Mất tiền vì để lộ thông tin thẻ tín dụng: Lỗi thuộc về ai?
Tại một cuộc tọa đàm diễn ra vào ngày 14/6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TP.HCM) chia sẻ, nguyên nhân quan trọng khiến hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng ở Việt Nam còn thấp là bởi người tiêu dùng không có nhiều niềm tin với các Ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số (ngân hàng Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank) đánh giá, số lượng rất lớn các thẻ từ đang lưu hành trên thị trường chính là lỗ hổng bảo mật và an ninh thông tin, khiến rủi ro của người tiêu dùng Việt nằm trong nhóm cao nhất Đông Nam Á.
“Một nguyên nhân khác khiến sự bảo mật của các tài khoản tín dụng thấp là do ý thức người tiêu dùng chưa cao. Về nguyên tắc, người tiêu dùng không được đưa thẻ cho các nhân viên ở các cửa hàng tự ý quét thẻ mà phải chính mình thực hiện để đảm bảo an toàn. Đây là lỗi mà rất nhiều người mắc phải”, ông Bình nhận xét.
Để khắc phục tình trạng bảo mật kém, như việc người tiêu dùng mất tiền trong tài khoản không rõ nguyên nhân, ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 giải pháp. Thứ nhất, thúc giục các ngân hàng nhanh chóng chuyển đổi lượng thẻ từ đang lưu hành trên thị trường sang thẻ chip và phải hoàn thành 100% vào năm 2021.
Thứ hai, nếu khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, đơn vị ngân hàng phải nhanh chóng đi xác định nguyên nhân và trong thời gian 5 ngày, phải hoàn tiền cho khách hàng nếu lỗi không thuộc về họ.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc công ty Luật BASICO, trong chuyện người Việt dễ dãi khi xài thẻ tín dụng, một phần lỗi thuộc về ngân hàng. “Đáng lẽ, trong quá trình làm thẻ cho người tiêu dùng, nhân viên ngân hàng phải giải thích rõ ràng, khách hàng nên làm gì và không nên làm gì với thông tin cũng như thẻ tín dụng của mình. Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm yêu cầu các cửa hàng sử dụng máy POS không được tự ý lấy thẻ của khách để quét mà phải để khách tự tay thực hiện thao tác thanh toán. Nếu không, người tiêu dùng có quyền phản ánh lên hệ thống ngân hàng”, luật sư Hải bày tỏ.
Đồng thời, luật sư Trần Minh Hải cũng đề cập: “Khi thực hiện một hợp đồng mở tài khoản và làm thẻ tín dụng, tất cả những thông tin về mã pin, họ tên, ngày tháng hết hạn… đều được ngân hàng trao cho người tiêu dùng và quy định là người tiêu dùng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi thông tin bị lộ. Thế nên, ngân hàng rất dễ kết luận rằng, khách hàng đã lơ là để lộ thông tin thẻ khi xảy ra sự cố và người tiêu dùng rất khó chứng minh rằng ngân hàng nói thế là đúng hay sai”.
Vì thế, chuyên gia pháp lý nhận định, giải pháp của ngân hàng Nhà nước chỉ là hướng dẫn chung, còn tình hình thực tế xảy ra luôn hết sức phức tạp, rất hiếm người tiêu dùng được hoàn lại tiền trong vòng 5 ngày. Do đó, luật sư Hải đề xuất, cần có một tổ chức độc lập để bảo vệ người tiêu dùng trong những vụ tranh chấp với ngân hàng.