Chính sách tiền tệ đóng vai trò then chốt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Khép lại năm 2017, Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế -xã hội. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, vượt mọi dự báo. Sau rất nhiều năm, 13 chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Trong những thành tựu kinh tế năm 2017 thì điểm quan trọng nhất, nổi bật nhất, có tính liên tục trong mấy năm qua đó là Chính phủ luôn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Để tạo nên sự ổn định đó thì chính sách tiền tệ luôn đóng vai trò then chốt. Trong chương trình tọa đàm do VTV vừa thực hiện với chủ đề: “Việt Nam – Dấu ấn tăng trưởng năm 2017”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chia sẻ một số nội dung về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng năm 2017 và các nhiệm vụ giải pháp, điều hành của NHNN năm 2018.
PV: Trong những thành tựu kinh tế năm 2017 thì điểm quan trọng nhất nổi bật nhất, có tính liên tục trong mấy năm qua, đó là Chính phủ luôn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Để tạo nên sự ổn định đó thì chính sách tiền tệ luôn đóng vai trò then chốt. Xin Thống đốc cho biết những biện pháp điều hành CSTT trong năm qua đã được triển khai như thế nào để góp phần cùng Chính phủ đạt được kết quả ấn tượng?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 từ rất sớm. Mặt khác, trong điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 từ rất sớm. Mặt khác, trong điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng
Trên cơ sở mục tiêu điều hành của Chính phủ nên trong điều hành CSTT năm 2017 NHNN đưa ra mục tiêu phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thông qua mục tiêu CSTT về tổng phương tiện thanh toán, điều hành tỷ giá hợp lý, nhưng vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng có chất lượng đảm bảo nguồn vốn vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đó là những điểm rất quan trọng để kiểm soát được lạm phát và giữ được ổn định vĩ mô.
Kết quả điều hành CSTT cho thấy, lạm phát cơ bản trong suốt năm 2017 luôn duy trì được trong biên độ từ 1,4-1,6%. Điều này, rõ ràng cho thấy các giải pháp điều hành CSTT đã thể hiện sự hiệu quả.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2017 cũng đã đạt được những kết quả tích cực như: thị trường ngoại tệ thông suốt, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá được giữ ổn định và linh hoạt theo diễn biến thị trường. Qua đó, đã khơi thông được nguồn ngoại tệ rất lớn trong nền kinh tế để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh và giải quyết được tâm lý găm giữ ngoại tệ tồn tại bấy lâu nay. Thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt nên chúng ta đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn.
Đối với điều hành lãi suất, trong bối cảnh phải thực hiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã giữ ổn định và giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%.
Đặc biệt, trong năm 2017 công tác điều hành vĩ mô với sự điều hành của Chính phủ, NHNN đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác, qua sự phối hợp chặt chẽ như vậy thì kết quả điều hành càng được củng cố.
PV: Năm vừa rồi, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” sang “tích cực”. Bloomberg đánh giá rằng, việc NHNN chuyển sang cơ chế điều hành dựa nhiều hơn vào thị trường để định giá đồng tiền, điều chỉnh tỷ giá trung tâm trên cơ sở hàng ngày, đã giúp Đồng Việt Nam trở thành một trong những đồng tiền ổn định nhất ở Châu Á trong năm qua. Điều này tạo động lực như thế nào cho NHNN trong điều hành CSTT và xử lý những vấn đề còn tồn tại của hệ thống ngân hàng, thưa Thống đốc?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Có thể nói, kết quả, diễn biến của tỷ giá cũng như hoạt động của thị trường ngoại hối ở Việt Nam trong vòng 2 năm vừa qua đã cho thấy sự kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả của các công cụ điều hành CSTT nói chung và cơ chế điều hành tỷ giá mới nói riêng.
Tôi cũng nói rõ thêm, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm chỉ là một trong những công cụ của CSTT và đã được kết hợp rất linh hoạt và đồng bộ với các công cụ khác kể cả trên thị trường ngoại tệ lẫn các công cụ trên thị trường tiền tệ bằng Đổng Việt Nam.
Với việc chủ động phối hợp linh hoạt điều hành đồng bộ và chủ động như vậy, thị trường ngoại tệ đã có những diễn biến tích cực và đến ngày hôm nay (5/1/2018 – PV) tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước của Việt Nam đã lên mức xấp xỉ mức 52,5 tỷ USD; thị trường ngoại tệ rất ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường và phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của Chính phủ và NHNN.
Với những kết quả tích cực như vậy, đã tạo nên niềm tin, cơ sở để NHNN tiếp tục kiên định trong việc thực thi các công cụ CSTT nói chung cũng như công cụ, cơ chế điều hành tỷ giá và các hoạt động trên thị trường ngoại tệ nói riêng để đảm bảo làm sao thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra cũng như đạt được mục tiêu điều hành của NHNN đưa ra là đảm bảo kiểm soát lạm phát ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ.
PV: Trong năm 2017, NHNN đã điều hành chính sách tín dụng vừa đưa dòng vốn vào hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xin Thống đốc cho biết kết quả cụ thể của các chính sách này?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Ngay từ đầu năm 2017, chúng tôi đã chỉ đạo tới các TCTD phải tập trung tín dụng vào những lĩnh vực thuộc các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017 chứ không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước đây. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có những kết quả khi tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý và có chất lượng tốt hơn.
Những kết quả năm 2017 là tổng mức tăng trưởng tín dụng ở mức xấp xỉ 19% nhưng cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch rất rõ nét theo hướng tăng cường chất lượng và an toàn. Trong đó, tín dụng tăng trưởng rất mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với mức tăng trên 22%; tín dụng trong lĩnh vực chế biến chế tạo cũng tăng cao hơn mức 22%; tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, tín dụng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Những con số trên cho thấy chất lượng tín dụng đã được đảm bảo đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Trong công tác điều hành, NHNN thường xuyên cảnh báo những TCTD mà có tập trung tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Qua công tác điều hành tín dụng và tăng cường công tác thanh tra giám sát, cảnh báo sớm đã góp phần làm cho tổng mức tín dụng năm nay tăng trưởng ở mức phù hợp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhưng kiểm soát được an toàn và hiệu quả.
PV: Thưa Thống đốc, việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được NHNN triển khai như thế nào trong năm vừa qua?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Ngay từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN đã rất khẩn trương báo cáo Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 gắn với xử lý nợ xấu, ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu , đồng thời Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội xem xét và thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, tăng tiến độ và khối lượng xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Trong năm 2017, sau khi có khuôn khổ pháp lý như vậy, chúng tôi đã có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể quán triệt đến các TCTD xây dựng lộ trình cơ cấu lại với từng TCTD cũng như là tiến độ xử lý nợ xấu cụ thể để đảm bảo được thực hiện mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ yêu cầu đối với hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu thì mục tiêu xuyên suốt theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát được những bất ổn, những rủi ro trong hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
PV: Xin Thống đốc cho biết những định hướng lớn trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2018?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Trên cơ sở chỉ đạo tại Nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành, chúng tôi sẽ ban hành Chỉ thị để quán triệt đến toàn bộ hệ thống các TCTD những quan điểm, giải pháp chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018. Vì vậy, duy trì được kiên định ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố then chốt trong điều hành CSTT năm 2018 để kiểm soát lạm phát như mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng đồng bộ, linh hoạt, chủ động các công cụ CSTT như lãi suất, tỷ giá, tín dụng để đảm bảo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, về tín dụng thì chúng tôi chia sẻ ý kiến của ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam rằng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng thấp nhưng chất lượng tín dụng cao hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Và trong điều hành tín dụng năm nay, NHNN sẽ rất chủ động, linh hoạt để kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Điều hành tỷ giá tiếp tục linh hoạt, chủ động theo tín hiệu thị trường, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần đầy mạnh hoạt động thông suốt trên thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
Về lãi suất, NHNN tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất và có cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặt khác, trong khuôn khổ điều hành CSTT năm nay là phải tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đến năm 2020 gắn với xử lý nợ xấu. Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ then chốt để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng có thể tăng cường hoạt động và phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chúng tôi sẽ chỉ đạo từng TCTD thực hiện nhất quán và kiên quyết Đề án cơ cấu lại của từng tổ chức đã được NHNN phê duyệt.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, đối với hệ thống ngân hàng phải tăng cường các giải pháp, áp dụng công nghệ mới để đưa dịch vụ và tiện ích ngân hàng đến khu vực vùng xâu vùng xa, người dân có thu nhập thấp với chi phí thấp hơn để làm sao lan tỏa dịch vụ ngân hàng đến các đối tượng và các thành phần kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc!
Quang Tùng lược ghi