Ngành Ngân hàng tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998 – 2010
Ngày 29/10/2010, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ
chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP (09/CP) và
Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998 – 2010 trong
ngành Ngân hàng.
Tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN, các đồng chí Phó Thống đốc NHNN; Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục An ninh tài chính tiền tệ đầu tư thuộc Bộ Công an, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ngành Ngân hàng cùng đại diện Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn NHVN, Công đoàn NHNN, Công đoàn NHTW, Đoàn Thanh niên NHTW; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc NHTW, Văn phòng Đại diện NHNN tại TPHCM, đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN, Nhà máy in tiền Quốc gia, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng (TCTD)…Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn rủi ro cao, thường gắn liền với tài sản, tiền vốn…, là nơi tội phạm lợi dụng tấn công; cán bộ, nhân viên ngân hàng là những người trực tiếp quản lý tài sản, tiền vốn. Do đó, nếu công tác quản lý cán bộ và nghiệp vụ chưa tốt, cá nhân thiếu tu dưỡng đạo đức sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng và phạm tội. Với ý nghĩa đó, Ban Lãnh đạo NHNN luôn nhận thức việc phòng chống tham nhũng và tội phạm trong ngành Ngân hàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Nhìn lại những năm qua, ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, từ đó góp phần giữ vững an ninh quốc gia về trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của đất nước ta. Tại Hội nghị này, chúng tôi cũng đề nghị toàn thể Hội nghị tập trung trí tuệ, cùng thể hiện quyết tâm cao về phòng chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.
Hội nghị đã được nghe báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09/CP giai đoạn từ năm 1998 – 2010 trong ngành Ngân hàng. Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, Ban Lãnh đạo NHNN đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành quán triệt đầy đủ và kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từng thời kỳ đều có đề ra các giải pháp để phòng, chống tham nhũng, tội phạm. Ngay sau khi Chính phủ Ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng; Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, NHNN đã kịp thời ban hành một số văn bản và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tội phạm của ngành Ngân hàng. Kể từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tội phạm đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác Phòng chống tham nhũng và tội phạm trong toàn Ngành. Nhiều nội dung quan trọng đã được bàn bạc thống nhất đưa ra các giải pháp nhằm giúp công tác quản lý tài chính tại các TCTD được công khai, minh bạch, dân chủ, các quy trình, quy định nội bộ đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ nhằm giảm thiểu phát sinh tham nhũng, tội phạm. Khi vụ việc phát sinh, Ban Chỉ đạo đã kịp thời phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thu hồi tài sản thất thoát và xử lý nghiêm minh các cán bộ vi phạm.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe các tham luận của một số đơn vị trong ngành Ngân hàng như NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam…
Đại diện Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 138/CP – Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực đánh giá cao những thành tích mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm thời gian qua. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09, Chương trình Quốc gia về phòng chống tội phạm, đồng chí Nguyễn Tiến Lực cũng đề nghị ngành Ngân hàng và Tổng cục Cảnh sát phối hợp triển khai một số nội dung như (i) Cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, huy động sự tham gia tích cực của cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đối với hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như giải quyết việc làm, cải thiện nâng cao đời sống và dân trí, hiểu biết pháp luật của CBCNVC tạo ra sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phòng chống tội phạm nhằm hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trong các cơ quan; (ii) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động CBCNVC, làm cho từng người nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về ý nghĩa của công tác phòng chống tội phạm; (iii) Ngành Ngân hàng rà soát lại các khoản nợ xấu, đánh giá bản chất và khả năng trả nợ của khách hàng, có nghi vấn tội phạm thì báo cáo cho lực lượng công an hỗ trợ. Thường xuyên làm trong sạch nội bộ, tăng cường công tác quản lý cán bộ và công tác thanh tra đột xuất…; (iv) Xử lý nghiêm minh các sai phạm, xử lý công khai minh bạch sau thanh tra kiểm soát, đúng người, đúng tội…(v) Đề nghị xây dựng và có quy chế phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các Bộ ngành khác, nhất là với Bộ Công an.
Nhân dịp này, thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã trao tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998 – 2010 trong ngành Ngân hàng.
Thanh Hường - Website NHNN