VIB sẽ tăng thêm 15.000 tỷ đồng vốn cấp 1 và cấp 2 trong năm nay

VIB sẽ tăng thêm 15.000 tỷ đồng vốn cấp 1 và cấp 2 trong năm nay

Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ngày 28/3 đã thông qua nội dung liên quan Kế hoạch vốn 2019.

Theo đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối đa 10.908 tỷ đồng trong năm 2019, tức tăng thêm 3.074 tỷ so với hiện tại. Trong đó, sẽ tăng vốn thêm tối đa 1.410 tỷ đồng tương đương 18% vốn điều lệ trước khi tăng qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Còn 1.664 tỷ đồng tương đương 18% vốn điều lệ trước khi chào bán và sau khi tăng vốn từ chia cổ phiếu thưởng tăng thêm sẽ thực hiện qua phát hành chào bán riêng lẻ. 

Riêng nội dung chào bán riêng lẻ, VIB có thể phát hành cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư, và/hoặc thông qua phát hành chào bán riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ trong phạm vi kế hoạch tăng vốn này.

Các kế hoạch chuẩn bị, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn tất việc tăng vốn sẽ được HĐQT chủ động thực hiện và báo cáo cổ đông trong năm 2019.

Với hơn 3.000 tỷ đồng vốn tăng thêm trong năm nay, VIB dự định sẽ dành hơn 2.000 tỷ để cấp tín dụng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có tình hình tài chính ổn định, tiềm năng phát triển, ưu tiên khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. 800 tỷ sẽ được dùng để đầu tư tài sản thanh khoản, cụ thể là đầu tư vào các chứng khoán là trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản cao là một phần trong cơ cấu bảng cân đối tài sản. Số tiền còn lại để đầu tư vào công nghệ, vào hệ thống mạng lưới…

Ngoài tăng vốn cấp 1, đại hội đồng cổ đông của VIB cũng đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế, bao gồm cả trái phiếu tăng vốn cấp 2, với tổng giá trị tối đa là 12.000 tỷ đồng tức khoảng 500 triệu USD và ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định các nội dung, các trình tự thủ tục liên quan đến việc phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật và thông lệ thị trường.

Như vậy, với các kế hoạch này, vốn cấp 1 và vốn cấp 2 của VIB năm nay sẽ được tăng thêm tới 15.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong bối cảnh các ngân hàng đều đang "khát" vốn để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel 2 cũng như các quy định khác của NHNN, trong đó có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Có nguồn vốn dồi dào, ngân hàng chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động kinh doanh để hướng tới mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 3.400 tỷ đồng như lời ông chủ tịch nhà băng này chia sẻ với cổ đông.