Agribank cùng Fintech góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính

Với sứ mệnh là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank tích cực phối hợp cùng các Fintech đi đầu tiên phong áp dụng công nghệ số trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính để tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính ngân hàng, gia tăng giá trị cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Thị trường đầy tiềm năng 
Theo đó, khoảng một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày và trên 80% dân số sở hữu thiết bị di động. Tuy nhiên gần 70% trong số đó vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách chính thức. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp công nghệ di động, trong đó có các công ty cộng nghệ tài chính (Fintech). Bởi đây là các công ty được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại; các sản phẩm dịch vụ (SPDV) do các công ty này cung ứng sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng truyền thống trong việc cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp hơn cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng còn gặp hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý như những người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. 
 
 Agribank cùng Fintech góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính
Fintech - xu hướng phát triển mới
 
Nhận thức được tầm quan trọng của các Fintech và hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động trong việc đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để có thể kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty này phát triển. 
 
Cụ thể, từ năm 2008 Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tại Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam 2016, các Fintech đang là xu hướng chung, hỗ trợ bổ sung cho sự phát triển của thị trường thanh toán tại Việt Nam. “Thực tế cho thấy, bản thân các ngân hàng ít có thế mạnh về công nghệ thông tin để tự phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình; hoặc nếu tự đầu tư thì chi phí nghiên cứu và triển khai cũng rất tốn kém so với hiệu quả đạt được. Do đó, sự ra đời của các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia hỗ trợ hoạt động thanh toán sẽ giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng nói chung và các phương tiện thanh toán mới nói riêng, góp phần tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện; đồng thời giúp cho các ngân hàng thương mại giảm bớt chi phí đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng”.
 
Agribank cùng Fintech góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính
Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán , Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam 2016
 
Đến nay, sau khi khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập tương đối rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động chính thức cho 16 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó cho phép 01 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (NAPAS) và 15 tổ chức cung ứng dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Hỗ trợ chuyển tiền điện tử và Ví điện tử. Đến cuối tháng 9/2016, tổng số Ví điện tử được phát hành đạt trên 3 triệu Ví; với hơn 40 NHTM đã tham gia hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép.
 
Để triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng Nhà nước (Quyết định số 238/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017) với nhiệm vụ tham mưu, để xuất tới Thống đốc các giải pháp cho các doanh nghiệp Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ. 
 
Đi đầu phát triển công nghệ, đẩy nhanh phổ cập tài chính
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phối hợp cùng phát triển với các công ty Fintech, Agribank đã liên kết với các Fintech bổ sung tiện ích, hoàn thiện các sản phẩm Internet Banking, Mobile Banking, liên kết sản phẩm dịch vụ… đặc biệt chú trọng đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đưa ra các sản phẩm dịch vụ tài chính tiện ích, với “tốc độ nhanh” và kỹ thuật vượt trội kết hợp với đổi mới phong cách làm việc, chuẩn hóa quy trình giao dịch, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, tiết giảm chi phí… dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến góp phần phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. 
 
 Agribank cùng Fintech góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính
Cung cấp các SPDV ngân hàng hiện đại
 
Là ngân hàng có hệ thống mạng lưới lớn nhất Việt Nam với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, Agribank hiện cung cấp ra thị trường hơn 200 SPDV ngân hàng tiện ích, hiện đại, như Mobile Banking, Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus…. Và việc ứng dụng công nghệ vào cung cấp các sản phẩm tài chính tại Agribank đã đạt được những kết quả vô cùng khả quan. Tổng thu dịch vụ toàn hệ thống Agribank năm 2016 tăng 19,2% so với 2015, đạt hơn 3.640 tỷ đồng; trong đó dịch vụ E-banking tăng trưởng gần 33% với nhiều tiện ích được khách hàng yêu thích như: SMS thông báo biến động số dư tài khoản, SMS nhắc nợ tiền vay,  Các dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus,… cũng tăng đều vế số lượng giao dịch, giá trị giao dịch cũng như phí dịch vụ thu. E-banking tăng trưởng nhanh, ổn định và rõ ràng đang trở thành nguồn thu ngày càng lớn trong cơ cấu thu dịch vụ của Agribank. Các dịch vụ, tiện ích phát triển mới đã góp phần đa dạng sản phẩm dịch vụ Agribank, tăng tiện ích dịch vụ tài khoản thanh toán, phát triển các kênh phân phối hiện đại. 
 
Triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2016 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dung tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020, Agribank đã chủ động triển khai ký kết với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực nông thôn, bảo hiểm xã hội…để thanh toán, trợ cấp xã hội qua thẻ ghi nợ nội dịa, Tổng thu dịch vụ thẻ của Agribank năm 2016 tăng 22% so với năm 2015, với tổng số lượng thẻ phát hành lũy kế đến hết năm 2016 đạt 19,2 triệu thẻ, chiếm 18% thị phần về phát hành thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán thẻ qua EDC/POS và ATM đạt 348,1 ngàn tỷ đồng (tăng 17%). Doanh số sử dụng thẻ đạt 302,4 ngàn tỷ đồng (tăng 10%). Số lượng ATM đạt 2.500 máy; số lượng ADC/POS đạt 15.750 thiết bị (tăng 30%).
 
Agribank cùng Fintech góp phần đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính
Agribank đưa vào sử dụng các sản phẩm thẻ quốc tế ứng dụng công nghệ chip theo chuẩn EMV
 
Nhạy bén nắm bắt xu thế phát triển công nghệ điện thoại thông minh và thương mại điện tử, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Fintech, Agribank đã thực hiện phương án mở rộng và nâng cao hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin của mình. Theo đó, Agribank đã triển khai thành công các dự án về Trung tâm dữ liệu, máy chủ, cơ sở dữ liệu, mạng truyền thông; hoàn thành nâng cấp hệ thống Internet Banking hỗ trợ các chức năng chuyển khoản, tiết kiệm điện tử, hệ thống thu ngân sách nhà nước qua Internet, hệ thống thanh toán song phương với Kho bạc nhà nước và các ngân hàng; tăng cường an toàn, bảo mật hoàn thiện và ban hành các quy trình, tổ chức đào tạo bổ sung kiến thức, thực hiện kiểm toán đồng bộ định kỳ về công nghệ thông tin.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng và xu hướng gia tăng sử dụng các SPDV tài chính ngân hàng cùng sự đột phá của các Fintech, Agribank luôn định hướng phát triển, cải tiến, đa dạng hóa các SPDV tài chính đồng thời chú trọng phát triển, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin của mình góp phần thúc đẩy và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. 
 
Thục San - Agribank TSC