Quỹ hỗ trợ hợp tác xã ngóng pháp lý
Bộ Tài chính, mới đây đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX).
Theo Dự thảo Nghị định, Quỹ HTX là quỹ tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng hỗ trợ tín dụng cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, thành viên của tổ hợp tác và HTX theo quy định tại nghị định này và pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa |
Quỹ hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn. Quỹ chỉ được thực hiện hỗ trợ tín dụng theo đúng đối tượng và đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định tại nghị định này. Quỹ ưu tiên thực hiện hỗ trợ tín dụng theo quy định tại nghị định này đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, các thành viên của tổ hợp tác, HTX thuộc các lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề ưu tiên theo quy định tại nghị định này...
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, việc sớm ban hành nghị định riêng về hoạt động của quỹ này sẽ tạo ra bước chuyển biến đáng kể đối với mô hình tài chính hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể. Bởi tính đến hiện tại, mặc dù chưa được quản lý chặt chẽ bằng một nghị định cụ thể và thống nhất trong các chuẩn mực về tài chính nhưng hệ thống Quỹ hỗ trợ HTX vẫn đang là kênh tài chính quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác, tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho nhiều mô hình sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Cụ thể, theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối 2018, cả nước có 53 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ HTX. Tổng số vốn hoạt động của các quỹ đã đạt khoảng gần 1.700 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2018, trong số hơn 50 quỹ hỗ trợ HTX đã có 43 quỹ đi vào hoạt động ổn định, doanh số cho vay đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Riêng Quỹ hỗ trợ HTX Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 23 dự án trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố, với tổng dư nợ gần 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, mặc dù gánh vác vai trò “bà đỡ” cho các HTX như vậy, nhưng đến nay quy mô ở đa số các quỹ hỗ trợ HTX vẫn còn nhỏ, phần lớn các quỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân sách địa phương. Đặc biệt, do chưa có hành lang pháp lý thống nhất nên cơ chế hoạt động của từng quỹ không giống nhau, không tạo được sự hợp tác liên kết dọc trong toàn hệ thống.
Vì vậy, việc ban hành nghị định riêng về cơ chế tổ chức, hoạt động của hệ thống quỹ hỗ trợ HTX thời điểm này sẽ giúp các quỹ có sự phát triển mạch lạc, đảm bảo tính tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm và phát triển được nguồn vốn mà các đơn vị đã xây dựng được trong thời gian qua.
Với những quy định khá chi tiết về hoạt động cho vay vốn của Quỹ hỗ trợ HTX mà dự thảo nghị định đã đưa vào, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những bất cập trong cơ chế cho vay, phạm vi, phương thức và giới hạn cho vay và những rủi ro quản trị vốn ở nhiều quỹ sẽ có hướng xử lý triệt để.
Việc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các quỹ cũng sẽ tạo điều kiện để các đơn vị quỹ có tiềm lực mạnh như các quỹ tại TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Trà Vinh… có thể đa dạng hóa nguồn vốn. Các địa phương có các quỹ hỗ trợ HTX vận hành theo mô hình cổ phần cũng có thể chủ động lồng ghép các quỹ tài chính ngoài ngân sách tương đồng về đối tượng hỗ trợ để tăng quy mô hoạt động và tiếp cận tài trợ vốn sâu hơn cho các mô hình HTX kiểu mới.
Liên minh HTX Việt Nam cũng cho rằng việc Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ HTX cũng sẽ giúp hệ thống quỹ tài chính này có đầy đủ các căn cứ pháp lý để hoàn thành mục tiêu tăng tổng nguồn vốn lên mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2020 và cho vay đối với khoảng 400 HTX. Hơn nữa, việc sớm ban hành nghị định về Quỹ hỗ trợ HTX cũng sẽ là bước đệm quan trọng để thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 15.000 HTX trên cả nước hoạt động hiệu quả.