Khẩn trương và thận trọng khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (26/10/2011)

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, chưa có khi nào hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, tái cấu trúc hệ thống tài chính, cũng như ngân hàng có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế. Vì vậy, việc làm này cần được thực hiện khẩn trương, quyết liệt, nhưng cũng nên thận trọng.

- Chưa bao giờ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lại được quan tâm như lúc này. Ông có suy nghĩ như thế nào về tái cấu trúc ngân hàng?

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là trọng tâm của tái cấu trúc hệ thống tài chính nước ta. Bởi vì hệ thống ngân hàng nước ta vốn dĩ đã yếu kém so với yêu cầu chung và đang tích tụ nhiều bất cập. Đây là chuyện bình thường. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tiến hành cơ cấu lại hệ thống tài chính, cũng như hệ thống ngân hàng sau một quá trình phát triển. Hệ thống này phân bổ nguồn lực của quốc gia, nên khi được cơ cấu lại sẽ có sức lan tỏa hơn. Thực tế, hệ thống ngân hàng nước ta hiện mới đông về số lượng, nhưng không mạnh về năng lực tài chính, khả năng quản trị. Thời gian qua số lượng ngân hàng nói riêng và các định chế tài chính của chúng ta ra đời nhiều và trong thời gian tương đối ngắn. Quản trị rủi ro của chúng ta tương đối hạn chế. Trong khi đó chúng ta hội nhập và du nhập nhiều sản phẩm mới, với nhiều sản phẩm phái sinh. Điều này đã tạo điều kiện cho thị trường phát triển, thu hút được nguồn lực và người tham gia, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng nhà đầu tư và nhà kinh doanh thường chỉ nhìn thấy mặt tích cực, không nhìn được những rủi ro đằng sau đó. Mà các sản phẩm phái sinh đang chứa đựng những rủi ro năng lực quản lý chưa theo kịp.

- Thưa Ông, trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần lưu ý những điểm nào? 

Hệ thống ngân hàng nhạy cảm, và có khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế. Do đó, tái cấu trúc hệ thống này cần được làm thận trọng. Thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn nên thận trọng. Đề án tái cấu trúc cần được lấy ý kiến rộng rãi. Còn quan điểm của tôi là ngân hàng muốn mạnh thì phải có năng lực quản lý tốt, chứ không chỉ bằng tăng vốn pháp định. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cũng có những ngân hàng vốn pháp định ở mức rất thấp. Hơn nữa, thị trường tài chính có những phân đoạn khác nhau, nên ngân hàng nhỏ có thể tham gia. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phân định rõ ràng không phải được cấp phép thành lập là ngân hàng có thể kinh doanh tất cả các sản phẩm tiền tệ, với nhiều quy mô khác nhau. Giải pháp hợp lý là quy định năng lực quản lý, năng lực tài chính đến đâu, thì được làm đến đó. Ví dụ như dù Singapore có đến hơn 200 ngân hàng, nhưng chưa được gọi là thị trường quá nhiều ngân hàng. Số lượng ngân hàng được làm đầy đủ tất cả các dịch vụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bài học kinh nghiệm này cho thấy, cần sớm có cơ chế để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, giúp hạn chế bớt những tổ chức năng lực tài chính và quản lý hạn chế được làm phạm vi quá rộng. Và phải có lộ trình thích hợp áp dụng các chuẩn mực thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Không nên áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc, để tránh gây đảo lộn hay những cú sốc không cần thiết.

- Nhiều ý kiến cho rằng trong tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải có ngân hàng ngừng hoạt động. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Như đã nói ở trên, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần làm thận trọng, với lộ trình hợp lý. Nhưng đúng là không nên duy trì hoạt động với ngân hàng quá yếu kém về năng lực tài chính và quản lý. Xử lý những trường hợp này có nhiều cách, đặc biệt là tiến hành sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng với nhau. Hợp nhất là câu chuyện hết sức bình thường, thậm chí sáp nhập vào ngân hàng khác mạnh hơn có khi lại thu được lợi nhuận nhiều hơn. Bản thân các nhà đầu tư cũng phải suy nghĩ như vậy. Không nên cứng nhắc đặt câu hỏi khi nào diễn ra quá trình này. Điều cần làm ngay là xây dựng lộ trình phù hợp, với tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch. Bản thân các ngân hàng phải xem xét khả năng thích ứng với điều kiện hiện nay. Nếu đến một thời điểm nào đó họ không đáp ứng được, thì Nhà nước có thể bỏ tiền vào và trực tiếp quản lý. Sau đó, đến một thời điểm thích hợp, Nhà nước tiếp tục chuyển đổi thành phần, cơ cấu lại đầu tư…

- Xin cám ơn Ông!
 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành: Tái cấu trúc ngân hàng phải quyết được 3 vấn đề lớn

Quá trình tái cấu trúc ngân hàng phải bảo đảm trước hết là hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Và dù là ngân hàng nhỏ hay lớn thì phải xử lý được câu chuyện nợ, tài sản xấu, đặc biệt liên quan đến bất động sản. Và xác định rõ chi phí cho quá trình này do ai chịu. Ngân hàng sẽ thỏa thuận mua đi bán lại hay Nhà nước đứng ra chịu, cũng như Nhà nước đứng ra bắc cầu? Chúng ta không thể một đêm giải quyết được câu chuyện này nhưng cũng không thể quá lâu. Do hiện chưa có chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cụ thể, nên điều tôi quan tâm nhất là làm vấn đề này như thế nào.

 
 Minh Trung - theo Người đại biểu nhân dân