Bàn về thông tư số19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Những ngày gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính, học giả, luật sư cả trong và ngoài nước bình luận khá nhiều về Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Thông tư 19).
Đây không phải là vấn đề mới phát sinh, cùng với Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới (Nghị định 14), là một bước nhằm đồng bộ hóa, quy chuẩn hóa hoạt động giao lưu thương mại, hoạt động thanh toán vốn hình thành, hiện hữu và phát triển từ năm 1991, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, đến nay trên các khu vực giáp biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
 
Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung quốc chủ yếu là hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu tiểu ngạch, một đặc thù riêng có trong giao dịch thương mại giữa các quốc gia có chung đường biên giới, không mang tính chính thống, chuẩn hóa và không hoàn toàn tuân thủ theo thông lệ về thanh toán quốc tế thông thường.
 
Trở lại lịch sử 27 - 28 năm về trước, ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, ngày 07/11/1991, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) đã ký kết Hiệp định thương mại giữa hai nước. Sau đó, vào ngày 26/05/1993, đã ký kết Hiệp định về thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (NHNDTQ). Đến ngày 19/10/1998, Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCNVN và Chính phủ nước CHNDTH được ký kết, theo đó, NHNNVN và NHNDTQ đã ký kết Hiệp định sửa đổi, bổ sung Hiệp định về thanh toán và hợp tác vào ngày 16/10/2003. Trên khuôn khổ pháp lý này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 về Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (Quyết định 689). 
 
Có thể nói Agribank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất cung cấp dịch vụ đổi tiền, thanh toán cho hoạt động giao thương biên giới vào những năm đó. Lúc đầu, chỉ thí điểm thành lập các quầy đổi tiền, với mong muốn sử dụng vị thế và uy tín của một ngân hàng quốc doanh để chia sẻ thị phần đổi tiền với các “chiếu” đổi tiền của tư nhân. Sau một thời gian đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác tạm thời với các chi nhánh vùng biên của Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Kiến Thiết Trung Quốc, đến cuối năm 1996, đầu năm 1997, Agribank đã triển khai Đề án thí điểm thanh toán biên mậu, cung cấp dịch vụ thanh toán cho thương nhân (doanh nghiệp và hộ kinh doanh) biên giới. Tuy nhiên, hoạt động thanh toán qua ngân hàng chỉ chiếm một phần nhỏ doanh số thương mại của thương nhân hai nước, một phần vì thói quen thanh toán bằng tiền mặt vốn có.
 
Bàn về thông tư số19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc 
 
Từ năm 2004, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 689, hoạt động thanh toán biên mậu mới chính thức triển khai, Agribank đã và đang cung cấp đầy đủ các phương thức thanh toán biên mậu như: chuyển tiền, L/C, nhờ thu, bảo lãnh thanh toán biên mậu, …. Đến nay, hầu hết các Ngân hàng Thương mại lớn của Việt Nam đều đã có chi nhánh tại các của khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng thanh toán qua ngân hàng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ, phần lớn còn lại vẫn được các thương nhân thanh toán trực tiếp với nhau bằng tiền mặt hoặc thanh toán bằng tiền mặt qua những “đầu nậu” tư nhân (cả Việt Nam và Trung Quốc).
 
Bàn về thông tư số19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc 
 
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2017 đạt 93,69 tỷ đô la Mỹ, dự kiến năm 2018 có thể cán mốc 100 tỷ đô la Mỹ. Phần lớn trong số này là xuất nhập khẩu chính ngạch, việc giao kết hợp đồng mua bán, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán được thực hiện theo thông lệ quốc tế và đồng tiền thanh toán bằng các ngoại tệ mạnh như USD, EUR. Một phần trong doanh số xuất nhập khẩu chính ngạch được giao hàng qua các cửa khẩu quốc tế chính thức tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc và thanh toán (phương thức thanh toán biên mậu) qua các ngân hàng biên giới của hai nước.
 
Tuy nhiên, để được xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và không bị cấm bởi Chính phủ Trung Quốc. Đối với những mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, quyền lợi của các bên bán Việt Nam được bảo đảm tốt hơn, an toàn hơn vì thanh toán qua hệ thống ngân hàng của hai nước. Thực tế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi có chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc; hơn nữa, do tính chất mùa vụ, do những chính sách bảo hộ người sản xuất trong nước, có một số mặt hàng đang được chấp nhận là chính ngạch, bỗng nhiên bị cấm nhập khẩu gây không ít khó khăn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
 
Tất cả những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nếu không đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không được phép xuất theo đường chính ngạch phải chuyển sang đường tiểu ngạch và không được thanh toán qua hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Do những chính sách đặc thù của Chính phủ Trung Quốc đối với các tỉnh miền núi, biên giới, chính quyền các tỉnh (Vân Nam, Quảng Tây) đã phối hợp với Việt Nam mở thêm các cửa khẩu phụ, các lối mở biên giới để thông quan hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Để được thông quan qua các cửa khẩu phụ và lối mở biên giới này, hàng hóa từ những xe lớn, xe công-ten-nơ phải chuyển sang các xe nhỏ để qua biên giới. Đây là nguyên nhân hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thường bị ứ đọng tại các cửa khẩu vùng biên và ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng đông lạnh, hàng tươi sống, hoa quả. Đây cũng là lý do các thương nhân của Việt Nam thường bị ép giá, giảm giá, bị chậm thanh toán và bị nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan khác. Việc thanh toán trong các trường hợp này chủ yếu bằng tiền mặt, được các thương nhân Trung Quốc thanh toán trực tiếp cho thương nhân Việt Nam hoặc thông qua các “đầu nậu” tư nhân. Trong những trường hợp này, việc nhận được thanh toán đã có thể coi là may mắn, đừng nói đến chuyện yêu cầu các thương nhân Trung Quốc phải chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ mạnh.
 
Theo tôi, đây cũng là lý do mà Thông tư số 19 cho phép thương nhân Việt Nam được nộp CNY tiền mặt vào tài khoản mở tại ngân hàng, tất nhiên yêu cầu phải xuất trình các chứng từ và tờ khai hải quan liên quan nhằm giúp các ngân hàng thương mại chia sẻ thị phần với các “đầu nậu” tư nhân hiện đang chiếm lĩnh phân khúc thị trường này, góp phần tăng nguồn thu từ dịch vụ, góp phần theo dõi, quản lý được dòng tiền thanh toán. Mọi giao dịch thu/chi vào tài khoản đều phải có hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn thu/chi là hợp pháp theo quy định.
 
Thiết nghĩ, để đánh giá một cách đầy đủ tác động của chính sách này, phải có cái nhìn nhiều chiều, xuất phát từ bối cảnh, điều kiện và hoàn cảnh thực tế trong giao thương hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, phải căn cứ vào khả năng, thực lực và vị thế của các thương nhân Việt Nam, trên quyên tắc bảo vệ tối ưu quyền, lợi ích quốc gia, đảm bảo quốc kế dân sinh, an toàn kinh tế và an ninh tiền tệ.

Thái Hoài Bắc