Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những năm tới (19/10/2011)
Qua 25 năm đổi mới và phát triển, hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng vai
trò quan trọng trong chức năng “bà đỡ” góp phần thúc đẩy tiến trình đổi
mới và phát triển của hệ thống kinh tế quốc dân hướng tới xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ. Và,
hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng là một trong những ngành đi tiên phong
về mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế. Từ một hệ thống ngân hàng một
cấp rồi trở thành hệ thống ngân hàng hai cấp với số lượng ban đầu chỉ
có 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước hoạt động rất hạn chế về quy
mô tài chính, dịch vụ. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang phát triển
rất nhanh về số lượng tổ chức tín dụng, quy mô tài chính và hoạt động.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có cấu trúc rất đa dạng về loại hình sở hữu (nhà nước, tập thể, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, cổ phần) và đa dạng hóa về loại hình (NHTM, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô). Đến cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam bao gồm 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 5 NHTM nhà nước và NHTM có cổ phần chi phối của Nhà nước, 37 NHTM cổ phần, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô. Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng bình quân hơn 29%/năm và đến cuối năm 2010 tương đương khoảng 116% GDP. Do đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội. Với quy mô và vai trò quan trọng như vậy, sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia và kinh tế vĩ mô.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai mới ở trình độ cao hơn. Những yếu kém nói trên đã tồn tại từ lâu làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn và dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh và thị trường trong nước, quốc tế biến động bất lợi. Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận thức hết sức sâu sắc những yếu kém nói trên của hệ thống ngân hàng Việt Nam và trong nhiều năm qua đã cố gắng từng bước khắc phục, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng yếu kém để giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tại Thông báo số 191-TB/TW ngày 01/9/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khẳng định “việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách trước mắt cũng như chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước để góp phần phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 đã chỉ rõ định hướng phát triển hệ thống ngân hàng: Cải cách căn bản, triệt để và phát triển toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, hoạt động đa năng để đạt trình độ phát triển trung bình tiên tiến trong khu vực ASEAN với cấu trúc đa dạng về sở hữu, về loại hình tổ chức tín dụng, có quy mô hoạt động lớn hơn, tài chính lành mạnh, đồng thời tạo nền tảng đến sau năm 2010 xây dựng được hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Châu Á, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước và NHNN về đổi mới và phát triển hệ thống ngân hàng nhằm xây dựng một hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế là nhất quán và kiên định thực hiện với lộ trình và giải pháp phù hợp trong từng thời kỳ. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI nêu rõ quan điểm về phát triển hệ thống ngân hàng: “Tiếp tục cổ phần hóa và cơ cấu lại ngân hàng thương mại; áp dụng các thông lệ và chuẩn mực mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển an toàn, bền vững của các ngân hàng trong nước”. Quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới hệ thống ngân hàng trong xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 thể hiện rõ: “Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính;…từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư cho phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có số lượng phù hợp các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống[1]. Trong 5 năm tới, củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành Ngân hàng để cùng với tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hiện nay NHNN đang xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát triển hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, có hiệu quả trên cơ sở năng lực tài chính và quy mô hoạt động đủ lớn, hệ thống quản trị, công nghệ ngân hàng tiên tiến. Quan điểm và nguyên tắc cơ bản của NHNN đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng như sau:
Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các ngân hàng lớn làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng; có những ngân hàng vừa và nhỏ, TCTD phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng những tháng cuối năm 2011 được tổ chức tại Hà Nội ngày 7/9/2011, Thống đốc NHNN đã phát biểu: Không phân biệt quy mô của ngân hàng nhưng vấn đề quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả.
Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.
Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.
Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh. Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, màng lưới phân phối,…Do đó, xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.
Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hiện nay tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán. Lĩnh vực ngân hàng còn có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở các văn pháp có liên quan, ngày 11/02/2011 NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất.
* [1]: trích Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI
Thanh Hà - theo website NHNN