Ứng trước tài khoản cá nhân

Nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng trước tài khoản cá nhân giúp cho người trẻ có cơ hội chi tiêu tài chính khi cần thiết. Sau đó, các ngân hàng còn có các công cụ hỗ trợ quản lý nợ vay hiệu quả để người vay có thể không rơi vào tình trạng “nợ bủa vây”.

Ngân hàng có thể giúp các bạn trẻ quản lý và sử dụng tài chính một cách tốt hơn

Theo chia sẻ của một lãnh đạo công ty tài chính tiêu dùng có trụ sở tại TP.HCM, hiện nay để có thể tích lũy tài chính cá nhân, trước hết mỗi người cần hiểu về quản lý chi tiêu, tức là kiểm soát được các nguồn thu cũng như nguồn chi của mình. Điều quan trọng là biết cân bằng hợp lý giữa hai nguồn này.

Theo đó, bạn cần ghi ra giấy mỗi tháng mình có bao nhiêu tiền, từ những nguồn nào (lương, làm thêm, được cho...), lập danh sách những khoản chi của mình (thực phẩm, đi lại, giáo dục, nuôi dưỡng các mối quan hệ...). Hãy viết những con số chính xác, cụ thể chứ không nên áng chừng. Làm càng chi tiết thì bạn càng quản lý tài chính cá nhân tốt.

Ngoài ra, ghi chép sẽ giúp bạn kiểm soát được các khoản lỡ chi. Khi làm được những điều như trên, thì mỗi tháng, bạn hãy xem mình đã thực sự chi tiêu hợp lý chưa, ví dụ có cần thiết phải đi xe tay ga tốn xăng hay chỉ cần đi xe số, thực phẩm có nhất thiết phải mua những loại đắt tiền hay chỉ cần tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng…

Không dừng lại ở lời khuyên cá nhân, vị chuyên gia tài chính trên cũng đưa ra một số gợi ý giúp các bạn trẻ tiết kiệm như lựa chọn nơi mua hàng, so sánh các địa chỉ để tìm được chỗ mua với giá rẻ. Khi mua hàng trực tuyến phải xem xét nếu món hàng không như ý liệu có trả lại được không, có đòi được tiền lại không. Hãy thông minh trong tính toán thực đơn, tiết kiệm thực phẩm, sử dụng các gói cước điện thoại; sáng tạo khi tái sử dụng vật liệu...

Rồi để tiết kiệm, bạn cũng nên lập kế hoạch chi tiêu ngay từ đầu tháng: Bao nhiêu cho ăn uống, bao nhiêu cho đi lại, bao nhiêu cho điện thoại. Có thể có những khoản dự trù cho kế hoạch xảy ra.

Về lý thuyết, vị chuyên gia trên chia sẻ rằng, mỗi người có thể chia khoản thu của mình thành ba phần, 20% để dành, 30% để làm những việc bạn muốn, 50% là phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Tất nhiên, đây chỉ là một con số tham khảo, bạn có thể chọn cho mình một tỷ lệ mà cảm thấy hài lòng, tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Để quản lý tốt tài chính bạn cũng cần có những kỹ năng nhất định như quản lý tốt cảm xúc của mình. Nếu rất nhiều phụ nữ khi buồn đi shopping để giải tỏa tâm trạng, khi vui đi shopping để vui hơn, thì nam giới lại có tâm lý thích thể hiện và sĩ diện khi chi tiêu, sẵn sàng sử dụng công nghệ đắt tiền nhưng không thực sự cần thiết. Nhiều người bước chân vào siêu thị cái gì cũng muốn mua, vì thế trước khi đi nên ghi những gì cần mua, vừa tiết kiệm được thời gian vừa tiết kiệm được tiền bạc. Bạn cần có kỷ luật với bản thân, hãy nói không với những món đồ mình muốn nhưng không cần thiết.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng, tiết kiệm không có nghĩa là cự tuyệt với các khoản chi, đây là kẹt xỉn, ky bo chứ không phải là tiết kiệm. Cứ rẻ là mua cũng chưa chắc đã giúp bạn tiết kiệm, bởi thường thì tiền nào của ấy. Một cái sạc pin điện thoại rẻ tiền mua ven đường dùng một vài tháng đã hỏng. Một cái chất lượng mua ở những cửa hàng có thương hiệu, đắt hơn khoảng 2-3 lần có thể dùng được cả năm. Nhiều người nghĩ rằng đã thiếu tiền thì không thể tiết kiệm. "Đây là một suy nghĩ rất sai lầm", ông nhận xét.

Bạn nên nhớ, tích tiểu thành đại, từ những cái ít thì sau này mới có cái nhiều. Ngoài ra, nếu khó khăn, bạn có thể sử dụng nguồn lực từ người khác để dễ tiết kiệm hơn, ví dụ sống cùng bố mẹ, họ hàng đỡ tốn kém hơn ở riêng, thuê trọ cùng với người khác sẽ giảm chi phí so với sống một mình.

Và nếu sau khi sử dụng tất cả các bước nêu trên mà bạn vẫn cảm thấy chuyện tiết kiệm quá khó với bản thân thì lúc này bạn có thể nhờ cậy đến sự trợ giúp của các chuyên gia tài chính. Đó chính là ngân hàng, là các công ty tài chính luôn sẵn sàng ủng hộ bạn về khoản chi tiêu, về việc thiết lập một chế độ tài chính cá nhân hữu hiệu nhất cho mỗi người.

Chẳng hạn như trường hợp bạn không thể có tiền để dư, nhưng bạn có công việc ổn định thì các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc mở thẻ tín dụng, cho vay thấu chi, cho vay tiêu dùng trả góp… Sau khi hỗ trợ cho vay, ngân hàng cũng như công ty tài chính cũng không quên hỗ trợ người vay biết cách phân bổ tài chính hàng tháng để cân đối giữa chi tiêu và trả nợ. Từ đó, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể tự tin sống một cuộc sống chất lượng hơn, bắt đầu từ những kiến thức nền tảng về chi tiêu và vay nợ.

Ví dụ, Nguyên là một nhân viên thiết kế đồ họa với mức lương hiện tại là 10 triệu đồng/tháng. Để nâng cao chất lượng công việc, Nguyên cần mua một chiếc laptop. Anh có thể lựa chọn tiết kiệm trong 7 tháng để mua được chiếc laptop này hoặc mua theo hình thức vay trả góp. Cuối cùng anh đã chọn mua trả góp chiếc Dell Vostro 3578 i7 có giá 20,99 triệu đồng trả góp trong 12 tháng qua một công ty tài chính tại cửa hàng Thế giới Di động vì thủ tục nhanh gọn chỉ cần có CMND và bằng lái.

Nhờ chiếc laptop mới, Nguyên đã cải thiện chất lượng công việc và được tăng lương lên 13 triệu đồng... Rõ ràng, chuyện tích cóp hay vay nợ đều là những hành vi tốt, một khoản đầu tư giá trị cho sự nghiệp và tương lai.

Như vậy, chỉ cần việc rèn luyện thói quen chi tiêu có kế hoạch một cách nghiêm túc, chúng ta không chỉ chủ động hơn, mà còn có thể khai thác hiệu quả các khoản nợ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Và nói như một chuyên gia có kinh nghiệm thì “không có cách tiết kiệm tốt nhất cho tất cả mọi người nhưng luôn có cách phù hợp nhất để bạn lựa chọn”…