Sacombank sẽ trở lại sớm hơn dự kiến
Sáng ngày 20/4/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2017.
Ngoài các tờ trình gửi tới cổ đông thông qua thì phần thảo luận của cổ đông cũng là nội dung rất được chú ý, và là tâm điểm của đại hội.
Cổ đông đòi quyền lợi, lãnh đạo ngân hàng nói gì?
Mở đầu phần thảo luận, cổ đông của Sacombank hỏi vì sao các ngân hàng khác đua nhau trả cổ tức mà ngân hàng này lại không? Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT cho biết, sau khi sáp nhập Phương Nam vào Sacombank, ngân hàng trình đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, tháng 6/2017 mới được phê duyệt, 30/6 mới đại hội cổ đông và ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải dùng lợi nhuận để trích các quỹ nhằm tăng năng lực tài chính cho ngân hàng.
"Chúng ta có đến hơn 21.000 tỷ đồng lãi dự thu, tức là lãi giả mà lỗ thật, nếu thu hồi được thì lãi là thật và không thì là lãi giả, và phải trích lập dự phòng cho các khoản này" – ông Minh thẳng thắn nói về tình hình xấu của ngân hàng.
Một cổ đông khác thì hỏi về thu nhập của nhân viên ra sao, vì sao lại trích lợi nhuận vượt kế hoạch để chi thưởng cho người lao động? Chủ tịch ngân hàng cho biết, quy mô của Sacombank tương đương Eximbank, ACB, MB…nhưng cuối năm 2017 lương bình quân của Sacombank chỉ 14 triệu đồng/tháng, của Eximbank hơn 14 triệu, ở ACB là 21 triệu đồng, của MB là 26 triệu đồng. Nếu tính thêm cả thu nhập khác thì tổng cộng bình quân người làm ở Sacombank chỉ có 16 triệu/tháng - thấp hơn nhiều mức thu nhập bình quân của ACB là 26 triệu, Eximbank là 21 triệu và MB là hơn 30 triệu đồng.
"Do thu nhập thấp, lương thấp nên nhiều cán bộ Sacombank đã bỏ việc, có tới 35% số người xin thôi việc. Mức lương của Sacombank không thể cạnh tranh được với thị trường, bị các ngân hàng khác lôi kéo nên ngân hàng đang tính toán đẩy lương kinh doanh lên để giữ nhân tài" – ông Minh nói. Ngoài ra, việc thưởng thêm cho người lao động từ phần lợi nhuận vượt kế hoạch cũng đã xin ý kiến và được cổ đông thông qua.
Một cổ đông khác trong khi đó thắc mắc rằng tại sao không dùng phần lợi nhuận giữ lại để đầu tư kinh doanh mà lại chia thưởng cho nhân viên, như thế là mâu thuẫn, là không tôn trọng người bỏ tiền ra đầu tư? Chủ tịch Sacombank cho biết, vấn đề cổ tức là do NHNN quyết định theo đề án cơ cấu đã duyệt. Hội đồng quản trị sẽ xin ý kiến để điều chỉnh việc này, còn nhà đầu tư có thể lựa chọn chờ nhận cổ tức hoặc là bán cổ phiếu đi.
"Muốn ngân hàng phát triển được thì phải đầu tư con người. Các bác là cổ đông tức là chủ, là chủ thì trả lương cho người lao động để họ làm tốt hơn. Tôi cũng là cổ đông, tôi là chủ lớn nhất, chúng tôi đã rất cố gắng trong thời gian qua và tôi phải chịu không cổ tức thì các bác cũng phải chịu theo tôi" – ông Minh nói và thêm rằng, nếu nói về mức độ thiệt thòi thì ông mới là người thiệt thòi nhất.
Đẩy nhanh tái cơ cấu trong 3 năm
Nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến tình hình hoạt động, đầu tư của ngân hàng đã được ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm trả lời thẳng thắn.
Cập nhật về tình hình hoạt động, bà Diễm cho biết trong quý 1 ngân hàng đã có lợi nhuận trước thuế hơn 500 tỷ đồng, hoàn thành 27,7% kế hoạch cả năm. Hoạt động xử lý nợ xấu cũng đã có lộ trình chi tiết cho từng quý và sẽ đưa tỷ lệ từ hơn 4,2% hiện nay xuống dưới 3% vào cuối quý 4/2018 với ít nhất 15.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm nay.
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT trả lời câu hỏi của cổ đông
Ông Dương Công Minh thì nhắc lại nhiều lần rằng khi vào ngân hàng, ông đặt mục tiêu tái cơ cấu trong 5 năm dù rằng đề án cho tới 10 năm để xử lý dứt điểm các tồn đọng. Và ông tính toán nhanh có thể chỉ mất 3 năm, chậm mới đến 5 năm, và khi tái cơ cấu xong, cổ đông sẽ có cổ tức đều đặn, năm sau cao hơn năm trước.
Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ xin NHNN cho chỉnh sửa đề án tái cơ cấu để năm nay hoặc chậm nhất là năm sau có thể được trích lợi nhuận chi trả cổ tức cho cổ đông.
Niềm tin đang trở lại
Không chỉ là các vấn đề liên quan cổ tức, hoạt động, mà cổ đông còn thẳng thắn đặt ra các vấn đề họ muốn ý kiến, muốn được lãnh đạo ngân hàng biết và muốn thấy được sự quyết tâm hơn từ phía những người điều hành ngân hàng.
Hai vị cổ đông có tuổi, là người từng có những phát biểu rất gay gắt trong các đại hội cổ đông thời kỳ ông Trầm Bê làm phó chủ tịch thường trực – thì bày tỏ niềm vui khi thấy ngân hàng đã có những tiến triển rõ rệt kể từ khi ông Dương Công Minh bước vào ngân hàng.
"Tôi thấy cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại. Ban điều hành đã đưa kết quả kinh doanh có lãi cao hơn, tôi mong HĐQT tiếp tục điều hành như thế để có lợi hơn cho ngân hàng", một cổ đông nói. Còn cổ đông thứ hai thì mong muốn Ban điều hành cố gắng hơn nữa để ngân hàng ngày càng phát triển, bà nói: "Tôi mong chủ tọa đoàn thể hiện lời hứa và sự quyết tâm để cổ đông và những người khác an lòng", sau đó ông Dương Công Minh đứng lên hứa quyết tâm tái cơ cấu trong 3 - 5 năm.
Một cổ đông khác trong khi đó phản đối việc cho rằng cổ phiếu tăng nhờ hoạt động tốt lên, và theo ông giá tăng là theo xu hướng, còn điều hành "chưa có gì đáng khen". Tuy nhiên ông Minh không đồng tình và phản biện lại cổ đông rằng, nếu nội tại ngân hàng không tốt, nếu không xử lý được nợ xấu, không tái cơ cấu thì cổ phiếu không thể tăng được.
"Nói rằng trên thị trường cổ phiếu tăng là xu hướng, vậy tại sao có nhiều cổ phiếu chẳng thể tăng nổi, rồi có nhiều cổ phiếu phải "out" khỏi sàn?, Nếu ngân hàng không hoạt động tích cực thì không thể đi lên được", ông Minh trả lời cổ đông và nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng nhiệt tình từ các cổ đông khác.
Không chỉ là cổ đông, phía cơ quan quản lý cũng bày tỏ niềm tin với hoạt động của ngân hàng này. Theo ông Võ Văn Thuần – Phó cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng TP.HCM, thì năm 2017 Sacombank đã có những bước tiến vượt bậc. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, huy động, dư nợ cho vay đều tăng trưởng, đặc biệt lợi nhuận trước thuế tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2016. Đó là thành quả từ nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn của Sacombank đã được cổ đông thông qua.
Lãnh đạo NHNN và Sacombank chúc mừng 2 thành viên mới của HĐQT là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm và ông Nguyễn Văn Huynh.
Hơn nữa, đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm và không được chia cổ tức nhưng Sacombank phấn đấu sẽ hoàn thành trong 5 năm. Sacombank còn trình NHNN tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 13% lên 18%. "Chúng tôi đánh giá cao tinh thần và sự quyết tâm đó của Sacombank"- ông Thuần nói và đề nghị Sacombank tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương án tái cơ cấu cũng như có các kế hoạch kinh doanh phù hợp với ngân hàng, củng cố niềm tin của cổ đông.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018 vừa công bố, đến cuối tháng 3 Sacombank có tổng tài sản hơn 381.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục theo định hướng phân tán, cho vay khách hàng hơn 229.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm. Tổng thu nhập thuần đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, tương đương 27,4% kế hoạch cả năm.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ