Quy định mới về đối tượng được gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, áp dụng từ 5/7/2019
ảnh minh hoạ
Từ ngày 5/7, người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.
Theo Thông tư 48/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 5/7/2019, công dân Việt Nam chưa đủ 15 tuổi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Đây là nội dung mới so với quy định cũ.
Ngoài ra, người gửi tiền tiết kiệm còn có thể là người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự…
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm, mức phí (nếu có), loại ngoại tệ nhận tiền gửi tiết kiệm,... sẽ được tổ chức tín dụng niêm yết công khai tại điểm giao dịch và trên website.
Cũng có hiệu lực từ 5/7/2019, Thông tư 49 về tiền gửi có kỳ hạn, đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn bao gồm: cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…Như vậy quy định này có điểm mới là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên là có thể gửi tiền theo kỳ hạn.
Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thời hạn gửi tiền không quá thời hạn hiệu lực của thị thực, quyết định thành lập/giấy phép hoạt động…
Người gửi tiền gửi có kì hạn chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của chính mình. Việc gửi, nhận tiền gửi có kỳ hạn có thể được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự mình thực hiện.