Hỗ trợ sinh viên thoát bẫy “tín dụng đen”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa kết thúc, hành trình trở thành sinh viên của nhiều em học sinh đang đến gần. Tuy nhiên, chặng đường mới sẽ chứa nhiều hiểm nguy khi sinh viên trở thành đối tượng bị “tín dụng đen” nhắm đến. Đồng hành cùng sinh viên, các ngân hàng đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng hỗ trợ đối tượng khách hàng là sinh viên.
Thẻ tín dụng hỗ trợ sinh viên thoát bẫy “tín dụng đen” |
Tín dụng đen bủa vây sinh viên
Ban đầu em chỉ vay một khoản tiền nhỏ với lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng để tiêu trên một app cho vay trực tuyến. Tuy nhiên, đến hạn trả tiền bố mẹ chưa gửi sinh hoạt phí nên em vay thêm một khoản khác để trả nợ cũ theo lời tư vấn của nhân viên app, một sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ về câu chuyện mắc bẫy tín dụng đen.
Sau nhiều lần vay liên tiếp, em mất khả năng chi trả nợ. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi gia đình phát hiện chứng minh thư nhân dân của em được phóng to dán ở cột điện đầu ngõ kèm theo lời vu khống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; nhiều số điện thoại lạ liên tục gọi điện đe dọa em và gia đình để đòi trả số tiền nợ gần 200 triệu đồng, sinh viên này chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, một nữ sinh ngành ngôn ngữ Anh của một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh vướng vào "tín dụng đen" vì lỡ làm mất tiền học phí bố mẹ đưa. Nữ sinh làm thủ tục vay 5 triệu đồng qua ứng dụng cho vay nhưng thực nhận chỉ gần 4 triệu đồng.
Đến khi đáo hạn, nữ sinh chưa nhận được lương làm thêm nên không đủ tiền trả và được nhân viên ứng dụng này giới thiệu vay tiếp ở một ứng khác vay tiền khác để trả nợ. Tính đến cuối năm 2021, số tiền gốc và lãi của nữ sinh trên hàng chục app khác nhau với số tiền hơn 274 triệu đồng.
Có thể thấy, điểm chung của những câu chuyện trên đều liên quan đến ứng dụng vay tiền - một dạng biến tướng của "tín dụng đen". Đại úy Đoàn Văn Linh, cán bộ phòng Trọng án – Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) phân tích, khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp cần một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tiền tại ngân hàng.
Khi cài đặt ứng dụng vay tiền, người dùng để lại thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại và sẽ có người liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Đáng chú ý, người vay có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến việc vay ứng dụng sau trả nợ và lãi cho ứng dụng trước, Đại úy Đoàn Văn Linh nói.
Chia sẻ khó khăn cùng sinh viên
Để bảo vệ sinh viên - những người thuộc nhóm yếu thế dễ bị tổn thương và có khả năng cao là đối tượng bị "tín dụng đen" hướng đến, các ngân hàng đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng, trong đó tăng cường hỗ trợ mở thẻ tín dụng để chia sẻ gánh nặng học phí, tiền trọ, khám chữa bệnh, chi tiêu cá nhân... cho sinh viên.
Kể từ khi ra mắt năm 2017, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã mở rộng ra tất cả các tỉnh thành có đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc khách hàng từ 18 tuổi trở lên, trong đó có sinh viên.
Bà Trần Thị An Dung, Giám đốc vùng tại Hà Nội của ACB cho biết, sản phẩm cung cấp đến khách hàng tính năng mua trước - trả sau với thời gian miễn lãi lên đến 45 ngày; trả góp 0% lãi, 0% phí tại hơn 200 đối tác ưu đãi của ngân hàng hoặc tại bất kỳ đâu với 0% lãi và phí cực kỳ ưu đãi; rút tiền tại ATM hoàn toàn miễn phí với mức lãi suất thấp; linh hoạt trong việc sử dụng và thanh toán dư nợ bất kỳ khi nào khách hàng có nhu cầu. Đây là một trong những ưu điểm góp phần mạnh mẽ trong việc đẩy lùi tín dụng đen.
Không chỉ vậy, sinh viên còn trở thành nhóm khách hàng tiềm năng được ngân hàng hướng đến. Ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, ngân hàng này đã phát hành dòng thẻ tín dụng dành riêng cho phân khúc sinh viên với hạn mức tối đa 5 triệu đồng.
Sản phẩm phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình vì phí thường niên thấp, không mất phí rút tiền mặt và lãi suất áp dụng cũng không cao, đây được xem như là một nguồn tài chính dự phòng bên cạnh mục đích thanh toán, khách hàng có thể rút tiền ATM 24/7 góp phần giảm tín dụng đen.
Không dừng lại ở cung cấp dịch vụ, ngân hàng còn nỗ lực liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc để đưa đến cho sinh viên sản phẩm thẻ tín dụng phù hợp nhất. Đơn cử Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) liên kết cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) mở thẻ tín dụng BFF dành riêng cho học sinh - sinh viên với hạn mức lên đến 10 triệu; ưu đãi giảm giá tại nhà sách, ứng dụng di chuyển, ẩm thực, du lịch; liên kết trả góp 0% sản phẩm công nghệ (điện thoại, laptop,…), khóa học, du lịch, xe máy, xe đạp…
Hay Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Cần Thơ (MB Cần Thơ) triển khai phát hành thẻ tín dụng tín chấp MB Modern Youth cho sinh viên 5 trường đại học trên địa bàn Thành phố với hạn mức thẻ lên đến 15 triệu đồng để sinh viên trang trải chi phí học tập, phần mềm bản quyền, mua laptop, xe máy, chi trả chi phí tiêu dùng cá nhân, dự phòng các tình huống khẩn cấp hay chi trả các chi phí phát sinh bất ngờ…
Để nhanh chóng phổ cấp thẻ tín dụng đến sinh viên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, ngân hàng mở thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc tăng khoản tài chính dự phòng để sinh viên sử dụng và hoạch định tài chính cá nhân. Tuy nhiên, khi mở thẻ tín dụng cho sinh viên, phải cho mở đồng loạt chứ không thể chứng minh thu nhập mới tin tưởng chấp nhận mở thẻ, thẻ được mở cũng phải có hạn mức hợp lý, thấp nhất 10 - 15 triệu đồng để sinh viên có thể giải quyết được nhu cầu đột xuất. Tuy nhiên, muốn bảo vệ sinh viên hoàn toàn trước bẫy “tín dụng đen thì không còn cách nào khác là xử lý nghiêm và có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, công an.