Ví thẻ tín dụng như “con dao hai lưỡi”, sử dụng thế nào để hiệu quả?
Gia tăng bảo mật: An toàn cho cả khách hàng và ngân hàng
Tại buổi toạ đàm truyền thông “Thị trường thẻ tín dụng: Cuộc đua giữa các ngân hàng và cơ hội cho người dùng” do BizLIVE tổ chức mới đây, ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Bản Việt, cho biết thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam mới phát triển mạnh mẽ trong thời gian 10 năm trở lại đây. Thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng khi có tới 70% dân số của Việt Nam là dân số trẻ và đang trong độ tuổi đi làm, có thu nhập ổn định.
Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, một mình ngành ngân hàng không thể hoàn thành được nhiệm vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc thúc đẩy chi tiêu qua thẻ tín dụng. Ví dụ, chúng ta mua bán nhà, chủ yếu vẫn dùng tiền mặt để thanh toán, và để phát triển thẻ, ngân hàng cần gia tăng hơn nữa niềm tin cho cộng đồng, giải bài toán tâm lý e ngại, vấn đề an toàn, bảo mật.
Trước vấn đề e ngại về bảo mật, về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho biết LienVietPostBank đã nâng hấp hệ thống công nghệ thông tin với nền tảng gửi OTP (One Time Password - mật khẩu sử dụng 01 lần) tới khách hàng, đúng code thì mới giao dịch được.
Hay khi thẻ của khách hàng thực hiện nhiều giao dịch sẽ cảnh báo tới khách và tới cả người quản trị, bằng cách ngân hàng sẽ liên lạc với khách để xác nhận có giao dịch nhiều như vậy hay không, để đảm bảo các bên tham gia toàn bộ giao dịch. Ngoài ra, ngân hàng cũng ứng dụng công nghệ đưa lên điện thoại thông minh, khách hàng có thể quản lý số dư, phát sinh lãi, các giao dịch được thực hiện…
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết thêm về quy trình, khi bên bán buôn chuyển hồ sơ/thông tin thanh toán thẻ, chúng tôi sẽ rà soát chữ ký; hoặc cashier (người thu tiền) tại quầy sẽ kiểm tra chữ ký đối chiếu với chữ ký sau thẻ. Có những nơi làm chặt sẽ yêu cầu bên bán hàng làm những thủ tục đó. Nhưng ở Việt Nam các khâu có vẻ dễ dãi hơn và bản thân chủ thẻ cũng không bảo mật thông tin cá nhân.
Còn luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh quy trình phát thẻ sắp tới nên có vài điểm thay đổi. Ví dụ câu chuyện đưa thẻ cho người khác thanh toán. Ngân hàng có thể yêu cầu bên Merchant (nhận thanh toán) phải thực hiện thanh toán tại bàn/tại quầy cần có mặt của khách hàng.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho rằng để đảm bảo an toàn cho người dùng thẻ, theo lộ trình của NHNN yêu cầu các ngân hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và thực hiện xong toàn bộ vào năm 2021.
Về xử lý những trường hợp mất tiền trong thẻ của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 30 (năm 2016, sửa đổi, bổ sung Thông tư 19) yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ nhanh chóng xác định nguyên nhân, nếu tổn thất không do lỗi chủ thẻ hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng thỏa thuận tại hợp đồng, ngân hàng phải bồi hoàn tối đa trong 5 ngày làm việc kể từ khi có kết quả tra soát.
Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định 2 loại lãi suất
Liên quan đến tình huống khách hàng bị tính lãi khiến “bất ngờ” khi xài thẻ tín dụng, luật sư Trần Minh Hải cho rằng cần có sự công bằng với ngân hàng cung cấp dịch vụ. Vì khách hàng sử dụng thẻ tín dụng được miễn lãi tới 45-55 ngày, ưu đãi cao, khoản vay qua thẻ tín dụng là tín chấp, không có tài sản đảm bảo, như vậy, chế tài mạnh để đảm bảo công bằng cho ngân hàng, cho khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết từ nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định 02 loại lãi suất, thứ nhất, trần lãi suất đối với tiền gửi ngắn hạn bằng VND dưới 6 tháng tối đa 5,5%/năm; thứ hai, lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 6,5%/năm, áp dụng đối với 05 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ phụ trợ và ứng dụng công nghệ cao. Lãi suất các lĩnh vực còn lại là thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng và khách hàng.
Cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 39 điều chỉnh sửa đổi quy định cho vay, theo đó nền tảng cơ chế lãi suất vẫn là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Thêm một trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ là 0%/năm.
Làm sao sử dụng “con dao hai lưỡi” hiệu quả?
Về vấn đề kiểm soát chi tiêu qua thẻ tín dụng khi nhiều người so sánh thẻ tín dụng như "con dao 2 lưỡi", ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thứ nhất, ngay khi khách hàng khi thực hiện giao dịch sẽ nhận được tin nhắn báo đã thực hiện mua hàng ở đâu, số tiền bao nhiêu.
Thứ hai, tới kỳ sao kê của một thẻ tín dụng hàng tháng ngân hàng có ngày quy định ra sao kê, khách sẽ nhận được sao kê điện tử qua email. Nếu khách không xem email, trước ngày ân hạn thanh toán tiền khoảng 5 ngày ngân hàng nhắn tin SMS để biết được số dư nợ bao nhiêu. Nếu khách sử dụng app trên điện thoại trên đó có thể đăng ký tài khoản thanh toán để nạp tiền vào, hệ thống tự động cắt nợ, hoặc đăng ký tài khoản ví, ví này có thể lưu lại lịch sử thanh toán, gần tới ngày thanh toán ví tự động thông báo cho kỳ thanh toán.
Các diễn giả tham dự Toạ đàm truyền thông Thị trường thẻ tín dụng do BizLIVE tổ chức - Ảnh: MT.
Một vấn đề cũng quan ngại với chủ thẻ tín dụng, đó là trường hợp nếu mất thẻ tín dụng xử lý ra sao, ông Phan Viết Cường cho biết trường hợp mất thẻ, chủ thẻ cần có hành động ngay lập tức. Chủ thẻ nếu liên lạc không được tổng đài ngân hàng thì nên đến chi nhánh gần nhất cần hỗ trợ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, có 3 kênh để thực hiện khóa thẻ nóng. Kênh đầu tiên là hotline, nếu gọi lên bị kẹt có kênh online gồm internet banking hoặc mobile apps. Với ví điện tử, Ví Việt có thể thực hiện khóa thẻ ngay cho tất cả các thẻ nếu chủ thẻ thấy đang có rủi ro. Ví có thể xác nhận bằng vân tay, khuôn mặt. Kênh thứ 3 là kênh quầy giao dịch, Liên Việt có kênh bưu cục trải khắp cả nước để những khách hàng không sử dụng được 2 kênh trên có thể đến trực tiếp.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giành thị phần thẻ tín dụng còn nhiều tiềm năng của các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh nói: “Ở tư cách cá nhân, tôi sẽ lựa chọn thẻ của ngân hàng nào mang lại giá trị gia tăng tốt nhất. Vì vậy, thẻ ngân hàng không chỉ cần bảo mật, an toàn mà còn cần đem lại nhiều giá trị gia tăng cao cho khách hàng dùng thẻ”.