Không biết truyền cảm hứng cho nhân viên thì đừng làm lãnh đạo ngân hàng?
Nếu sếp cứ tham nhũng, nhận hối lộ khi xét duyệt hồ sơ cho vay, tuyển dụng, đề bạt nhân sự,...thì bên dưới nhân viên cũng sẽ nhao nhao làm sai như vậy. Đối với nhân viên giỏi, họ sẽ bất mãn và lẳng lặng ra đi.
Lãnh đạo ngân hàng được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là từ cấp tổ trưởng/kiểm soát viên quản lý chỉ một vài nhân viên đến Tổng Giám đốc quản lý đến hàng chục ngàn nhân sự. "Dân" trong ngành vẫn thường nói với nhau về cái gọi là "cái tâm" và "cái tầm" của người lãnh đạo. Tuy nhiên, trong nội dung bài viết này, tác giả muốn nói đến một phạm trù khác đó là khả năng truyền cảm hứng của người lãnh đạo ngân hàng.
Dù bạn có năng lực tốt và đạo đức nghề nghiệp sáng ngời nhưng chưa chắc có thể giúp bạn trở thành người quản lý tốt tại ngân hàng. Qua những năm tháng công tác trong ngành, người viết thấu hiểu điều mà nhân viên ngân hàng cần hơn chính là được truyền cảm hứng và tình yêu công việc từ cấp trên của mình. Nhưng làm gì để có thể truyền cảm hứng nghề nghiệp và tình yêu công việc cho nhân viên?
Thứ nhất, đó là vai trò nêu gương của người lãnh đạo. Nếu làm lãnh đạo mà không biết nêu gương cho nhân viên thì không thể chỉ đạo nhân viên và khó thu phục nhân tâm. Nếu lãnh đạo cứ đi trễ về sớm thì nhân viên cũng sẽ không chấp hành nội quy cơ quan. Nếu lãnh đạo cứ tham nhũng, nhận hối lộ khi xét duyệt hồ sơ cho vay, tuyển dụng, đề bạt nhân sự,...thì bên dưới nhân viên cũng sẽ nhao nhao làm sai như vậy. Đối với nhân viên giỏi, họ sẽ bất mãn và lẳng lặng ra đi. Vì họ tin rằng một lãnh đạo như thế không xứng đáng để cấp dưới phụng sự và dốc hết tâm sức của mình cho công việc.
Thứ hai, đó là tinh thần chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Trong mọi trường hợp, mọi sai sót của Phòng/Ban/Chi nhánh/Phòng giao dịch,...thì người đứng đầu đơn vị đó phải là người đầu tiên và chịu trách nhiệm cao nhất. Đã qua rồi cái thời "lỗi tại người đánh máy" chứ không phải người ký văn bản. Nếu bạn làm lãnh đạo một Chi nhánh/Phòng giao dịch ngân hàng mà cứ đổ thừa cho cấp dưới hoặc cấp trên thì tốt nhất bạn không nên làm lãnh đạo. Vì bạn nên nhớ rằng, người ký chính trên chứng từ mới là người chịu trách nhiệm cao nhất chứ không phải là người soạn thảo, người ký nháy từ cấp dưới hay hay chỉ đạo miệng của cấp trên. Khi xảy ra rủi ro, nếu bạn là người lãnh đạo ký chính phê duyệt thì tốt nhất là bạn nên thẳng thắn chịu trách nhiệm với hậu quả do mình gây ra. Và đừng bao giờ nói "vì, do, tại, bởi..." cấp dưới hay cấp trên của mình.
Thứ ba, đó là công tác đào tạo, hướng dẫn nhân viên. Trước khi giao việc cho nhân viên, người lãnh đạo phải là người thầy có trách nhiệm đối với nhân viên của mình. Nếu bạn chưa từng hướng dẫn, đào tạo nhân viên thì bạn không thể trách khi nhân viên sai sót hoặc kết quả bán hàng kém. Nhưng một thực tế hiện nay, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng chưa quan tâm công tác đào tạo nhân viên, phần lớn nhân viên phải tự mài mò theo kiểu dân trong nghề gọi nôm na là "tự bơi". Chính vì tự bơi nên nhân viên nào giỏi thì thích nghi được, còn khá hoặc trung bình thì thường bị đuối. Dù bạn có kỹ năng bán hàng tốt, cứng nghiệp vụ nhưng nếu bạn không đào tạo được cho nhân viên của mình thì bạn chưa thể hiện hết vai trò của người lãnh đạo. Và đáng buồn khi đâu đó tại các ngân hàng vẫn còn tình trạng lãnh đạo sợ nhân viên giỏi hơn mình nên không hướng dẫn, đào tạo và tạo điều kiện cho nhân viên phát huy hết khả năng của mình.
Thứ tư, người lãnh đạo phải biết bảo vệ nhân viên của mình trong hoàn cảnh. Bảo vệ ở đây chính là bảo vệ khi nhân viên mình làm đúng nhưng bị khách hàng hoặc ngân hàng bạn hay Chi nhánh khác trong hệ thống chèn ép. Nếu bạn xem nhân viên như con em của mình bạn mới có hành xử đúng khi nhân viên bạn bị bắt nạt vô lý. Ví dụ khi nhân viên bạn thực hiện đúng quy tắc ứng xử, đúng quy trình nghiệp vụ nhưng vẫn bị các đơn vị khác chèn ép. Là người lãnh đạo, trong trường hợp này bạn phải biết bảo vệ nhân viên đến cùng; chứ đừng sợ va chạm với ai đó rồi lại a dua theo để chèn ép nhân viên của mình.
Thứ năm, người lãnh đạo phải luôn luôn thể hiện sự công bằng, khách quan trong công việc. Đây là một trong những nội dung khó thực hiện nhất của người lãnh đạo ngân hàng. Trong ngân hàng thường chằng chịt và đan xen các mối quan hệ tình cảm. Nào là con em của sếp, nào là người thân trong gia đình, thậm chí cả tình cảm nơi công sở,...thì rất khó để có sự công tâm và công bằng tuyệt đối. Nhưng nếu làm lãnh đạo ngân hàng mà bạn để tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến các quyết định trong công việc thì bạn nên suy ngẫm lại.
Thứ sáu, đó là sự chia sẻ trong công việc và quan tâm đời sống của nhân viên. Nhiều người lãnh đạo vô tâm đến gần như vô cảm với nhân viên của mình. Nhân viên thì đầu tắt mặt tối với khách hàng, với đống chứng từ...còn lãnh đạo thì lên "phây", lướt web hoặc đi nhậu. Rồi khi nhân viên chậm trễ hoặc có chút sai sót nhỏ thì la mắng nhân viên một cách thậm tệ. Đã là nhân viên ngân hàng, chắc nhiều bạn vẫn thường nghe cái câu rất thâm thúy của sếp mình là: "Tôi nói tiếng Việt chứ đâu phải tiếng Anh mà không hiểu". Những lúc nhân viên về trễ, vắt kiệt sức cho công việc, có bao giờ người lãnh đạo một lần gọi cho người thân của nhân viên mình xin lỗi vì để nhân viên về trễ hay không? Không chỉ trong công việc, những chuyện buồn vui thường nhật "cơm, áo, gạo, tiền" của nhân viên cũng rất cần được người lãnh đạo lắng nghe và chia sẻ. Có như thế, bạn mới xứng đáng là chỗ dựa tinh thần cho nhân viên, để từ đó nhân viên có thể dốc toàn tâm phụng sự cho bạn và cơ quan.
Thứ bảy, đó là tinh thần tiên phong của người thủ lĩnh. Làm lãnh đạo ngân hàng, bạn phải biết xông pha cùng nhân viên. Người lãnh đạo phải là người gánh vác công việc khó khăn hơn và nguy hiểm hơn. Nếu bạn đùn đẩy công việc cho nhân viên thì trong mắt nhân viên, lãnh đạo của họ rất tầm thường. Và nguy hiểm hơn, nếu toàn bộ các công việc quan trọng bạn đẩy hết cho nhân viên thì lâu dần nhân viên của bạn hoàn toàn có thể thay thế bạn. Và việc bạn ngồi ở chiếc ghế đó không còn ý nghĩa nữa.
Và sau cùng, người lãnh đạo phải luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh để tạo thêm niềm tin và động lực cho nhân viên. Khi ngân hàng trải qua biến cố hoặc giai đoạn khó khăn nhất, thay vì than vãn, bạn hãy biết động viên nhân viên cùng cố gắng để hướng về một tương lai xán lạn hơn. Nhưng động viên không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể. Những lúc ngân hàng bạn gặp sóng gió, bạn phải biết dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho công việc mà không phải lăn tăn việc được hay mất. Có như thế bạn mới là tấm gương sáng cho nhân viên và lan tỏa tình yêu công việc cho cấp dưới.
Nhiều ngân hàng cũng đã có những chương trình đào tạo, những hội thảo hoành tráng để truyền cảm hứng cho nhân viên. Tuy nhiên, việc truyền cảm hứng cho nhân viên chưa bao giờ thành công bằng lời nói suông hay lý thuyết mang tính hàn lâm sáo rỗng. Mà cảm hứng chỉ thức dậy trong lòng nhân viên khi họ có một người lãnh đạo thực thụ, đủ tâm và đủ tầm để thực hiện các công việc như đã nêu trên. Truyền cảm hứng cho nhân viên là một nghệ thuật và cũng là một bài luyện tập phải thực hiện hàng ngày đối với người lãnh đạo. Và một khi bạn không biết truyền cảm hứng và tình yêu công việc cho nhân viên thì bạn không nên làm lãnh đạo ngân hàng.