Vietcombank đồng hành cùng Hội thảo và Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh 2017"
Ngày 5/12/2017, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017". Tham dự Hội thảo và Triển lãm có Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương cùng hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Về phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị đồng hành cùng chương trình, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng giám đốc cùng đại diện lãnh đạo một số phòng/ban Trụ sở chính đã tham dự sự kiện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh 2017"
Hội thảo và Triển lãm "Phát triển công nghiệp thông minh 2017" là sự kiện có quy mô lớn với chuỗi 4 hội thảo quốc tế; 1 triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 với sự tham gia của 50 doanh nghiệp tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực: Tự động hóa, rôbốt, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, phần mềm... Sự kiện là hoạt động thiết thực của các đơn vị tổ chức nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về phát triển công nghiệp quốc gia trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (hàng đầu, thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo – Triển lãm "Phát triển công nghiệp thông minh 2017"
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức to lớn đối với sự phát triển của từng quốc gia, các dân tộc cũng như mỗi cộng đồng, cá nhân và doanh nghiệp. Nhận thức sớm điều này, ngày 04/05/2017, Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã được ban hành. Để Việt Nam bắt kịp cuộc CMCN 4.0, cần thực hiện đồng thời 6 giải pháp : (i) Tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật theo kịp kinh tế số, công nghiệp thông minh; (ii) xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó, công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò hạ tầng của hạ tầng; (iii) phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế số; (iv) phát triển hệ thống đối mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành mọi lĩnh vực, có kế hoạch cụ thể và khả thi để phát triển và làm chủ hệ tri thức Việt số hóa, khơi dậy đam mê khát vọng; (v) cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần chung tay trong đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt, khai thác có hiệu quả các cơ hội to lớn của CMCN 4.0 mang lại; (vi) doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển công nghệ mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiến đời sống.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thứ 3 từ phải sang) thăm và chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng trưng bày triển lãm của Vietcombank
Phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng mong muốn nhận được những ý kiến của các đại biểu. Những ý kiến sẽ được tổng hợp để xây dựng chiến lược tổng thể về tiếp cận CMCN 4.0. “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới” - Thủ tướng khẳng định.
Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng giám đốc Vietcombank trình bày tham luận “Nâng cao sự hài lòng của khách hàng với các trải nghiệm số hóa trên thiết bị di động” trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số”
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào những nội dung chính có thể ứng dụng vào phát triển công nghiệp Việt Nam như: Kinh tế số hóa và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó tập trung vào đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá; Thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số và Chiến lược xây dựng đô thị thông minh.
Đại diện Vietcombank (thứ 4 từ phải sang) nhận kỷ niệm chương do Ban Tổ chức trao tặng
Phối hợp cùng Ban Tổ chức, Vietcombank đã tham gia công tác hỗ trợ nhiều chương trình hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm, bố trí gian hàng trưng bày giới thiệu các hoạt động của Vietcombank cũng như thông tin, tư vấn cho các đại biểu, nhà đầu tư quan tâm đến các lĩnh vực hoạt động của Vietcombank, tạo nên thành công chung của Hội thảo và Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh 2017".
Tham dự Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số”, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank đã trình bày tham luận “Nâng cao sự hài lòng của khách hàng với các trải nghiệm số hóa trên thiết bị di động”. Nội dung tham luận cho biết công nghệ số ứng dụng trong dịch vụ ngân hàng là xu thế tất yếu, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và cả ngân hàng, đây cũng là cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ số cho lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, đồng thời khẳng định Vietcombank luôn xác định phát triển sản phẩm, dịch vụ gắn với các giá trị cốt lõi của văn hóa và thương hiệu Vietcombank. Với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 tại Việt Nam, Vietcombank không ngừng nắm bắt xu thế, cập nhật những thành tựu mới của công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Có thể kể đến là dịch vụ VCB-Mobile B@nking với phiên bản mới, thiết kế giao diện hiện đại, thân thiện, dễ dàng sử dụng với các tính năng đa dạng bao gồm các dịch vụ tài chính cơ bản và hỗn hợp như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank, thanh toán hóa đơn cho nhiều nhà cung ứng dịch vụ (Bill Payment), thanh toán thẻ tín dụng, tiết kiệm trực tuyến, đặt vé và thanh toán vé máy bay, quản lý đầu tư, thanh toán bằng QR code…Bên cạnh dịch vụ VCB-Mobile B@nking, khách hàng của Vietcombank cũng có thể trải nghiệm và tận hưởng hình thức thanh toán NFC thông qua ứng dụng Samsung Pay. Chỉ với thao tác chạm nhẹ trên thiết bị di động, khách hàng đã có thể hoàn tất một giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ mà không cần dùng đến những chiếc thẻ ngân hàng vật lý. Trước xu hướng phát triển và ứng dụng các hệ sinh thái trên Mobile (Ecosystem), trong thời gian tới, Vietcombank cũng sẽ cho ra đời sản phẩm hệ sinh thái trên thiết bị di động và hy vọng sẽ mang đến nhiều sự trải nghiệm mới đa dạng cho khách hàng.
VCB News