Tín dụng của Techcombank phụ thuộc vào các dự án của Vingroup

Trong quý I/2019, tăng trưởng cho vay mua nhà của Techcombank tăng mạnh nhờ việc giải ngân chương trình cho vay mua nhà tại các dự án VinCity (nay là Vinhomes Sapphire) của tập đoàn Vingroup.

Báo cáo của Techcombank cho biết, cho vay khách hàng của ngân hàng này đã tăng thêm khoảng 4 nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm 2019 lên mức 164 nghìn tỷ đồng. Đóng góp vào mức tăng trưởng này là quy mô các khoản cho vay dịch vụ ngân hàng cá nhân (PFS) tăng khoảng 6 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng doanh nghiệp (BB) tăng 3 nghìn tỷ đồng. Ngược lại cho vay của khối ngân hàng bán buôn (WB) giảm khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tăng trưởng danh mục PFS của Techcombank xuất phát từ khoản giải ngân 6.800 tỷ đồng cho vay mua nhà đối với dự án Vincity (đã được đổi tên thành Vinhomes Sapphire) của Tập đoàn Vingroup.

Trong các năm qua, Techcombank đã thực hiện chiến lược từ bỏ các sản phẩm cho vay có rủi ro cao như vay tiêu dùng tín chấp, vay thế chấp bất động sản để tập trung vào cho vay mua nhà để ở và mua ô tô dành cho khách hàng có thu nhập khá và cao.

Các sản phẩm cho vay mua nhà hiện chiếm 79% tổng cho vay dịch vụ tài chính cá nhân của Techcombank. Trong đó 90% là các khách hàng có thu nhập cao. Điều này đã mang lại mức tăng trưởng doanh thu vững chắc hơn cho trong mảng kinh doanh này của Techcombank. Đồng thời nợ xấu cho vay mua nhà cũng giảm mạnh từ 1,9% năm 2015 xuống còn 0,8% hiện nay.

Tín dụng của Techcombank phụ thuộc vào các dự án của Vingroup

Với quy mô cho vay khoảng 78 nghìn tỷ đồng, cho vay các dịch vụ tài chính cá nhân (PFS) – chủ yếu là cho vay mua nhà, chiếm khoảng 48% tổng cho vay khách hàng của Techcombank. Với kết quả diễn ra trong quý I, BVSC nhận định, khả năng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tiếp tục phụ thuộc nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.

Trong khi đó, cho vay khách hàng doanh nghiệp (BB) tăng trưởng khoảng 3.000 tỷ đồng là kết quả quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động từ tập trung vào sản phẩm sang chuỗi giá trị và các tiểu phân khúc trọng tâm của Techcombank.

Ngân hàng đã triển khai 2 tiểu phân khúc trọng tâm đầu tiên là Thực phẩm và đồ uống và Bất động sản mang lại kết quả tích cực. Dư nợ và huy động bình quân của các khách hàng BB đều tăng mạnh năm ngoái. Đồng thời tổng thu nhập hoạt động của nhóm khách hàng này tăng 27% trong năm 2018, nhờ cải thiện doanh thu bình quân.

Từ giữa năm ngoái, ngân hàng đã thực hiện chương trình 0 đồng cho khách hàng doanh nghiệp trên F@ST Ebank nhằm tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng giao dịch và tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm (CASA).

Trên thực tế, quy mô tín dụng của Techcombank còn bao gồm số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 55 nghìn tỷ đồng, giảm 4 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2018. Theo báo cáo của BVSC, lợi nhuận của Techcombank trong quý I đã vượt kỳ vọng nhờ lợi suất trái phiếu tăng (từ 7% trong quý I/2018 lên 10% trong quý I/2019). Ngoài ra, dự phòng rủi ro tín dụng trong quý này của ngân hàng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Năm ngoái, toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank đã được dùng vào việc tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 13% và có thể xin nới hanh mức sau khi được áp dụng Basel 2 từ 1/7.

Tuy nhiên báo cáo của BVSC cho rằng nhiều ngân hàng đang nộp hồ sơ xin áp dụng Basel 2, do đó hạn mức được tăng thêm sẽ không nhiều đối với mỗi ngân hàng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Ngoài ra, thị trường bất động sản chững lại có thể khiến nhu cầu vay vốn không tăng mạnh như các năm gần đây.