Làm thế nào để quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền chui trực tuyến từ Việt Nam sang Trung Quốc?

Những năm gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính, các nhà quản lý, luật sư đã đề cập khá nhiều đến hiện tượng khách du lịch Trung Quốc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bằng Nhân dân tệ (CNY) thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS), mã phản hồi nhanh (QR Code) của Alipay, Wechat Pay được đăng ký và kết nối trực tiếp với các ngân hàng ở Trung Quốc, không thông qua bất kỳ ngân hàng nào cũng như hệ thống thanh toán nào của Việt Nam.
Các chuyên gia cảnh báo, hoạt động thanh toán chui này vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng CNY. Đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, nhưng không thu được tiền về Việt Nam, hành vi này còn gây thất thoát thuế và ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia do các giao dịch được hoàn toàn xử lý tại Trung Quốc.
 
Mặc dù khá phổ biến, nhưng việc quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động thanh toán chui này rất khó khăn, các trường hợp phát hiện rất hạn hữu. Cụ thể: ngày 02/2018, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Hạ Long phát hiện cửa hàng treo biển hiệu “Nông sản nổi tiếng nhất Việt Nam” dùng 3 máy POS giao dịch với khách hàng, và chuyển hơn 200.000 CNY (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc, mà không qua hệ thống ngân hàng trung gian nào của Việt Nam. Chiều ngày 03/7/2018, một phóng viên phát hiện tại chợ Hàn (Đà Nẵng), nơi tập trung nhiều du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, có một quầy hàng đặc sản đồ khô (cá, mực, tôm, bò khô) chấp nhận thanh toán bằng Alipay. Chủ quầy hàng cho biết, chỉ cần chủ hàng cung cấp mã, người mua sử dụng điện thoại quét mã để thanh toán thì giao dịch đã hoàn thành.
 
Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 26/2017/TT-NHN ngày 29 tháng 12 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động thẻ ngân hàng có quy định về hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ như sau: “Đơn vị chấp nhận thẻ chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ ở Việt Nam hoặc của tổ chức thanh toán thẻ ở nước ngoài”. Như vậy, bên cạnh vi phạm quy định về quản lý ngoại hối, hoạt động thanh toán chui qua POS, QR Code còn vi phạm quy định về sử dụng, thanh toán thẻ trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Điểm b, Khoản 6, Điều 28 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ, hành vi phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.
 
 Làm thế nào để quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền chui trực tuyến từ Việt Nam sang Trung Quốc?
 
Thực tế, trong những năm gần đây, xu thế sử dụng thẻ tín dụng ở Trung Quốc (cả thẻ nội địa và quốc tế) để thanh toán qua POS đang giảm dần, trong khi việc sử dụng QR Code trên Alipay và Wechat Pay để thanh toán và chuyển tiền đang ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu nhờ những thành tựu tuyệt vời của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Xu thế này đang lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là tới các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng QR Code trên các ứng dụng của Alipay và Wechat Pay trong thanh toán và chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng nằm trong xu thế tất yếu này và ngày càng tăng cả về quy mô và doanh số. Tuy nhiên, chúng ta không thể chống lại xu thế này, càng không thể ngăn cấm nó, bởi lẽ chúng ta không thể ngăn cản được hoạt động giao lưu thương mại ngày càng tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cán cân thương mại song phương trong năm 2017 đạt 93,69 tỷ đô la Mỹ, ước tính sẽ cán mốc 100 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 và tăng mạnh trong những năm tiếp theo. 
 
Làm thế nào để quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền chui trực tuyến từ Việt Nam sang Trung Quốc? 
 
Sử dụng thẻ tín dụng thanh toán qua POS ở Trung Quốc, xu thế phát triển
Việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán qua POS khá tiện lợi, an toàn và tránh được những rắc rối khi sử dụng tiền mặt, nên phương thức thanh toán này khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế không thực sự phổ biến tại Trung Quốc, một phần do phải trả phí, một phần xuất phát từ cách nhìn nhận mang tính cố hữu về nợ nần và thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc, phần khác do việc giao dịch với ngân hàng cần nhiều thủ tục phức tạp khiến người dùng nản lòng.
 
Hoạt động thanh toán chui qua POS ở Việt Nam, đề xuất giải pháp quản lý 
 
Đề cập đến vụ việc thanh toán chui qua 3 máy POS bị phát hiện tại thành phố Hạ Long vào tháng 05 năm 2018, nhiều người cho rằng, do máy POS nhỏ gọn, khách du lịch Trung Quốc dễ dàng mang vào Việt Nam để thực hiện thanh toán mà không bị phát hiện. Từ phân tích cơ chế, quy trình thanh toán trên đây, thực tế 3 máy POS đó không phải do khách du lịch mang vào Việt Nam, họ chỉ mang thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng ở Trung quốc phát hành vào Việt Nam để thực hiện thanh toán mà thôi. Chắc chắn, 3 máy POS đó phải do một ngân hàng ở Trung Quốc cấp cho chủ cửa hàng treo biến hiệu “Nông sản nổi tiếng nhất Việt Nam”, lắp đặt và kết nối với ngân hàng ở Trung Quốc đó trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ cửa hàng và ngân hàng Trung Quốc. Nếu không có sự kết nối này, khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán qua POS sẽ không thể thực hiện được.
 
Để tăng cường giám sát, quản lý phát hiện hoạt động thanh toán chui qua POS, thiết nghĩ, về phía Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tập trung nhiều khách du lịch Trung Quốc phải thành lập những “Đội đặc nhiệm liên ngành” gồm công an, quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, công thương, …) tiến hành kiểm tra thường xuyên về hoạt động, doanh số bán hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở bán hàng, điểm cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. 
 
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ động liên hệ với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đàm phán ký kết một Thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giữa hai hệ thống ngân hàng của hai quốc gia, đồng thời chỉ thị cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh doanh, tăng cường kết nối thanh toán thẻ và chia sẻ thông tin giữa các NHTM Việt Nam và các NHTM Trung Quốc để nắm được thông tin về khách hàng Việt Nam (cả pháp nhân và cá nhân) đang mở tài khoản thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các NHTM ở Trung Quốc.
 
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị cho các cơ quan truyền thông (các hãng truyền hình, thông tấn, các cơ quan báo chí, đài phát thanh …), tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tới toàn dân, coi hoạt động thanh toán chui trực tuyến bằng CNY từ Việt Nam sang Trung Quốc là hành vi vi phạm đến chủ quyền đất nước, vi phạm an ninh tiền tệ quốc gia, gây suy giảm đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nước.
 
Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ để tăng hình phạt đối với hành vi chuyển tiền chui trực tuyến bằng CNY từ Việt Nam sang Trung Quốc, trường hợp cần thiết có thể áp dụng mức phạt tiền cao gấp nhiều lần và rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
 
Làm thế nào để giám sát, theo dõi và quản lý hoạt động thanh toán chui qua Alipay, Wechat Pay?
 
Ngoài những giải pháp đã được đề cập trên đây đối với hoạt động thanh toán chui qua POS, thiết nghĩ, các NHTM tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), các ví điện tử (như Vimo, Momo, Ngân lượng, Money Lover, Vinapay, Payoo, Mobivi, Zalopay …) phải tự nâng cao năng lực của mình, đồng thời tăng cường hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh, liên kết với Alipay và Wechat Pay trong chia sẻ thông tin và kết nối thanh toán với phương châm trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam.
 
Ngay tại Trung Quốc, nhiều ngân hàng cũng phải hợp tác với Alibaba và Tencent trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán và chia sẻ thông tin; Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, khi cổ phần hóa cũng chọn Alibaba và Tencent làm nhà đầu tư chiến lược. Tại Châu Á, đặc biệt là Khu vực Đông Nam Á, các quốc gia khác cũng đã và đang thực hiện chính sách hợp tác liên kết với Alibaba (thông qua Ant Financial) và Tencent. Thông qua hợp tác kinh doanh với Ant Financial (đơn vị quản lý của Alipay) và Wechat Pay, mới có cơ hội đồng bộ hóa hệ sinh thái công nghệ, tạo điều kiện kết nối thanh toán dễ dàng qua Alipay và Wechat Pay, với điều kiện các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam phải sử dụng QR Code do các NHTM, các ví điện tử tại Việt Nam phát hành hoặc do Alipay, Wechat Pay phát hành nhưng được kết nối với các tài khoản tại NHTM của Việt Nam. Có như vậy thì mới có thể quản lý được dòng tiền và đồng tiền thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng Việt Nam và được chuyển vào tài khoản của bên bán hàng, bên cung cấp dịch vụ tại các NHTM của Việt Nam.
 
Trường hợp bên bán hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vẫn cố tình vi phạm (sử dụng QR Code do Alipay, Wechat Pay phát hành và kết nối trực tiếp với tài khoản tại các NHTM của Trung Quốc), thì thông qua hợp tác, chia sẻ thông tin với Alipay và Wechat Pay, các đơn vị liên quan tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc phát hiện hành vi vi phạm đó và có thể theo dõi được doanh số thanh toán, chuyển tiền chui nhằm truy thu thuế và truy phạt theo quy định.
 
Thái Hoài Bắc