Ngân hàng tăng lãi suất

Lãi suất VND ổn định trên cả 2 thị trường

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm ròng 14.349 tỷ đồng thông qua tín phiếu đáo hạn, lượng tín phiếu lưu hành giảm về 70.450 tỷ đồng; kênh OMO không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0. Lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng từ đầu tuần và gần như đi ngang trong tuần, hiện ở mức 3.15%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3.28% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất ON của VND-USD là 0.7%.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất trên liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND-USD thực dương sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối. Nhiều khả năng lãi suất VND trên LNH sẽ được giữ trong vùng 3.3-3.5%/năm để đảm bảo lớn hơn lãi suất USD khoảng 0.8-1%/năm. 

Đối với thị trường 1, lãi suất huy động vẫn khá ổn định ở mức 4.1%- 5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Tuy nhiên, kỳ hạn 12,13 tháng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, có một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm nhưng cũng có ngân hàng điều chỉnh tăng thêm, mức lãi suất hiện tại khác biệt khá nhiều giữa các ngân hàng, dao động trong vùng 6.4%-7.8%/năm. 

Gần đây, một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn (8.5-8.7%/năm) với điều kiện kỳ hạn gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi khá lớn (500 tỷ đồng) tuy nhiên đối tượng khách hàng đủ điều kiện hưởng mức lãi suất này không nhiều và không mang tính đại diện.

Nhìn chung, lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở mức 4.1%-5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-7.8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Theo CME, xác suất FED cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 7 đã tăng lên mức 83% và kỳ vọng FED cắt giảm nhiều lần trong năm nay cũng đang tăng lên.

Ngân hàng tăng lãi suất - 1


Lãi suất cao trên 8,5% chỉ dành cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ với kỳ hạn dài tại một số nhà băng

Diễn biến quốc tế hỗ trợ tỷ giá USD/VND giảm nhẹ

Tuy mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng khi 2 bên vẫn tỏ ra rất cứng rắn trong các tuyên bố của mình nhưng thị trường vẫn còn chút hy vọng, ít nhất là cho tới sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào 28-29/6 tới.

Trong bối cảnh tâm lý giới đầu tư đang khá yếu, thông tin về mức tăng số việc làm phi nông nghiệp và thu nhập trung bình đều thấp hơn kỳ vọngvà khả năng FED giảm lãi suất tăng lên đã khiến cho đồng USD mất giá khá mạnh. DXY giảm về 96.5, mất tới 1.2% so với cuối tuần trước, EUR và GBP tăng giá lần lượt 1.5% và 0.8% so với USD.

USD mất giá cũng khiến giá vàng thế giới tăng, lên tới 1.341 USD/oz, tăng 2.7% WoW. Giá vàng trong nước cũng bật tăng thêm 2% ở cả chiều mua vào và bán ra, lên 37.08/37.16 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong hơn 3 tháng gần đây. Giá vàng thế giới hiện đã cao hơn giá vàng trong nước gần 800 nghìn đồng/lượng. 

Tỷ giá USD/CNY đi ngang ở mức 6.91, mất giá thêm 0.1% so với USD so với cuối tuần trước sau tuyên bố của Thống đốc PBoC rằng Trung Quốc vẫn có khoảng trống lớn để điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng tệ đi.

Tuy vậy, SSI cho rằng không loại trừ khả năng Trung Quốc để cho đồng CNY rơi qua ngưỡng 7.00 trong trường hợp Mỹ áp thuế với toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc.

Áp lực quốc tế tạm lắng giúp cho VND tăng giá khoảng 0.06% trong tuần đầu tiên của tháng 6, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 15đ/USD trên ngân hàng về mức 23.345/23.465 và giảm 20đ/USD trên thị trường tự do về mức 23.395/23.410.

Tỷ giá trung tâm cũng được linh hoạt điều chỉnh, tuần này giảm 7đ/USD về 23.058 đ/USD. Nếu đồng USD tiếp tục yếu đi thì Việt nam sẽ được hưởng lợi nhất định khi VND cũng yếu đi so với nhiều đồng tiền lớn, mang lại lợi thế xuất khẩu nhất định sang các thị trường như EU, Nhật bản. Đây là một nhân tố giúp giảm bớt áp lực lên đồng VND trong tình huống CNY tiếp tục mất giá và bị vỡ ngưỡng 7.00.