Thanh toán không tiếp xúc lên ngôi

Khi thực hiện thanh toán không tiếp xúc, người dùng chỉ cần vẫy, chạm nhẹ lên máy POS, mà vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật.

Xu hướng tất yếu của cuộc sống hiện đại

Thực tế, hình thức thanh toán không tiếp xúc đang dần trở thành xu hướng dẫn đầu trong thời đại công nghệ 4.0, bởi tính tiện dụng và an toàn của nó. Theo khảo sát của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018, thì 85% số người được khảo sát biết về các hình thức thanh toán không tiếp xúc, trong đó 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Ngoài ra, số lượng người tiêu dùng đã thực hiện thanh toán không tiếp xúc cũng nhiều hơn so với hai năm trước.

Hiện nay, người tiêu dùng, các DN, nhà bán lẻ và các tổ chức tài chính, ngân hàng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu đón nhận hình thức thanh toán hiện đại này. Cụ thể, vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Sacombank, Techcombank, ABBank, ACB, SCB... đã “bắt tay” với những tổ chức phát hành thẻ quốc tế, trong đó có Visa để triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc trên nhiều dòng thẻ. Với công nghệ thanh toán không tiếp xúc, chủ thẻ có thể tiết kiệm thời gian khi chỉ cần đặt gần, lướt hoặc vẫy nhẹ thẻ lên máy POS để thanh toán, lập tức, giao dịch được thực hiện thành công, đảm bảo an toàn.

 Nhận thấy giá trị và tính tiện ích của thanh toán không tiếp xúc, nhiều DN, hộ kinh doanh cá thể đã đưa công nghệ này vào hoạt động thanh toán, thu ngân bởi chi phí thấp, đơn giản, phục vụ tốt hơn người tiêu dùng. Điển hình, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán café, khu du lịch, khu giải trí như như Saigon Coop, Lotte Mart, eMart, các chuỗi rạp chiếu phim CGV, BHD và chuỗi Starbucks, The Coffee House... đã trang bị hệ thống chấp nhận thanh toán không tiếp xúc với nhiều chương trình ưu đãi khiến cho việc thanh toán trở nên đơn giản, dễ dàng hơn bao giờ hết.

Công nghệ của tương lai

Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ công nghệ thanh toán không tiếp xúc “lên ngôi” và trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia là bởi người dùng đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và hơn 1/2 dân số Việt Nam sử dụng smartphone.

Đặc biệt, về hành lang pháp lý, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, NHNN đã có Công văn số 1524/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ chủ động triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi đã quy định. Việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip sẽ gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu tham gia tại thị trường Việt Nam từ rất sớm, đến nay Visa đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc, góp phần đưa công nghệ này trở thành trào lưu mới tại thị trường Việt Nam. Công nghệ thanh toán không tiếp xúc của Visa có thể được ứng dụng với thẻ tín dụng, ghi nợ, thẻ trả trước, sử dụng được trên cả điện thoại và smart watch. Để thanh toán, khách hàng chỉ cần chạm nhẹ, hoặc đặt thẻ trước máy POS/mPOS chấp nhận thanh toán với thời gian xử lý chỉ dưới 0,5 giây, đảm bảo sự an toàn, nhanh chóng. Đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, điều này sẽ giúp tăng hiệu suất kinh doanh do giảm thiểu được việc xử lý tiền mặt, tránh nhầm lẫn, mất mát. Cùng với đó, thời gian giao dịch nhanh đồng nghĩa với việc khách hàng đỡ mất thời gian xếp hàng, chờ đợi và được phục vụ tốt hơn.

Thực tế, thời gian qua Visa đã triển khai công nghệ thẻ chip EMV khá thành công tại Việt Nam, cho đến tháng 10/2018, tất cả các thẻ Visa được phát hành tại Việt Nam đều được trang bị công nghệ chip thanh toán không tiếp xúc (công nghệ EMV Contactless Chip). Để thúc đẩy nhanh việc thanh toán không tiền mặt, Visa đã ra mắt Lộ trình an ninh thanh toán cho Việt Nam, tập trung khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tăng cường mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ để đem lại lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên để khai thác tiềm năng của loại hình thanh toán hiện đại này, theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, thì Việt Nam cần một giải pháp đồng bộ, phối hợp giữa các bên liên quan từ Chính phủ cho đến tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty thanh toán điện tử và điểm chấp nhận thẻ để xây dựng một chương trình đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ thanh toán không tiếp xúc, góp phần xây dựng một Việt Nam “không tiền mặt” và giúp biến công nghệ này trở thành xu hướng tất yếu trong xã hội văn minh, phát triển.