Hướng tín dụng vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch

Hướng tín dụng vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch

Tiềm năng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam gần như vô tận

(ĐTCK) Năng lượng xanh, sạch là xu thế phát triển bền vững và "cơn sốt" điện mặt trời ở Việt Nam đang kéo theo cuộc đua cung cấp tín dụng cho các dự án năng lượng sạch giữa các ngân hàng.

Đẩy mạnh tín dụng xanh

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là vấn nạn mang tính toàn cầu. Do đó, xu hướng đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm xanh của cá nhân, doanh nghiệp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích áp dụng. Đó cũng là lý do các nhà băng đang bắt tay đẩy mạnh tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, phương án sản xuất thân thiện với môi trường.

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã và đang có những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh. Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, Nam A Bank đã ký kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, mức lãi suất ngân hàng cho vay ưu đãi khoảng 5-6%/năm. Còn theo bà Maud Savary Mornet, Giám đốc GCPF Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với chương trình tín dụng xanh, GCPF và Nam A Bank sẽ đồng hành cùng khách hàng trong các mục tiêu tài chính, cũng như chung tay bảo vệ môi trường.

ảnh 1

 

HDBank cũng là nhà băng đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực này khi vừa dành 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ưu đãi giảm tới 1%/năm so với lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, HDBank chấp nhận tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 80% và thời hạn vay lên tới 10 năm. Đồng thời, HDBank triển khai các chương trình liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước, cũng như xây dựng các chương trình xuất khẩu kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, tín dụng xanh không chỉ mang lại cơ hội, mà còn tiềm ẩn thách thức với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe để đủ điều kiện cấp vốn. Trong khi đó, các ngân hàng coi đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh và góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, cũng như hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra cho năm nay ở mức 14%, chủ trương của NHNN là tiếp tục hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Riêng lĩnh vực xanh, sạch… đã có chủ trương đẩy mạnh việc cấp vốn từ lâu.

Tuy nhiên, thống kê của NHNN cho thấy, hiện mới có 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại hội sở chính và chi nhánh của một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, HSBC… Trong khi đó, kể từ năm 2015, theo chủ trương của NHNN, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong đó, ngành ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Hiện nhiều nước trên thế giới đề ra chiến lược đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, song thực tế nguồn vốn để phát triển loại hình tín dụng này chủ yếu từ nguồn vốn của chính sách hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả cao. Như vậy, để có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo ông Tín, để phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả, các ngân hàng sẽ phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, xây dựng chuyên môn, năng lực cho nhân viên… trong lĩnh vực tín dụng xanh. Việc này sẽ phát sinh chi phí không nhỏ. Hiện nay, một số ngân hàng cổ phần cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) như OCB, Nam A Bank…

Rót vốn vào năng lượng sạch

Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều thương vụ hợp tác cung cấp vốn từ ngân hàng cho các dự án năng lượng sạch. Chẳng hạn, OCB thu xếp nguồn vốn tài trợ bổ sung vốn lưu động cho Công ty cổ phần Năng lượng TTC - TTC Energy và tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê. OCB nhận tài sản bảo đảm là chính hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay, tỷ lệ tài trợ lên đến 70% tổng giá trị đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, đối với ngành năng lượng nói chung, OCB đã có rất nhiều kinh nghiệm khi tài trợ cho các dự án thủy điện như Đăk R’tih, Sông Ba, Thuận Hòa - Hà Giang, dự án điện mặt trời Eco Seido, Đức Thành - Mũi Né...

Trong khi đó, HDBank cho hay, Ngân hàng dành tới 7.000 tỷ đồng để triển khai chương tình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020. Theo đó, HDBank sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, HDBank ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019. Riêng các dự án tại Ninh Thuận, Ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay các dự án có công suất thiết kế lớn (2.000 MW) đã được Chính phủ chấp thuận triển khai và có khả năng đấu nối trước thời điểm 31/12/2020. Điều kiện để được vay là khách hàng phải có vốn chủ sở hữu từ 150 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư. HDBank cũng yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ dự án chuyển về tài khoản thanh toán của khách hàng tại HDBank.

Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, còn vốn vay các ngân hàng là 60%. Dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm. Công trình được khởi công xây dựng trong quý IV/2017 và đưa vào hoạt động ngày 5/10/2018.

Vietcombank (VCB) vừa ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BP Solar tài trợ dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1. Tổng giá trị cấp tín dụng là 785 tỷ đồng, trong đó Chi nhánh VCB Sở giao dịch là chi nhánh đầu mối. Dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 có công suất 46MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng nằm tại xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó, tháng 9/2018 vừa qua, VCB Thủ Thiêm cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án Nhà máy điện mặt trời Srêpok 1 với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải. Dự án có công suất lắp đặt 50MWP với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Vietinbank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh. Dự án có quy mô 68,8 MW và tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng…

Có thể thấy, trong bối cảnh tín dụng bất động sản có chiều hướng siết dần, các nhà băng đang mở rộng diện tài trợ vốn sang lĩnh vực xanh, công nghệ cao và năng lượng mặt trời, với lãi suất tương đối mềm. Đây được xem là các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các nước đang phát triển trong khu vực châu Á và trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Đồng thời, với số lượng dân số lớn và trẻ, nhu cầu tiêu thụ điện của nước ta sẽ còn tăng mạnh. Trong khi đó, đến nay, việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bầu khí quyển toàn cầu, khiến vấn đề an ninh năng lượng càng trở nên cấp thiết. Bởi vậy, đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và ổn định đang được xem là giải pháp tối ưu.

Thực tế, điện mặt trời tạo nên cơn sốt tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Đặc biệt, từ giữa năm 2018, sau khi có quy định về giá bán điện là 9,35 Uscent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh), cao hơn đáng kể so với giá hiện tại là từ 1.500-1.700 đồng/kWh. Điều đó đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này như BIM Group, TTC Group, Xuân Cầu, Bamboo Capital, TTVN Group…, bên cạnh EVN. Các nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan, Hàn Quốc… cũng quan tâm nhiều đến thị trường điện mặt trời của Việt Nam.

Tại Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến đến năm 2019, chủ đầu tư sẽ mở rộng thêm công suất 29,5 MW với diện tích tăng thêm là 38,5 ha. Ngoài việc khánh thành nhà máy này, GEC cũng đã chính thức đưa Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động. Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng. Dự án này của GEC cũng được các ngân hàng tham gia tài trợ vốn.

Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - đơn vị sở hữu GEC - ông Đặng Văn Thành cho biết, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…

Cơn sốt đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam đang kéo theo cuộc đua cung cấp tín dụng cho các dự án lĩnh vực này. Theo TS. Bùi Quang Tín, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội và ngành ngân hàng không là ngoại lệ. NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Trong xu hướng chung hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế và định chế tài chính đòi hỏi đối tác phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội. Đối với chính sách cung cấp tín dụng, cơ quan quản lý ngành cũng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra chính sách cụ thể hơn về tín dụng xanh nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Cùng với đó là sự chung tay của các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường năng lực xem xét các dự án tăng trưởng xanh, sạch và nhất là cần tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường… Phải có sự vào cuộc và kết nối xuyên suốt, từ các cơ quan, ban ngành chức năng, đến các doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, sạch tại Việt Nam.