Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank

Thanh toán quốc tế là một trong số các nghiệp vụ của ngân hàng trong việc thanh toán giá trị của các lô hàng giữa bên mua và bên bán hàng thuộc lĩnh vực ngoại thương. Với tỷ lệ điện đạt chuẩn trên 95%, Agribank là một trong số ít ngân hàng của Việt Nam đạt chuẩn về thanh toán quốc tế. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực và thành công trong hoạt động thanh toán quốc tế, khả năng thực hiện các giao dịch thanh toán thông suốt về tổng thể cũng như mức độ chuyên nghiệp và chất lượng của từng giao dịch hàng ngày của ngân hàng.
Các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến nhất hiện nay 

1. Chuyển tiền bằng Điện chuyển tiền (TT: Telegraphic Transfer Remittance) hoặc bằng Thư chuyển tiền (MTR: Mail Tranfer Remittance). Người mua sẽ chuyển tiền của mình thông qua một ngân hàng trong nước cho người bán một phần hoặc toàn bộ giá trị lô hàng (tuỳ theo hợp đồng ngoại thương). Theo phương thức này người chuyển tiền (Remitter) ra lệnh cho ngân hàng của mình (Remitting bank) chuyển cho ngân hàng mà người bán (bên thụ hưởng) có tài khoản (Beneficiary bank). Sau khi nhận được tiền thì người bán sẽ tiến hành giao hàng.

2. Trả tiền lấy chứng từ (C.A.D: Cash Against Document). Người mua sẽ ký với ngân hàng C.A.D một bản ghi nhớ gồm 2 phần:

Mở một tài khoản tín chấp (Trust account) mang tên người mua cho người bán hưởng lợi. 

Yêu cầu về bộ chứng từ thanh toán mà người bán phải xuất trình cho ngân hàng C.A.D; sau đó người mua chuyển tiền vào tài khoản tín chấp. Ngân hàng C.A.D thông báo cho người bán về việc tài khoản tín chấp đã được mở. Sau khi nhận được thông báo từ ngân hàng, người bán tiến hành giao hàng và thành lập bộ chứng từ thanh toán. Nếu bộ chứng từ hợp lệ thì ngân hàng C.A.D sẽ thực hiện thanh toán cho nguời bán. Ngân hàng C.A.D sẽ chuyển bộ chứng từ cho người mua để nhận hàng.

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Thanh toán quốc tế là một nghiệp vụ ngân hàng trong lĩnh vực ngoại thương

3. Nhờ thu (Collection). Người bán sau khi giao hàng sẽ uỷ quyền cho ngân hàng, nhờ ngân hàng thu hộ số tiền hàng của người mua ở nước ngoài. Có hai loại nhờ thu: 

Nhờ thu chấp nhận chứng từ (D/A: Document Acceptance). 

Nhờ thu kèm chứng từ (D/P: Document against Payment). 

Quy trình cụ thể như sau: Sau khi gửi hàng, người bán sẽ gửi bộ chứng từ hàng hoá kèm theo Hối phiếu (Bill of Exchange hay còn gọi là Draft) cho ngân hàng mà mình nhờ thu (Remitting bank). Ngân hàng này có thể dùng đại lý của mình hoặc thông qua một ngân hàng khác mà ngân hàng này có tài khoản ở nước người mua (Collecting bank) để thực hiện việc thu hộ tiền hàng. Collecting bank sẽ gởi bản sao của bộ chứng từ và hối phiếu cho người mua. Nếu là nhờ thu chấp nhận chứng từ thì người mua hàng sẽ ký chấp nhận lên hối phiếu và gửi lại cho ngân hàng nhờ thu. Nếu là nhờ thu kèm chứng từ: Người mua sẽ gửi lại cho ngân hàng lệnh chi.

4. Tín dụng thư (L/C: Letter of Credit). 

Tên gọi và ký hiệu của Tín dụng thư

- Letter of credit: LOC, LC, L/C. 

- Documentary credit: DC, D/C. 

- Documentary letter of credit. 

- Credit (được định nghĩa trong UCP 600). 

Định nghĩa: Tín dụng thư (hay còn gọi là Thư tín dụng) là một văn bản pháp lý được phát hành bởi một tổ chức tài chính (thông thường là ngân hàng), nhằm cung cấp một sự bảo đảm trả tiền cho một người thụ hưởng trên cơ sở người thụ hưởng phải đáp ứng các điều khoản trong tín dụng thư. Điều này có nghĩa là: Khi một người thụ hưởng hoặc một ngân hàng xuất trình (đại diện của người thụ hưởng) thỏa mãn ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận trong khoảng thời gian có hiệu lực của LC (nếu có) những điều kiện sau đây:

- Các chứng từ cần thiết thỏa mãn điều khoản và điều kiện của LC. Chẳng hạn như: vận đơn (bản gốc và nhiều bản sao), hóa đơn lãnh sự, hối phiếu, hợp đồng bảo hiểm…

- Các thông lệ trong UCP và hoạt động ngân hàng quốc tế. 

- Các thông lệ của ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận (nếu có). 

Nói một cách ngắn gọn, một L/C là: Một loại chứng từ thanh toán. Do bên mua (hoặc bên nhập khẩu) yêu cầu mở. Liên lạc thông qua các kênh ngân hàng. Được trả bởi ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận thông qua ngân hàng thông báo (advising bank tại nước người thụ hưởng) trong một khoảng thời gian xác định nếu đã xuất trình các loại chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều kiện, điều khoản. 

Các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng cũng có thể phát hành LC.

LC cũng có thể là nguồn thanh toán cho một giao dịch, nghĩa là một nhà xuất khẩu sẽ được trả tiền bằng cách mua lại LC. LC được sử dụng chủ yếu trong giao dịch thương mại quốc tế có giá trị lớn. LC cũng được dùng trong quá trình phát triển điền sản để bảo đảm rằng những cơ sở hạ tầng công cộng đã được phê duyệt (như đường xá, vỉa hè, ke chắn sóng ...) sẽ được xây dựng.

Các bên liên quan luôn luôn tồn tại trong LC:

- Người thụ hưởng (Beneficiary): Người nhận tiền. 

- Ngân hàng phát hành (Opening/Issue bank): Ngân hàng mà người nộp đơn xin mở LC. 

- Ngân hàng thông báo (Advising bank): Ngân hàng mà người thụ hưởng là khách hàng. 

Tuy nhiên, người nộp đơn xin mở LC không phải là một bên trong LC.

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Agribank là một trong số ít ngân hàng Việt Nam đạt chuẩn thanh toán quốc tế

Hầu hết các LC được sử dụng hiện nay là L/C không hủy ngang. Trong quá trình tiến hành giao dịch, LC kết hợp những chức năng thông thường của séc và ký quỹ trực tiếp. Một giao dịch L/C điển hình:

- Ngân hàng mở/phát hành sẽ chọn một ngân hàng thông báo tại nước người xuất khẩu. Thường thì ngân hàng này có quan hệ tốt với ngân hàng mở/phát hành hoặc là đại lý/chi nhánh của ngân hàng này. 

- Ngân hàng thông báo sẽ thông báo đến người thụ hưởng L/C (thường là người bán/người xuất khẩu) là L/C đã được mở kèm theo nội dung của L/C. Nếu người thụ hưởng chấp nhận hoặc yêu cầu sửa chữa thì báo cho ngân hàng thông báo => thông báo cho ngân hàng phát hành để phát hành hoặc chỉnh sửa. 

- Sau khi chấp nhận nội dung L/C thì người xuất khẩu sẽ tiến hành giao hàng và thành lập bộ chứng từ. 

- Người xuất khẩu gửi bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo.

- Ngân hàng thông báo gởi bảng copy bộ chứng từ cho ngân hàng mở/phát hành kiểm tra. 

- Nếu bộ chứng từ hợp lệ thì ngân hàng mở/phát hành tiến hành thanh toán cho người xuất khẩu (thụ hưởng) và lấy bộ chứng từ thông qua ngân hàng thông báo. Các loại Tín dụng thư:

+ Thư tín dụng có thể huỷ ngang (revocable L/C): loại này đã bị bỏ theo UCP 600 và tất cả các thư tín dụng là không thể hủy ngang;

+ Thư tín dụng không thể huỷ ngang (irrevocable L/C);

+ Thư tín dụng xác nhận (Confirmed L/C);

+ Thư tín dụng tuần hoàn (revolving L/C);

+ Thư tín dụng giáp lưng (back to back L/C).

Mở L/C:

Mở một L/C hoàn toàn không dễ dàng, ngân hàng thường căn cứ vào những đặc điểm sau:

- Đặc điểm của hàng hóa xuất nhập khẩu. 

- Khả năng tài chính và uy tín của người mở L/C. 

- Tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của người mở L/C. 

- Tùy theo quy định của ngân hàng và pháp luật của nước sở tại. 
 
Chi phí của một L/C mà người nhập khẩu phải trả thường là một khoản phí cố định cộng thêm phần trăm (và có thể có hoa hồng). Chi phí L/C của nhà nhập khẩu thường tăng trong một số trường hợp phổ biến sau:

- Yêu cầu ngân hàng của mình (ngân hàng mở/phát hành): Phát hành thư bảo lãnh, thư uỷ quyền nhận hàng, ký hậu vận đơn gốc theo L/C. 
 
Đối với người xuất khẩu, họ sẽ phải trả nhiều loại chi phí. Chi phí L/C của nhà xuất khẩu thường tăng trong một số trường hợp phổ biến sau:

- L/C không thể trả ngay. 

- Nghiệp vụ tín dụng thư có nhiều hơn 2 ngân hàng tham gia. 

- Người xuất khẩu yêu cầu xác nhận tín dụng thư. 

- Chứng từ không thống nhất, hoặc cần thiết phải bổ sung hay sửa đổi.

Agribank dẫn đầu doanh số thanh toán quốc tế

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, hầu hết các ngân hàng đều nhắm vào phân khúc thị trường thanh toán quốc tế, đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng, trong đó Agribank là một trong những ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất.

Năm 2016, doanh số thanh toán quốc tế của Agribank đạt 10,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015. Thu phí thanh toán quốc tế đạt 254,8 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, hoạt động thanh toán phục vụ cho các mục đích kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, hay đáp ứng nhu cầu cá nhân như du học, du lịch, khám chữa bệnh… ở nước ngoài đều tăng mạnh.

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng sử dụng
sản phẩm UPAS L/C hiệu quả

Ngoài ra, chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế  của Agribank cũng được duy trì. Agribank đã liên tiếp được các ngân hàng lớn của nước ngoài, có uy tín trên toàn thế giới như Wells Fargo, Bank of New York Mellon, Standard Charter Bank, JP Morgan Chase tặng thưởng về chất lượng. Đây chính là một sự công nhận khách quan về chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế của Agribank, cũng như thể hiện sự tin tưởng của khách hàng và các đối tác lớn đối với Agribank.

Để có được những thành công như trên, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế bằng việc triển khai chính thức dịch vụ chuyển tiền đa tệ trong hệ thống; điều chỉnh hạn mức giao dịch hối đoái trên hệ thống Realtime; tiếp tục khai thác các lợi ích của sản phẩm UPAS L/C, bổ sung tính năng mới thông qua triển khai Thỏa thuận Tài trợ thương mại thông qua nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng với Wells Fargo.

Đến nay, Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng sử dụng sản phẩm UPAS L/C hiệu quả. Năm 2016, Agribank đã mở 70 món UPAS L/C, trị giá 14,8 triệu USD, tăng mạnh về số món so với năm 2015. Tích cực làm việc với các ngân hàng nước ngoài để phát triển sản phẩm mới và bổ sung các tính năng mới của sản phẩm thanh toán quốc tế hiện có như: Ngân hàng Wells Fargo (Trade Flatform, UPAS L/C), BNY Mellon (chuyển tiền đa tệ), ICBC, Maybank, CTBC, JP Morgan (UPAS L/C)…

Với kinh nghiệm lâu năm trong thanh toán biên mậu, Agribank đang ở thế dẫn đầu thị trường ở phân khúc này. Năm 2016, doanh số thanh toán biên mậu với Trung Quốc của Agribank đạt 39.576 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2015. Tổng thu phí dịch vụ thanh toán biên mậu đạt 26 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Thu từ kinh doanh ngoại tệ trong thanh toán biên mậu đạt 21 tỷ đồng, tăng 110% so với năm 2015.

Trong năm qua, Agribank đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thanh toán biên mậu: Agribank chi nhánh Móng Cái ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Ngân hàng Quế Lâm Trung Quốc; Agribank chi nhánh Lai Châu ký thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, Agribank chi nhánh Hà Giang nghiên cứu, rà soát thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu ngoại tệ mặt (đồng CNY) với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Agribank cũng tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán biên mậu với Trung Quốc thông qua hệ thống CBPS.

Bên cạnh đó, doanh số thanh toán biên mậu  năm 2016 với Lào đạt 1.117 tỷ đồng, tăng 169% so với năm 2015; tổng thu phí dịch vụ thanh toán biên mậu năm 2016 với Lào đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 467% so với năm 2015; thu từ kinh doanh ngoại tệ trong thanh toán biên mậu  đạt 0,6 tỷ đồng, bằng với năm 2015.

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Dịch vụ thanh toán biên mậu qua Internet Banking của Agibank tạo điều kiện 
thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước Việt Nam - Lào

Ngày 27/4/2017, Agribank và Ngân hàng Nông nghiệp Lào đã chính thức triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu qua hệ thống phần mềm Cross Border Payment System (gọi tắt là CBPS - hệ thống thanh toán biên mậu độc lập qua Internet Banking do Agribank xây dựng và giữ bản quyền). Đây là ngân hàng thứ 2 tại Lào mà Agribank thực hiện kết nối thanh toán biên mậu trực tuyến qua internet, sau Ngân hàng Phongsavanh.

Hiện tại, Agribank là Ngân hàng thương mại duy nhất cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như toàn quốc. Năm 2009, Agribank và Ngân hàng Phongsavanh đã khai trương hoạt động thanh toán biên mậu tại cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn. Năm 2015, Agribank tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp Lào triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu. Cho tới nay, chính thức triển khai dịch vụ qua CBPS góp phần làm cho môi trường kinh doanh thương mại tại hai cửa khẩu quốc tế ngày càng sôi động, giao lưu kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển, mang lại nhiều thuận lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong quá trình thanh toán giữa Việt Nam và Lào.

Tiên phong triển khai thanh toán biên mậu được xem như là bước đi quan trọng có tính đột phá của Agribank nhằm hỗ trợ khách hàng là các doanh nghiệp và cá nhân trong thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu với đối tác của các nước có chung biên giới. Triển khai thanh toán biên mậu có hiệu quả, Agribank đã và đang tích cực góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của khách hàng thông qua việc phòng ngừa và giảm rủi ro tỷ giá, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch... Với sự hỗ trợ tích cực của Agribank thông qua thanh toán biên mậu, giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng được thúc đẩy, việc kiểm soát, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới được thực hiện thuận lợi, an ninh tiền tệ khu vực vùng biên được đảm bảo, nhờ đó tăng thu ngân sách cho các địa phương.

Những giải thưởng về chất lượng Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank 

Đầu tháng 4/2016, ngân hàng Standard Chartered - SCB (Vương quốc Anh) đã trao giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế năm 2015 cho Agribank. Từ năm 1996, Agribank và SCB đã thiết lập quan hệ đại lý, sau 20 năm liên tục hợp tác, đến nay đã có 22 chi nhánh thuộc tập đoàn SCB tại 22 quốc gia thiết lập quan hệ đại lý với Agribank. SCB đã và đang tiếp tục cung cấp cho Agribank nhiều sản phẩm, dịch vụ hiệu quả như dịch vụ tài trợ thương mại với hạn mức lớn, các sản phẩm thanh toán quốc tế hiện đại... Agribank cũng đang duy trì 5 tài khoản Nostro tại SCB với 5 loại ngoại tệ khác nhau, tất cả đều đang hoạt đọng hiệu quả, phục vụ chủ yếu cho mục đích chuyển tiền, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ và tài trợ thương mại. 

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó TGĐ Agribank đại diện nhận giải thưởng
Chất lượng thanh toán quốc tế năm 2015 của Standard Chartered Bank

Giải thưởng “Chất lượng Thanh toán Quốc tế” được Standard Chartered trao hàng năm nhằm vinh danh những ngân hàng có tỷ lệ giao dịch đạt chuẩn cao. Việc SCB đánh giá cao và trao giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế năm 2015 cho Agribank là sự ghi nhận hoàn toàn khách quan về chất lượng dịch vụ thanh toán Agribank.

Cuối năm 2016, Agribank) vừa vinh dự nhận giải thưởng “Chất lượng Thanh toán xuất sắc năm 2015” (Operational Excellent Award) từ Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) như một sự ghi nhận cho thành công của Agribank trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán.

Giải thưởng Chất lượng Thanh toán quốc tế xuất sắc được một Bộ phận độc lập tại Mỹ đưa ra sau khi đánh giá dịch vụ thanh toán toàn cầu của tất cả các ngân hàng đại lý của Ngân hàng Wells Fargo dựa trên các tiêu chí về Tỷ lệ điện thanh toán đạt chuẩn, Tỷ lệ tra soát và Tỷ lệ Ghi sổ.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Đại diện Ngân hàng Wells Fargo, ông David Walker Smith - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, khối Định chế Tài chính chia sẻ: Agribank và Wells Fargo đã có mối quan hệ hợp tác vô cùng tốt đẹp trong nhiều năm qua. Đây là thành công của Agribank, cũng chính là thành công của Wells Fargo, khẳng định hiệu quả của mối quan hệ hợp tác bền vững dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa Agribank và Wells Fargo.

Wells Fargo là ngân hàng bán buôn lớn thứ ba tại Mỹ và thứ 14 trên thế giới với mạng lưới rộng khắp không chỉ tại Mỹ mà còn tại rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong hơn 20 năm qua, Agribank và Wells Fargo đã là đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Tài khoản của Agribank mở tại Wells Fargo năm 1998, từ đó đến nay đã và đang rất hiệu quả với giá trị giao dịch đứng đầu trong số các tài khoản Nostro đồng USD của Agribank. Tài khoản tại Wells Fargo cũng đang được Agribank lựa chọn làm chỉ dẫn thanh toán chuẩn đồng USD trong giao dịch kinh doanh vốn, kinh doanh ngoại tệ.

Đây cũng là một trong những đối tác cung cấp khá nhiều dịch vụ hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh toán quốc tế của Agribank. Bên cạnh đó, Wells Fargo còn dành nhiều ưu đãi cho Agribank trong hạn mức tài trợ thương mại, hỗ trợ Agribank trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ, chia sẻ các kinh nghiệm thanh toán quốc tế. Wells Fargoluôn là một trong ba ngân hàng có lượng giao dịch qua tài khoản lớn nhất trong suốt nhiều năm qua tại Agribank.

Thanh toán quốc tế - ghi nhận thành công của Agribank
Agribank nhận giải thưởng Ngân hàng có tỷ lệ điện đạt chuẩn cao năm 2015
do Ngân hàng BNY MELLON trao tặng

Cùng với đó, Agribank vinh dự 7 liên tiếp Agribank nhận giải thưởng “Tỷ lệ điện đạt chuẩn cao năm 2015” (Straight - Through - Processing - STP Award) do Ngân hàng The Bank of New York Mellon (BNYM - Mỹ) trao tặng. 

Giải thưởng “Tỷ lệ điện đạt chuẩn cao” (STP) quốc tế được BNYM trao hàng năm nhằm vinh danh những ngân hàng xuất sắc nhất trong hoạt động soạn điện thanh toán với tỷ lệ giao dịch đạt chuẩn cao. Giải thưởng cho thấy khả năng của Agribank trong việc đáp ứng nhanh chóng và chính xác các yêu cầu thanh toán quốc tế, giảm thời gian và chi phí tra soát, giúp giao dịch thanh toán quốc tế của khách hàng chuẩn xác và nhanh nhất. Agribank luôn đạt tỷ lệ điện STP cao từ 96% trở lên và liên tục nhận được các giải thưởng lớn từ các Ngân hàng đại lý trong 10 năm trở lại đây. 
 
Hoàng Anh - TSC Agribank