Hoạt động thanh toán quốc tế của Agribank chuyển mình mạnh mẽ trước thách thức hội nhập

Thanh toán quốc tế là mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh tế quốc dân, là khâu quan trọng của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức thuộc các quốc gia khác nhau. Thanh toán quốc tế giúp tăng cường các mối quan hệ giao lưu kinh tế giữa các quốc gia và giúp cho quá trình thanh toán được an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, giảm bớt chi phí cho các chủ thể tham gia. Các ngân hàng với vai trò là trung gian thanh toán sẽ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đồng thời tư vấn cho khách hàng, hướng dẫn về kỹ thuật thanh toán trong giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán và tạo sự an toàn tin tưởng cho khách hàng.
Agribank triển khai hoạt động thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ (TTQT - KDNT) từ năm 1991 với 3 mảng nghiệp vụ chính: Thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu và kinh doanh ngoại tệ. Hoạt động TTQT- KDNT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh chung của Agribank, trung bình chiếm 20% tổng thu dịch vụ toàn ngành. Hoạt động TTQT - KDNT đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thu hút khách hàng mới, mang lại nguồn thu phí, nguồn vốn ngoại tệ cho Agribank, tạo điều kiện cho Agribank tiếp cận những chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất về hoạt động ngân hàng. Năm 2017, doanh số và phí TTQT của toàn hệ thống Agribank đều tăng trưởng gần 50% so với năm 2012, trong đó 03 khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng thu phí TTQT cao nhất so với toàn quốc (43%, 16% và 9%). Thu phí TTQT của Khu vực miền núi cao biên giới và Khu vực Đồng  bằng sông Hồng lại đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu TTQT của toàn quốc. Năm 2017, thu phí TTQT của Khu vực Miền núi cao biên giới gần bằng Khu vực Đông Nam Bộ, từng là khu vực xuất nhập khẩu chủ lực của cả nước.
 
Năm 2017, thanh toán chuyển tiền chiếm 71% trong thanh toán hàng nhập khẩu và chiếm 90% trong thanh toán hàng xuất khẩu. Tỷ trọng thanh toán bằng phương thức chuyền tiền liên tục tăng dần từ năm 2014 đến nay, trong khi tỷ trọng thanh toán bằng L/C chiếm tỷ trọng thấp và giảm dần, tỷ trọng thanh toán theo phương thức nhờ thu có xu hướng ổn định từ năm 2015 đến nay. Tỷ trọng sử dụng phương thức thanh toán L/C trong thanh toán hàng nhập khẩu cao hơn so với hàng xuất khẩu, điều này phản ánh tâm lý mong muốn lựa chọn phương thức thanh toán an toàn của khách hàng nhập khẩu. Theo đánh giá của ICC, cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đưa các quốc gia đến gần nhau hơn, việc tiếp cận thông tin giữa các quốc gia đơn giản và nhanh chóng hơn, hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên thế giới đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng các phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Như vậy, cơ cấu TTQT của Agribank hoàn toàn phù hợp với xu hướng thương mại quốc tế. Khi doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn đối tác và hội nhập với kinh tế thế giới sẽ muốn đơn giản hóa thủ tục thanh toán và tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch. Xu thế trên sẽ làm giảm nguồn thu phí TTQT của Agribank do phí thanh toán L/C luôn cao hơn so với các phương thức chuyển tiền và nhờ thu.
 
Đến 31/3/2018, mô hình tổ chức hoạt động TTQT của Agribank tại 158 Chi nhánh trên toàn quốc. Hiện nay, Agribank cung cấp dịch vụ TTQT tới 164 quốc gia, trải rộng khắp năm châu lục. Châu Á là thị trường thanh toán XNK lớn nhất qua Agribank (tập trung ở một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan) chiếm 74,35% doanh số thanh toán XNK qua Agribank, đồng thời cũng là khu vực tập trung số lượng ngân hàng đại lý (NHĐL) lớn nhất (412 ngân hàng). Doanh số thanh toán XNK qua Agribank tại các thị trường còn lại: Châu Mỹ chiếm 19,6% tổng doanh số TTQT của Agribank qua 95 NHĐL, Châu Âu chiếm 4,47%, Châu Úc chiếm 1,13% và Châu Phi chiếm 0,46% tổng doanh số thanh toán XNK của Agribank. Tỷ trọng phân bổ số lượng NHĐL của Agribank hiện nay phù hợp với nhu cầu thanh toán XNK tại các thị trường. Agribank có 192 chi nhánh thực hiện TTQT trực tiếp, mạng lưới ngân hàng đại lý tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán XNK của khách hàng. 
 
Hiện tại, Agribank có 40 sản phẩm TTQT cơ bản, bảo đảm cung ứng đủ theo mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam, một số sản phẩm dịch vụ được khách hàng đánh giá cao như: thanh toán biên mậu Việt - Lào qua CBPS, thanh toán biên mậu Việt - Trung, dịch vụ chuyển tiền đa tệ, chuyển tiền Campuchia - Việt Nam qua kênh KO, UPAS L/C. 
 
 Hoạt động thanh toán quốc tế của Agribank chuyển mình mạnh mẽ trước thách thức hội nhập
 Phó Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn tiếp Đoàn HĐTV Ngân hàng Nonghyup Hàn Quốc
 
Agribank là Ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên của Việt Nam triển khai hoạt động thanh toán biên mậu (TTBM) với các nước có chung biên giới, trong đó với thị trường Trung Quốc triển khai từ năm 1997, thị trường Lào được triển khai từ năm 2009. Đến nay, hoạt động TTBM liên tục phát triển, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển thương hiệu của Agribank. Thông qua triển khai hiệu quả sản phẩm dịch vụ TTBM, Agribank góp phần tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đảm bảo an ninh tiền tệ khu vực vùng biên. Trong giai đoạn 2015-2017, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ TTBM của Agribank có xu hướng tăng lên, năm 2016 có khoảng gần 800 khách hàng, đến năm 2017 tăng lên gần 1000 khách hàng, trong đó cao nhất là khách hàng sử dụng dịch vụ TTBM qua Chi nhánh Móng Cái và Lạng Sơn với gần 400 khách hàng tại mỗi Chi nhánh. 
 
Giai đoạn 2012 - 2017, Agribank ban hành mới nhiều quy trình, quy định về hoạt động TTQT, KDNT rõ ràng, chi tiết đã tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, Agribank đã chủ động ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, quy chế phù hợp với chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh đối ngoại linh hoạt, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Agribank đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ và thu hút khách hàng xuất nhập khẩu (cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản, lương thực, cà phê, nông sản; tích cực khai thác nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài từ các chương trình tài trợ nhập khẩu, cho phép chi nhánh linh hoạt trong tỷ lệ ký quỹ mở L/C…). 
 
Agribank đã có một hệ thống đầy đủ các sản phẩm dịch vụ KDNH thông dụng đáp ứng các nhu cầu phổ biến của Khách hàng cá nhân, Khách hàng Doanh nghiệp và ĐCTC. Agribank có ưu thế về triển khai các sản phẩm dịch vụ đặc trưng như: Thanh toán biên mậu với thị trường Trung Quốc, Lào. Bên cạnh đó, Agribank đã làm việc với các ngân hàng nước ngoài bổ sung tiện ích mới cho sản phẩm, dịch vụ TTQT hiện có như: truy cập hệ thống Trade Platform để tra cứu thông tin về L/C, dịch vụ chuyển tiền nguyên món, chuyển tiền nhanh, thanh toán sớm, dịch vụ vấn tin trực tuyến, dịch vụ thanh toán giá trị thấp, thông báo L/C, dịch vụ chia sẻ phí. Một số sản phẩm mới của Agribank đã góp phần cạnh tranh so với các ngân hàng khác như sản phẩm UPAS L/C, L/C theo chương trình GSM 102 và Eximbank, chuyển tiền đa ngoại tệ, thanh toán biên mậu trực tuyến với thị trường Lào qua hệ thống CBPS. Hầu hết các sản phẩm đều được khách hàng đánh giá cao, góp phần gia tăng tiện ích cho khách hàng, tăng thu dịch vụ cho chi nhánh. 
 
Mạng lưới chi nhánh Agribank trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng lên nhanh chóng, từ vài chục chi nhánh vào đầu những năm 2000 (năm 2003 có 95 chi nhánh thực hiện KDNH trực tiếp). Đến nay, Agribank đã có 157 chi nhánh loại I và 34 chi nhánh loại II trở thành các kênh cung cấp sản phẩm thanh toán quốc tế, dịch vụ ngoại hối của Agribank đến với khách hàng.
 
Agribank đã chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối: ứng dụng hệ thống CoreBanking, InternetBanking và hệ thống Realtime trong giao dịch kinh doanh ngoại tệ, hệ thống CBPS trong hoạt động thanh toán biên mậu...Nhờ đó, hoạt động kinh doanh đối ngoại của toàn hệ thống được quản lý tập trung, trực tuyến, giảm thiểu rủi ro giao dịch, hỗ trợ cho hạch toán tự động trên IPCAS, tốc độ xử lý giao dịch nhanh, tăng tính bảo mật thông tin, tiết kiệm thời gian và hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và hiệu quả hoạt động. 
 
Agribank từng bước thực hiện định hướng phát triển trở thành ngân hàng mạnh, hiện đại, có uy tín trong nước, vươn tầm ảnh hưởng ra thị trường tài chính khu vực và thế giới; chú trọng hợp tác với các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong TTQT, KDNT, khai thác tối đa sự hỗ trợ của các đối tác trong hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa.
 
 Hoạt động thanh toán quốc tế của Agribank chuyển mình mạnh mẽ trước thách thức hội nhập
Agribank nhận giải Chất lượng TTQT xuất sắc do Ngân hàng Wells Fargo trao tặng

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Agribank được nhận nhiều giải thưởng do các ngân hàng uy tín trên thế giới: Chất lượng TTQT xuất sắc do Ngân hàng Wells Fargo và Ngân hàng JP Morgan; Chất lượng điện đạt chuẩn tự động cao do Ngân hàng BNY Mellon trao tặng… đã góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu Agribank trên trường quốc tế.

Anh Thư