Lãi suất ồ ạt tăng cao, cơn sốt cuối năm bùng phát
Bước sang tháng 7/2019, một loạt ngân hàng lại “đua” tăng lãi suất huy động. Cạnh tranh gay gắt để thu hút nguồn vốn khiến cho lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên cao.
Lãi suất cao chót vót
Điểm mặt cho thấy, 12 ngân hàng đang có mức lãi suất kỳ hạn dài trên 8%/năm. Đó là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) lãi suất 8,6% dành cho khách gửi từ 24 tháng trở lên, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi. Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỷ đồng, 24 tháng và cam kết không rút trước hạn. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng có lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng kỳ hạn 12-13 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lãi suất 8,55% cho kỳ hạn 13 tháng, Ngân hàng TMCP đại chúng (PVCombank) 8,5% cho kỳ hạn 13 tháng với khách gửi 500 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) 8,4% cho kỳ hạn 36 tháng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) 8,3% cho kỳ hạn 24-36 tháng, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 8,1% kỳ hạn 13-15 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn “đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất cao chót vót. Viet A Bank vừa qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 9,1%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) từ 8,6-8,9%/năm, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) 8,1%/năm,... cho các kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng.Nếu khách hàng có nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất còn cao hơn. Viet Capital Bank và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đang áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 24-60 tháng đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến.
Không chỉ có kỳ hạn dài, kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh tăng. Theo khảo sát, có 9 ngân hàng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 7 tháng trên 7%. Trong đó, xếp ở vị trí đầu tiên là Nam A Bank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 7 tháng ở mức 8,05; Viet Capital Bank 7,8%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) 7,6%; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) 7,35%; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và VPBank 7,3%; Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) 7,1% và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) 7,05%...
Trong tháng 7/2019, có tới 15 ngân hàng đẩy mức lãi suất ở kì hạn 5 tháng lên 5,5%.
Lãi suất huy động cao chót vót, khiến cho lãi suất cho vay của các ngân hàng không thể giảm, ngược lại còn tăng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn hiện từ 9-11%/năm. Tuy nhiên, tìm hiểu tại các ngân hàng cho thấy, mức lãi suất này rất ít khách hàng được hưởng. Các DN cho biết, họ đang vay vốn trung dài hạn từ ngân hàng TMCP với lãi suất phổ biến từ 12-14%, thậm chí còn phải cộng thêm các khoản phí. Đây là mức lãi suất cao hàng đầu trong khu vực hiện nay.
Khách hàng gánh chịu
Hy vọng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm là điều khó xảy ra. Ngoài lãi suất huy động cao, hạn mức tín dụng cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng sắp hết room tín dụng cả năm. Cho dù có thể được nới cho phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, cũng không có chuyện “vung tay”, khiến các ngân hàng phải cạnh tranh giảm lãi suất.
Không những thế, còn có thể dẫn đến hiện tượng DN bị các ngân hàng ép vay với lãi suất cao. Trên thực tế, điều này đã xảy ra vào cuối năm 2018, khi đó lãi suất cho vay bị các ngân hàng TMCP nhỏ đẩy tăng do dư nợ tín dụng đến hạn. Nhiều DN phải vay với lãi suất kỳ ngắn hạn lên tới 11%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cần ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay tiêu dùng, bất động sản... Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng, bất động sản thường có lãi suất cao, để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng chắc chắn không muốn giảm mạnh cho vay các lĩnh vực này. Như vậy, nguồn vốn tập trung cho sản xuất kinh doanh khó đảm bảo đầy đủ. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn tăng sẽ càng tác động lên lãi suất.
Ngoài ra, còn có những tác động khác đến lãi suất cho vay như: nợ xấu nhóm 5 của các ngân hàng tính đến cuối năm 2018 tăng, giá cả hàng hóa thế giới, trong đó có dầu thô biến động và tỷ giá tăng.
Trong khi đó, số liệu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, có 37% số DN cho biết họ khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là với DN nhỏ. Lãi suất cho vay cao luôn khiến họ nản lòng. Trong khi, chiếm tới trên 90% số DN ở Việt Nam là nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, chi phí hoạt động cao. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay càng làm giảm sức cạnh tranh.
Một DN cơ khí nhỏ tại Thanh Trì, Hà Nội, than thở: “Lợi nhuận ngành cơ khí thường dưới 10%/năm, với lãi suất vay dài hạn trên 11%/năm như hiện nay chúng tôi không dám mở rộng đầu tư vì rủi ro cao”.
Còn một DN sản xuất miến tại Đồng Nai nhẩm tính, chi chi phí lãi vay của công ty thường chiếm khoảng 20% tổng vốn. Với lãi suất vay hiện nay, đã khiến chi phi vốn tăng thêm 7% so với đầu năm 2018.
Để sản xuất ổn định, các DN đã cố gắng cắt giảm khoản chi không cần thiết, đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tăng thời hạn thanh toán để đảm bảo việc xoay vòng vốn nhanh... Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao kéo dài, DN khó tránh khỏi khó khăn.
Lãi suất cao, tính toán thấy không có lợi, DN sẽ không mở rộng hoặc giảm sản xuất kinh doanh. Nếu bắt buộc phải vay, chi phí sẽ tăng lên, dẫn đến giảm lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách, giảm khả năng cạnh tranh, nguy cơ thua lỗ, phá sản cao.
Trái ngược là, báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao. Còn theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,76%, thấp hơn mức 7,05% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc.