Thu hồi nợ xấu qua thi hành án dân sự: Việc khó cần chung tay
(ĐTCK) Với một khối lượng cực lớn các vụ việc và giá trị tài sản phải xử lý, nếu không tạo được hành lang pháp lý rành mạch và sự vào cuộc rốt ráo của các bên thì việc thu hồi nợ xấu thông qua thi hành án dân sự sẽ gặp bế tắc triền miên.
Khối lượng công việc đồ sộ
Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, Chính phủ và các ngành, các cấp đã thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác giải quyết nợ xấu nhằm “khơi thông dòng chảy” tín dụng, tiền tệ, phá vỡ sự “đóng băng” tài chính, bất động sản, vực dậy nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững sau sự cố khủng hoảng tài chính toàn cầu và bong bóng bất động sản. Và một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào công cuộc xử lý nợ xấu tín dụng, ngân hàng chính là công tác thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, đi vào tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện thu hồi nợ xấu qua công tác thi hành án dân sự mới thấy rằng, có rất nhiều vấn đề mà ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải đối mặt. Nó không những không hề đơn giản, dễ dàng mà còn lộ rõ thực trạng có nhiều bất cập ở nhiều phương diện, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc mà để giải quyết cần phải có sự vào cuộc, sự cố gắng của nhiều bên.
Trước hết, thực trạng khó khăn trong công tác tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng thể hiện ngay dưới góc độ thống kê thi hành án và các con số. Theo kết quả thống kê các năm công tác gần đây nhất của các cơ quan thi hành án dân sự TP. Hà Nội, mặc dù tại các năm 2015 - 2016 có sự tăng đột biến về lượng án tín dụng, ngân hàng, nhưng từ đó đến nay, số lượng án tín dụng, ngân hàng vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian, thậm chí dường như chưa thấy có dấu hiệu của điểm dừng. Cụ thể:
Năm 2018, số lượng án tín dụng, ngân hàng các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc TP. Hà Nội phải giải quyết là 3.906 việc, với số tiền tương ứng trên 20.103 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm công tác 2019, thi hành án dân sự toàn Thành phố phải giải quyết 4.156 việc, với số tiền tương ứng xấp xỉ 21.254 tỷ đồng; đã giải quyết được trên 2.128 tỷ đồng, còn tồn số tiền trên 19.125 tỷ đồng; trong đó số chưa có điều kiện thi hành, tức là khó có khả năng thu hồi và ngân hàng, tổ chức tín dụng có nguy cơ mất vốn là trên 4.611 tỷ đồng.
Không ít tài sản phát mại nhiều lần không có người mua
Vậy là, tưởng chừng như các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực phải được thi hành kịp thời; việc thu hồi, giải quyết nợ xấu qua con đường thi hành án, thực hiện bởi hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự với cơ cấu tổ chức, hoạt động chặt chẽ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, thực hiện quyền lực Nhà nước, mệnh lệnh hành chính thì sẽ đạt hiệu quả cao, nhanh chóng giải quyết nợ xấu. Nhưng những con số thống kê trên cho thấy một bức tranh thực trạng không hề đơn giản. Vậy vì sao nên nỗi, nguyên nhân từ đâu mà việc thi hành án tín dụng, ngân hàng lại bị tồn đọng, chậm trễ, kéo dài, thậm chí là kém hiệu quả, trở thành “điểm nghẽn thời sự nóng” trong công tác thi hành án dân sự?
Những khó khăn, vướng mắc
Qua tìm hiểu, có thể khái quát một số nguyên nhân cơ bản, điển hình như sau:
Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, tuyên khó thi hành dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự phải yêu cầu Tòa án giải thích hoặc kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nhưng Tòa án chậm phúc đáp, giải thích hoặc chậm thực hiện thủ tục xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm dẫn đến kèo dài thời gian, gây chậm trễ trong thi hành án.
Điển hình như vụ việc Bản án của Tòa án đối với 16 tài sản thế chấp của 16 hộ gia đình tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trong vụ thi hành án đối với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch - Điện máy Thanh An, bên được thi hành là VietinBank chi nhánh Ba Đình. Mặc dù Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã kiến nghị một thời gian tương đối dài nhưng tòa án có thẩm quyền chậm xem xét, giải quyết gây kéo dài thời gian thi hành án.
Nhiều vụ việc có tài sản đảm bảo nhưng các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành và các tài sản này hầu hết là các bất động sản, tính khả mại thấp, vị trí tài sản này thuộc vùng sâu, vùng xa, không có đường vào, hoặc tại khu vực ít có giao dịch, đã thực hiện giảm giá và tổ chức bán đấu giá rất nhiều lần nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá.
Chẳng hạn tài sản của Đào Văn Toàn, Nguyễn Thị Chín ở Phương Đình, Đan Phượng bán 26 lần không thành; vụ Trần Quốc Trị, Trần Thị Bình ở Thuần Mỹ, Ba Vì bán 26 lần không thành; Vụ Công ty Xây dựng thương mại Hà Linh, người có tài sản thế chấp là Dương Văn Quý ở Sóc Sơn, Hà Nội bán tới 31 lần không thành…
Cơ quan thi hành án dân sự đã nhiều lần vận động, đề nghị người được thi hành án nhận các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành để trừ vào số tiền được thi hành án nhưng đa phần các ngân hàng, tổ chức tín dụng không lựa chọn giải pháp này.
Thi hành án dân sự còn gặp khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan thi hành án dân sự TP. Hà Nội tổ chức bán đấu giá thành 337 việc, với giá trị tài sản tương ứng trên 596 tỷ đồng.
Trong đó, có tới 155 việc với giá trị tài sản trên 215 tỷ đồng chưa giao được cho người mua trúng đấu giá; với các nguyên nhân, lý do chủ yếu như đương sự chống đối quyết liệt; không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành liên quan hoặc của các cấp chính quyền địa phương (điển hình vụ Dương Xuân ở Đông Anh, vụ Khánh Dần ở Thạch Thất kéo dài hàng chục năm chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá); hoặc một số trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để liên tục gửi đơn thư đi nhiều nơi, nhiều cấp nhằm tạo sức ép, kéo dài, cản trở việc thi hành án (ví dụ vụ 194 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội); hoặc có trường hợp kết quả đấu giá bị Tòa án tuyên hủy (điển hình là vụ 3A Hà Trung, Hà Nội xuất phát từ bất cập trong quy định về thời điểm bắt đầu của thời hạn trong Luật Thi hành án dân sự hiện hành và trong Bộ Luật dân sự 2015 dẫn đến lý do, căn cứ để Tòa án tuyên hủy kết quả đấu giá).
Mặt khác, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ sở pháp lý và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết nợ xấu cho hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, giảm tải phần nào cho công tác thi hành án, nhất là việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, trên thực tế, việc áp dụng các quy định của Nghị quyết 42 trong công tác thi hành án dân sự đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định như sau:
Một là, vướng mắc, bất cập trong việc kê biên tài sản. Trong số các việc thi hành án phải kê biên, bán đấu giá tài sản, ngoài các việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu còn có những việc thi hành án không thuộc loại án tín dụng, ngân hàng nhưng tài sản của người phải thi hành án lại đồng thời đang thế chấp, bảo đảm cho khoản nợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng và khoản nợ này thuộc nợ xấu.
Theo quy định tại Điều 11, Nghị quyết 42 thì các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, có một số vụ việc ngân hàng, tổ chức tín dụng đã áp dụng quy định tại Điều 11, Nghị quyết 42, không đồng ý cho cơ quan thi hành án kê biên, xử lý tài sản, kể cả trường hợp giá trị tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu áp dụng Điều 90 Luật Thi hành án dân sự thì vẫn đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của người nhận cầm cố, thế chấp tài sản, nhưng khi áp dụng Điều 11, Nghị quyết 42, nếu ngân hàng, tổ chức tín dụng không đồng ý, cơ quan thi hành án sẽ rất khó khăn trong việc kê biên tài sản dẫn đến chậm trễ, thậm chí bế tắc trong việc tổ chức thi hành án.
Hai là vướng mắc, bất cập trong việc thanh toán tiền thi hành án, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản để thi hành án dẫn đến có trường hợp tài sản đã kê biên, xử lý xong, đã bán đấu giá thành, đã giao tài sản cho người mua nhưng chưa phân chia, thanh toán xong tiền thi hành án.
Thời gian trước đây, thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và hướng dẫn tại Công văn số 1099/TCTHADS-NV1 ngày 11/4/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự, khi xử lý tài sản của bên thứ ba để thi hành án, đối với khoản tiền thu được từ việc bán, xử lý tài sản, khi thực hiện thanh toán, cơ quan thi hành án ưu tiên thanh toán án phí, kể cả án phí thuộc nghĩa vụ của người phải thi hành án.
Nhưng kể từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành, tại Điều 12 của Nghị quyết 42 quy định ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm.
Việc bất cập, xung đột giữa các quy định của luật như trên dẫn đến còn tồn tại các quan điểm khác nhau, có vướng mắc trong ưu tiên thanh toán dẫn đến chậm trễ thi hành án.
Điển hình như thực tế vẫn còn một số vụ việc đã giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá nhưng chưa xử lý được tiền, hoặc người nhận tài sản không đăng ký quyền sở hữu được do vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế liên quan phát sinh từ khoản thu nhập do bán, xử lý tài sản để thi hành án.
Cơ quan thuế cho rằng, thu nhập phát sinh phải kê khai, nộp thuế; trong khi đó Nghị quyết 42 quy định ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của tổ chức tín dụng. Từ đó dẫn đến vụ việc thi hành án bị tồn đọng, kéo dài.
Hoặc một số khó khăn, vướng mắc khá điển hình dẫn đến nhiều trường hợp việc thi hành án bị chậm trễ, kéo dài xuất phát từ việc hiểu, áp dụng Nghị quyết 42. Chẳng hạn một số ngân hàng cho rằng, theo quy định của Nghị quyết số 42 thì số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm chỉ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Điều này dẫn đến chính bản thân ngân hàng khó khăn trong việc đưa ra, thực hiện cơ chế hỗ trợ hoặc ưu tiên thanh toán các khoản tiền phát sinh trong thi hành án như nộp các khoản chi phí để nhận tài sản trong trường hợp ngân hàng đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền thi hành án; hoặc trích lại khoản tiền để người phải thi hành án hoặc người có tài sản bảo đảm thuê, thu xếp chỗ ở trong thời hạn 1 năm theo Điều 115 Luật Thi hành án dân sự; không ưu tiên, không hỗ trợ các khoản thanh toán khác.
Từ đó dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội, không nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương (ví dụ vụ Lê Thanh Thuỷ, Hoàng Bá Hoa ở Thanh Trì, Hà Nội; vụ Nguyễn Vân Giang, Nguyễn Thị Cúc ở xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội và một số vụ việc khác, ngân hàng đã có văn bản đồng ý nhận tài sản để được trừ vào số tiền thi hành án nhưng vẫn chưa hoặc chậm nộp các khoản chi phí, tiền hỗ trợ thuê nhà cho người có tài sản bị xử lý dẫn đến cơ quan thi hành án chưa tiến hành giao tài sản cho ngân hàng nhận theo quy định).
Như vậy, có thể thấy, để việc xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thông qua công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả tích cực, bền vững thì cần hạn chế, loại trừ triệt để các nguyên nhân, lý do dẫn đến khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên đây. Và để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này cần phải có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sự nỗ lực, cố gắng của nhiều bên. Đối với cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, vai trò, chức trách của mình trong thực thi công vụ.
Các cơ quan Tòa án cần nâng cao trọng trách phối hợp để ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật cũng như kịp thời giải thích bản án, giải quyết kiến nghị của cơ quan thi hành án. Đồng thời, phải nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự, cũng như kịp thời tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Và ngay cả đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, người được thi hành án cũng cần nhìn nhận lại một cách khách quan về công tác phối hợp và hiệu quả phối hợp trong thi hành án dân sự.
Từ đó có những giải pháp, cơ chế phù hợp, linh hoạt, nâng cao hơn nữa, tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự và phối hợp với các bên có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết nợ xấu bằng con đường thi hành án dân sự.