Hội thảo quốc tế: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Sáng ngày 25/11/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.
Chủ trì hội thảo có: Tiến sỹ Khoa học (TSKH) Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; bà Louise Chamberlain - Giám đốc UNDP tại Việt Nam; TS. Cao Đức Phát - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí cùng hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có sự tham dự của các diễn giả quốc tế như: Giáo sư Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge - MIT; ông John Rockhold - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư và kỹ thuật ABBO, Trưởng nhóm công tác về năng lượng của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Tiến sỹ Gary Rynhart, ILO, đồng tác giả của loạt bài nghiên cứu của ILO “Asean in transformation” về nguy cơ tự động hóa gây ra cho việc làm một số ngành. Đại diện Vietcombank, Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo.
TSKH. Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo
Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi các nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó cuộc CMCN lần thứ tư tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…, trong đó có Việt Nam. Với những vấn đề đặt ra, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu Hội thảo tập trung vào một số nội dung để nhận diện cuộc CMCN lần thứ 4 và hàm ý chính sách, những tác động đối với Việt Nam.
Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết:
Tại Việt Nam, nhận thức được những thành tựu, giá trị, xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động. Đối với ngành ngân hàng, các ngân hàng đã và đang đầu tư trang bị, triển khai ứng dụng các sản phẩm, giải pháp công nghệ là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Trên nền tảng công nghệ số, nhiều sản phẩm ngân hàng đã được phát triển như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, billing, và ứng dụng công nghệ contact-less trong thanh toán dịch vụ, định danh khách hàng...
Là một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam với trên 50 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) luôn đi tiên phong trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trong thời gian qua, nhận thức được tiềm năng và hiệu quả to lớn của cuộc CMCN lần thứ 4, Vietcombank đã chú trọng ưu tiên ứng dụng thành tựu công nghệ số vào hoạt động ngân hàng theo phương châm “nắm bắt thành tựu công nghệ mới nhất, ứng dụng vào phát triển hoạt động kinh doanh, cẩn trọng trong triển khai và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “CMCN lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”
Vietcombank đã triển khai từ rất sớm các giải pháp công nghệ điện toán đám mây cho hệ thống máy chủ tập trung; quản trị, phân tích dữ liệu hiện đại, và hiện đang dẫn đầu qui mô và hiệu quả của sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking, Thẻ,... Việc ứng dụng triển khai giải pháp bảo mật cũng đã được quan tâm và liên tục cập nhật bổ sung theo sự phát triển của thị trường và khoa học công nghệ. Vietcombank đã phát hành trên 16 triệu thẻ các loại, phục vụ trên 5 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Với sự đóng góp lớn của việc ứng dụng các thành tựu khoa công nghệ số, Vietcombank đã đạt được những kết quả ấn tượng trên các mặt hoạt động, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng bình quân trong giai đoạn 5 năm gần đây đạt trên 20%, cao hơn tốc độ tăng chung của ngành, chất lượng hoạt động được kiểm soát tốt, lợi nhuận trước thuế liên tục tăng trưởng và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, là một trong 10 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành cũng đã phân tích một số điểm mà Vietcombank đang phải đối mặt với những áp lực cả về chiến lược phát triển cũng như vận hành hoạt động, đồng thời đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng biến thách thức thành cơ hội trước những tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với trên 20 tham luận được trình bày tại Hội thảo của các chuyên gia cùng các góp ý, trao đổi và thảo luận của các đại biểu, có thể thấy rằng cuộc CMCN lần thứ tư đã tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong thời điểm hiện nay thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu đưa ra những chủ trương, đường lối cũng như việc ban hành những chính sách phát triển cho các lĩnh vực trong thời gian tới của Việt Nam.
VCB News