CAR ngân hàng cải thiện
Ảnh minh họa |
Xét riêng khu vực ngân hàng, CAR của khối NHTM có vốn Nhà nước và khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài đều được cải thiện nhẹ lên 9,61% và 25,90% từ các mức tương ứng là 9,52% và 25,88% tại thời điểm cuối năm 2018. Chỉ riêng khối NHTMCP là có CAR giảm từ mức 11,24% xuống còn 11,10%.
CAR của hệ thống TCTD, đặc biệt là khu vực ngân hàng được cải thiện là một tín hiệu vô cùng tích cực khi mà thời điểm áp dụng chuẩn Basel II đã cận kề. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến CAR của các nhà băng cải thiện trong thời gian qua cũng rất đáng chú ý.
Theo đó, để cải thiện CAR, không ít ngân hàng đã phải kiềm chế tốc độ tăng trưởng tổng tài sản; thậm chí có những trường hợp còn thu hẹp. Đó là chưa kể có những trường hợp mức độ rủi ro của tài sản tăng. Lấy ví dụ khối NHTMCP, mặc dù vốn tự có của khối này tăng tới 4,18% trong 4 tháng đầu năm lên 35.2305 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ tăng 1,64% lên 4.629.867 tỷ đồng, đáng lý CAR của khối này phải được cải thiện khá mạnh, thế nhưng trên thực tế nó lại giảm từ mức 11,24% xuống còn 11,10%.
Bên cạnh đó, vốn tự có của các ngân hàng được cải thiện chủ yếu nhờ các ngân hàng phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, trong khi vốn điều lệ chỉ tăng ở mức rất khiêm tốn: 0,75% đối với khối NHTM Nhà nước và 0,61% đối với khối NHTMCP. Tuy nhiên, việc tăng vốn tự có bằng nguồn trái phiếu là không bền vững và theo quy định hiện hành, bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày ký hợp đồng, giá trị khoản vay, nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 theo quy định phải được khấu trừ 20% giá trị khoản vay, nợ thứ cấp để đảm bảo đến ngày đầu tiên của năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, giá trị khoản vay, nợ thứ cấp tính vào vốn cấp 2 bằng 0.
Hơn thế, mặc dù đã được cải thiện, song nhìn chung là CAR của các ngân hàng nội hiện đang ở mức khá thấp. Đặc biệt CAR của khối NHTM có vốn Nhà nước chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiểu là 9% theo chuẩn Basel I hiện nay và chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ không đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn nếu tính theo chuẩn Basel II.
Trên thực tế, đến nay NHNN mới có văn bản cho phép 7 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn Basel II, trong đó khối NHTM Nhà nước chỉ duy nhất có Vietcombank.
Vì lẽ đó, mới đây Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho các NHTM Nhà nước tăng vốn điều lệ. Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặc dù đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp, nhưng các NHTM Nhà nước (ngoại trừ Vietcombank) vẫn không đáp ứng mức vốn tối thiểu 8% theo chuẩn mực của Basel II.
Trong khi các NHTM Nhà nước đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trên thị trường tiền tệ hiện nay. Theo đó, không chỉ chiếm tới 50% tổng tài sản và thị phần dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, mà các NHTM Nhà nước còn đóng một vai trò chủ lực và trụ cột, đi tiên phong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Bởi vậy theo Hiệp hội, nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng này sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế; đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống…
Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai các biện pháp ưu tiên, khẩn trương giải quyết nhu cầu cấp thiết về tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước. Trước mắt, cho phép các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn.