OCB hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn giá rẻ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ dù chiếm đến 98% trên tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng vẫn có hơn 2/3 số doanh nghiệp này chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
OCB triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh minh họa
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và chuỗi cung ứng, với mức lãi suất dao động 7%/năm, kỳ hạn lên đến 3 năm.
Nguồn vốn xuất phát từ sự hợp tác giữa OCB và Cơ quan Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên thuộc Ngân hàng thế giới (World Bank) sau thỏa thuận tài trợ vốn lên tới 100 triệu USD của IFC.
Tiếp cận gói tín dụng 3.000 tỷ đồng này của OCB, bên cạnh mức lãi suất tốt, khách hàng còn được trải nghiệm nhiều ưu đãi về phí dịch vụ ngân hàng trong thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền khác.
OCB cũng đang phối hợp với IFC để song song tiến hành giải ngân các khoản vay theo chương trình, triển khai ứng dụng công nghệ để ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân và thanh toán. Qua đó cho phép theo dõi chặt quy trình gắn với chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp trong thực tế, cũng như giúp doanh nghiệp thuận tiện đón vốn giải ngân, quản lý dòng tiền…
Doanh nghiệp vừa và nhỏ dù chiếm đến 98% trên tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn có hơn 2/3 số doanh nghiệp này chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Lý giải điều này, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, phổ biến đều là tình trạng thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không mạnh, yếu về thủ tục hành chính... Do đó khó đáp ứng yêu cầu hồ sơ vay của ngân hàng.
"Từ đó dẫn đến việc nhiều đơn vị tìm vốn phi chính thức, lãi suất cao hơn nhiều so với vốn vay phổ biến trên thị trường, càng chênh lệch cao so với vốn vay ưu đãi và thậm chí có khi nặng gánh áp lực kinh doanh vì tín dụng đen", ông Việt Anh chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có việc giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15 - 17%. Cùng thời điểm này, theo Thông tư số 42 của Ngân hàng Nhà nước về việc hạn chế cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi 7% của OCB sẽ là giải pháp thay thế hữu hiệu giúp doanh nghiệp thoát nỗi lo vốn vay.
Cũng theo đại diện OCB, gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng này được kỳ vọng sẽ kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bài bản (theo chuỗi cung ứng), tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc nhóm xác định ưu tiên, qua đó, tăng năng lực cạnh tranh của khối kinh tế tư nhân chủ lực.
Bên cạnh gói vay ưu đãi trên, IFC còn cung cấp cho OCB "Chương trình tư vấn phát triển tài trợ chuỗi cung ứng" (SCF - Supply Chain Finance). Chương trình gồm 3 giai đoạn: xây dựng mô hình vận hành chuỗi, lựa chọn và tích hợp nền tảng công nghệ kết nối, xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh.
Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở một số nước trong khối ASEAN tỷ lệ này cao hơn nhiều, điển hình tại Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%.
OCB tham gia tài trợ chuỗi, trong đó OCB sẽ giữ vai trò là ngân hàng cung cấp giải pháp hợp tác cho người mua và người bán, cho phép các bên tiếp cận được nguồn tài trợ vốn lưu động mà không cần tài sản thế chấp, tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua./.