tiết kiệm ham lãi suất cao, cảnh báo chiêu tiền tỷ bốc hơi

Khách hàng có tiền gửi tiết kiệm thời điểm này được hưởng lợi lớn bởi lãi suất huy động từ các ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, cũng cần cẩn thận, bởi ham lãi suất cao có nguy cơ tiền gửi “bốc hơi”.

Trên thị trường hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của nhiều ngân hàng đang ở mức khá cao, phổ biến từ 5-8%/năm.

Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cao nhất là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với 8%/năm, tiếp đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 7,8%/năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là 7,6%/năm,... thấp nhất là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) 5%/năm.

Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất còn được đẩy cao hơn. Cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lãi suất 8,6%/năm.

Nếu khách hàng có nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất còn cao hơn nữa. Viet Capital Bank và Nam A Bank đang áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 24-60 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.

Ham tiết kiệm ham lãi suất cao, cảnh báo chiêu tiền tỷ bốc hơi - Ảnh 1.

Tránh gửi một khoản lớn vào một ngân hàng (ảnh minh họa)


Trong khi đó, khối 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước gồm Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp VN (Agribank) và VietinBank, niêm yết phổ biến quanh mức 6,8-7%/năm.Ngoài ra, một số ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất cao chót vót. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) vừa qua đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 9,1%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) từ 8,6-8,9%/năm, cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.

Có thể thấy, lãi suất huy động ở các ngân hàng hiện nay có sự phân hóa khá mạnh với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới 2-3 điểm %/năm. Chênh lệch lớn nên gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao, khách hàng sẽ được hưởng lợi hơn.


Chẳng hạn, ở kỳ hạn 6 tháng với khoản tiền gửi 1 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi từ 25 triệu cho đến 40 triệu đồng tùy ngân hàng, một mức chênh đáng cân nhắc để chọn ngân hàng gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khách hàng nên cẩn thận, ham lãi suất cao, có nguy cơ gánh chịu những rủi ro. Bởi thời gian vừa qua, đã xảy ra hiện tượng tiền gửi “bốc hơi” tại một số ngân hàng.

Có khách hàng phản ánh, giữa năm 2018 mang số tiền lớn đến phòng giao dịch một ngân hàng TMCP nhỏ tại Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) để gửi, được nhân viên ngân hàng tư vấn nên gửi đồng sở hữu để hưởng lãi suất cao hơn. Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ, luôn phải có hai người (đứng tên đồng sở hữu) cùng có mặt, ký mọi giấy tờ thì việc tất toán hay thế chấp, chuyển đổi,... mới có hiệu lực. Sau đó, họ còn giới thiệu luôn một khách hàng sẵn sàng góp tiền tương đương để gửi theo hợp đồng đồng sở hữu.

Nhưng đến hạn ra ngân hàng làm thủ tục tất toán thì được thông báo, sổ tiết kiệm đã được tất toán cho một khoản tiền khác tại ngân hàng này. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc giám định thì chữ ký thì thấy, chữ ký ở giấy tờ gửi tiền với chữ ký vay tiền khác nhau. Điều này thể hiện quy trình, nghiệp vụ của ngân hàng không tốt.

Lãi suất là yếu tố nhiều người gửi tiền quan tâm đầu tiên và ai cũng thích gửi tiết kiệm ở những ngân hàng có lãi suất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất mà cần quan tâm tới các yếu tố khác như: uy tín, bề dày lịch sử, thương hiệu ngân hàng, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm ở ngân hàng mà mình gửi tiền.

Phải giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không được để cho người khác “giữ hộ” với bất kỳ lý do nào. Bởi kẻ lừa đảo có thể giả chữ ký để tất toán trước hạn. Cùng với đó, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Hãy chia nhỏ số tiền ra, rồi gửi ở các ngân hàng khác nhau, tránh gửi một khoản lớn vào một ngân hàng, những kẻ lừa đảo thường nhắm đến khách hàng có khoản tiền gửi lớn.