Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên

Tín dụng chính sách sẽ tiếp tục mở rộng để gia tăng hỗ trợ cho gia đình có học sinh sinh viên trong thời dịch bệnh Covid-19

Miễn giảm học phí cho học sinh vùng phong tỏa

Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố không thu học phí học kỳ 1 và chính quyền địa phương sẽ trích một phần ngân sách cho giáo dục nhằm hỗ trợ tài chính cho người dân đang bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Trước đó tại kỳ họp thứ 2 khóa X, HDND TP.HCM cũng đã nghe báo cáo về năm học 2021-2022, trong đó có các phương án dạy và học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học đường.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, năm học 2021-2022 toàn thành phố có khoảng trên 1,71 triệu học sinh, từ cấp mầm non đến cấp THPT (chưa tính chương trình giáo dục thường xuyên). Trong khi mức học phí các trường công lập hiện nay thấp nhất là 30.000 đồng/học sinh/tháng, cao nhất là 160.000 đồng/học sinh/tháng. Vì vậy, nếu miễn học phí học kỳ 1 năm 2021-2022 cho các cấp học ở TP.HCM, dự kiến số tiền vào khoảng 1.190 tỷ đồng.

nhieu chinh sach ho tro hoc sinh sinh vien
Tín dụng chính sách sẽ tiếp tục mở rộng để gia tăng hỗ trợ cho gia đình có học sinh sinh viên trong thời dịch bệnh Covid-19

Hoạt động giáo dục và đào tạo những năm qua được thực hiện theo cơ chế phân cấp phân quyền, Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý nội dung chương trình học và chính quyền địa phương thực hiện quản lý tài chính trên cơ sở được thông qua tại HĐND cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

Theo Nghị định 81, trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông công lập và học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên.

Theo đó, dịch Covid-19 lây lan vào Việt Nam, ngày 23/1/2020 Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tình trạng dịch bệnh và sau đó ban hành Chỉ thị 15, 16, 19 về các giải pháp phòng chống dịch. Do diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp nên đến thời điểm cuối tháng 8, Hà Nội và 19 tỉnh thành phố phía Nam vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa bàn thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch-19.

Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, Quảng Ninh cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ 100% mức thu học phí công lập cho trẻ em mầm non và học sinh các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Theo tính toán của chính quyền địa phương, ngân sách sẽ trích ra khoảng hơn 138 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh trong 9 tháng năm học này 2021-2022.

Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch trích ra 87 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương bố trí cho ngành giáo dục. Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ dành thêm nguồn ngân sách đáng kể để hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non ở các trường ngoài công lập nằm trong các khu công nghiệp với mức hỗ trợ dự kiến 200.000 đồng/trẻ em/tháng, giáo viên mầm non dân lập trong các khu vực này dự kiến sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng trong năm học 2021-2022.

Đại học giảm phí và tăng cho vay sinh viên

Cùng với việc miễn giảm học phí cho các cấp học mầm non và phổ thông từ nguồn ngân sách địa phương, qua quan sát của người viết bài đến cuối tháng 8, một số trường đại học đã bắt đầu triển khai các phương án miễn, giảm học phí và tăng hỗ trợ tài chính cho sinh viên và học viên ở các ngành học.

nhieu chinh sach ho tro hoc sinh sinh vien

Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tháng 7 đã áp dụng hỗ trợ mỗi sinh viên học online 1 triệu đồng - trừ vào tiền học phí. Mức hỗ trợ áp dụng cho tất cả hệ chính quy học online, tổng trị giá hỗ trợ sinh viên của nhà trường đợt này khoảng 23 tỷ đồng. Hay Trường Đại học Thương mại cũng quyết định giảm 7% học phí và hỗ trợ chi phí internet 4G trong suốt thời gian sinh viên học online, căn cứ số lượng tín chỉ, học phí và phí internet 4G sẽ được chuyển tới tài khoản của sinh viên.

Giáo dục đại học ở phía Nam cũng có những hỗ trợ rất đa dạng, các trường đại học Hoa Sen, Hồng Bàng quyết định giảm 5% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho tất cả sinh viên đang theo học. Một số trường đại học Văn Lang, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính... cũng quyết định không tăng học phí năm học tới như lộ trình dự kiến. Thậm chí, Đại học Ngoại thương ngoài việc giảm 7% học phí kỳ 1 với sinh viên chính quy, còn hỗ trợ thêm 500.000 đồng/sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đưa ra gói hỗ trợ sinh viên vay vốn tín dụng từ Quỹ học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất 0% trong suốt thời gian học tập.

Ở góc độ tín dụng cho học sinh sinh viên, được biết hiện nay khối các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã triển khai chương trình vay ưu đãi lãi suất 0% cho sinh viên trong học kỳ 1 năm học 2021-2022. Nguồn vốn vay lấy từ Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM, hạn mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/sinh viên/học kỳ, thời gian cho vay tối đa là 8 năm.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên. Theo đó, số tiền cho vay tối đa đối với sinh viên để trang trải chi phí học tập sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 4 triệu đồng/người/năm, thay vì 2,5 triệu đồng/người/năm như hiện tại.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, mức cho vay được điều chỉnh mới theo dự thảo lần này dự tính sinh viên có thể đảm bảo được 61% chi phí học tập tối thiểu hiện nay. Ngoài ra, việc bổ sung thêm các nhóm “hộ cận nghèo” và “hộ có mức sống trung bình” vào danh sách cho vay vốn cũng sẽ giúp hàng chục nghìn sinh viên có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng chính sách xã hội để học tập trong bối cảnh kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 2 năm vừa qua.

Chính phủ cho vay học sinh sinh viên lãi suất 0,55%/tháng

Ông Bùi Văn Sổn – Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành của Chính phủ, nguồn vốn cho vay đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hàng năm không bị giới hạn khống chế về số lượng và chỉ tiêu. Học sinh sinh viên hiện nay được vay 2.500.000 đồng/lần, với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng (6,6%/năm). Trường hợp trả nợ trước hạn vẫn được hưởng chính sách miễn giảm lãi suất so với lãi suất ưu đãi quy định ban đầu, không bị tính lãi phạt.

Gia đình, học sinh sinh viên hoặc bản thân học sinh sinh viên (đối với sinh viên mồ côi) đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để trang trải chi phí học tập sẽ được Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách tại khu phố, ấp nơi gia đình học sinh sinh viên thường xuyên sinh sống hỗ trợ. Cùng với Hội đoàn thể và Trưởng khu phố, ấp bình xét công khai gửi UBND phường, xã, thị trấn xác nhận, sau đó chuyển cho phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp quận, huyện xem xét phê duyệt, triển khai giải ngân tại xã.