Sacombank hoàn thành xuất sắc Dự án “Tài chính Nông thôn III”
Đại diện Sacombank, ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc (giữa) nhận các thành tích thực hiện xuất sắc Dự án Tài chính Nông thôn III |
Dự án RDF III được WB bắt đầu phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện triển khai từ năm 2009 với tổng hạn mức giải ngân là 200 triệu USD. Đến nay, Dự án đã đạt những thành công quan trọng trong việc giúp hàng nghìn hộ gia đình nông dân kịp thời đổi mới máy móc phục vụ nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản. Ngoài ra, thông qua Dự án, các định chế tài chính có cơ hội tăng cường năng lực thể chế nói chung và trong lĩnh vực quản lý tài chính nông nghiệp nói riêng, đồng thời cân đối được nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng ổn định nhu cầu vay vốn của khách hàng. Đặc biệt, cũng tại Dự án này, các ngân hàng lần đầu tiên tiếp cận hướng phát triển nông nghiệp hiện đại thông qua việc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn yêu cầu bảo vệ môi trường và Báo cáo kiểm toán môi trường.
Nhận xét về Dự án RDF III, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng thương mại và cho rằng cần xem sự thành công của Dự án là hình mẫu cho các dự án vay vốn ODA khác mà Việt Nam đang triển khai học tập kinh nghiệm.
Những thành tích này đã khẳng định những nỗ lực bền bỉ, mạnh dạn tiên phong tiếp cận các giải pháp kinh doanh mới của Sacombank trong suốt những năm qua. Sau 5 năm triển khai Dự án, Sacombank đã được cấp hạn mức tín dụng lên đến 650 tỷ đồng từ mức 100 tỷ đồng ban đầu và luôn luôn đạt tỷ lệ giải ngân là 100% hạn mức được cấp. Trong cả hai cấu phần của Dự án (RDF III và MLF III), Sacombank đều tham gia tích cực, triển khai đến 30 tỉnh thành tại hơn 100 điểm giao dịch, với tổng dư nợ giải ngân lũy kế đến thời điểm 30/6/2014 là 2.300 tỷ đồng, cung ứng nguồn vốn đến 38.000 khách hàng, trong đó khách hàng nữ chiếm 47% và có đến gần 18.000 việc làm mới được tạo ra từ Dự án. Đây là những bước tiến căn bản để Sacombank xây dựng mô hình tài chính hướng về nông thôn bền vững và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, một điển hình thụ hưởng Dự án thành công tiêu biểu tại Sacombank đến từ tỉnh Đắk Nông, chia sẻ rằng nguồn vốn của Dự án đã giúp ông phát triển mở rộng diện tích trồng cây cà phê, qua đó đã cải thiện điều kiện sống của gia đình cũng như tạo ra công ăn việc làm cho 3 nhân công.
Một điển hình thành công khác trong Dự án này là chị Trần Kim Oanh đến từ An Giang, là một khách hàng tham gia cấu phần Tài chính Vi mô của Dự án cho biết khoản vay từ dự án MLF III đã bổ sung nguồn vốn lưu động cho hộ kinh doanh của chị tại chợ Mỹ Xuyên, với chính sách cho vay và thu vốn linh hoạt nên chị và các tiểu thương ở chợ không còn lâm vào tình cảnh thiếu hụt vốn xoay vòng trong kinh doanh hay phải vay “nóng”. Điều này góp phần hạn chế và dần xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen” tại khu vực nông thôn.
Với kinh nghiệm đã tích lũy được, Sacombank đang tiếp tục tìm kiếm thêm các cơ hội tăng cường hợp tác với các định chế tài chính trong và ngoài nước trong các dự án phát triển kinh tế Việt Nam sắp tới.