Những tín hiệu khả quan về kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2012 (5/3/2012)

Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng tình hình kinh tế 2 tháng khởi đầu năm 2012 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây cũng là những tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cho cả năm 2012.
Thứ nhất, về chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Mặc dù tốc độ tăng CPI tháng 2 cao hơn tháng 1 (1,37% so với 1%), nhưng tính chung 2 tháng đầu năm nay tăng 2,38%, vẫn thuộc loại tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong nhiều năm trước.

Cụ thể, so với tốc độ tăng chung sau 2 tháng, trong 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 4 nhóm tăng cao hơn (thực phẩm; ăn uống ngoài gia đình; may mặc giày dép và mũ nón; tiền thuê nhà, điện, nước, ga và vật liệu xây dựng; còn 7 nhóm tăng thấp hơn, trong đó có những nhóm tăng nhẹ dưới 1% (thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông); có 2 nhóm giảm, lương thực các năm trước thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán thì năm nay tháng 1 giảm 0,14%, tháng 2 giảm 0,41%, tính chung 2 tháng giảm 0,55%).

Thứ hai, về tình hình  xuất khẩu:  So với cùng kỳ năm trước, 2 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng của xuất khẩu cao gấp đôi của nhập khẩu (24,8% so với 11,8%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (0,63 tỷ USD so với 2 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (4,1% so với 16,3%).

Xuất khẩu tăng ở cả 2 khu vực (có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước). Xuất khẩu tăng chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng (như hạt điều, chè, than đá, cao su,...). Đáng lưu ý, thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn là ASEAN thì xuất khẩu tháng 1 của Việt Nam tăng 3,2%, còn nhập khẩu giảm 13,3%; Nhật Bản là thị trường lớn thì xuất khẩu tăng 14,9%, nhập khẩu giảm 12,3% và trở thành thị trường mà Việt Nam xuất siêu.

Thứ ba, về tỷ giá:  Tỷ giá ổn định và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm thiểu, thậm chí có xu hướng giá ở trong nước chuyển từ cao hơn sang thấp hơn giá thế giới.

Thứ tư, thu, chi ngân sách cũng đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ so với dự toán cả năm theo Nghị quyết Quốc hội của tổng thu cao hơn tổng chi (11,7% so với 11,1%), của thu nội địa đạt cao hơn của tổng thu (12% so với 11,7%), trong đó của thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt cao hơn nữa (15,5%).

Thứ năm, về thị trường chứng khoán:  Thị trường chứng khoán đã tăng ở cả 3 sàn (HOSE, HNX, UpCOM), cả về số điểm, cả về giá trị giao dịch (so với cuối năm 2011, ngày 29/2/2012, VN-Index đã tăng tới 20,5%; giá trị giao dịch cao gấp trên 3 lần). Đó là tín hiệu tăng bù sau 2 năm giảm liên tục (năm 2010 giảm 2,04%,  năm 2011 giảm 27,54%).

Thứ sáu, về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2012 đạt trên 1,3 triệu lượt người, tăng tới 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, lượng khách đến du lịch, nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng cao nhất (59,4%) và tăng cao hơn tốc độ chung (27,2%); lượng khách đến vì công việc chiếm tỷ trọng khá (17,1%) và tăng cao nhất (39,4%) – thể hiện việc đầu tư, buôn bán có xu hướng phục hồi; lượng người về thăm thân nhân chiếm tỷ trọng cao thứ hai (17,9%) và tăng khá (19,3%). Trong số 10 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam đông nhất (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ, Đài Loan, Campuchia, Australia, Pháp, Malaysia, Liên bang Nga), thì có 9 nước và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao hơn tốc độ chung có Trung Quốc (51,5%), Hàn Quốc (38,4%), Đài Loan (40,5%), Malaysia (31,9%). Liên bang Nga (55,1%).

Đây là tín hiệu khả quan trong quá trình thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh những tín hiệu tích cực này, kinh tế 2 tháng khởi đầu cũng còn đứng trước một số thách thức không nhỏ về vốn đầu tư, việc tiêu thụ trong nước khi tiêu dùng co lại, khi xuất khẩu còn gặp khó khăn cả về nguồn hàng, giá cả và thị trường. Đây cũng là những về đề các cơ quan chức năng cần tính toán phương án hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tiếp theo.
 
Thanh Hà - theo website NHNN