Thanh toán công nghệ thắng thế
Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh, Việt Nam đang là mảnh đất giàu tiềm năng cho các nhà kinh doanh đầu tư vào hoạt động thương mại có thanh toán không dùng tiền mặt.
Công ty cung cấp dịch vụ và công nghệ thanh toán toàn cầu Mastercard cuối tuần qua đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Transfast – một công ty thanh toán toàn cầu với mạng lưới xuyên biên giới. Theo Phó chủ tịch điều hành của Mastercard, Stephen Grainger, thương vụ của Mastercard với Transfast góp phần xây dựng những phương thức thanh toán nhanh chóng hơn và có tính dự đoán cao trên toàn cầu. Người dân và DN kỳ vọng vào các hình thức thanh toán theo thời gian thực (real-time payments) ổn định và có thể dự đoán, bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại cũng như nhu cầu hàng ngày. Hiện tại, với sự góp mặt trong 90% lưu lượng GDP toàn cầu, Mastercard đang ở vị thế hàng đầu để hỗ trợ các yêu cầu xuyên biên giới của họ.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc điều hành của Transfast Samish Kumar cho rằng, với độ phủ toàn cầu của Mastercard sẽ bổ sung cho mạng lưới tiếp cận lên đến hơn 100 quốc gia của Transfast. Theo đó, sẽ phát triển trong lĩnh vực thanh toán liên tài khoản (account-to-account), giúp cho các tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ mở rộng quy mô tăng trưởng kinh tế.
Sự kiện Mastercard thâu tóm Transfast phát đi một thông điệp về thế giới thanh toán bằng phương thức công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Ở Việt Nam, Mastercard bên cạnh Visa, cung cấp mạng lưới xử lý các giao dịch thanh toán nhanh nhất trên thế giới, kết nối người tiêu dùng, các định chế tài chính, DN. Nhiều TCTD đã liên kết với Mastercard cho ra các sản phẩm thẻ tín dụng, phục vụ hoạt động mua sắm, du lịch, kinh doanh và quản lý tài chính.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, NHNN tính đến quý I/2019 tổng số lượng thẻ đã phát hành trên cả nước vào khoảng 90 triệu thẻ. Trong đó, tổng số thẻ quốc tế (chủ yếu Mastercard và Visa) phát hành tại Việt Nam đã lên đến trên 12 triệu thẻ quốc tế tăng 1,6 triệu thẻ so với cùng kỳ năm 2018; trong khi đó thẻ nội địa trong quý I năm 2019 đạt 76,8 triệu thẻ giảm khoảng 4,6 triệu thẻ so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù, chưa có thống kê giá trị giao dịch thẻ nội địa với thẻ quốc tế đang lưu hành ở Việt Nam. Nhưng các chuyên gia thẻ cho rằng, thẻ nội địa cho đến nay người Việt chủ yếu sử dụng như một chiếc ví cất giữ tiền, khi cần lại sử dụng rút tiền mặt đẻ chi tiêu. Trong khi đó, các thẻ quốc tế do hai tổ chức Mastercard và Visa đang cùng với các TCTD ăn chia phí của người tiêu dùng thẻ thanh toán mua sắm. Nhiều ngân hàng trong nước thời gian qua liên kết với Mastercard và Visa để phát hành thẻ tín dụng “cho bằng bạn bằng bè”, nhưng doanh số thanh toán các loại thẻ tín dụng của ngân hàng nhỏ và chưa có thương hiệu nên thu không đủ bù chi cho các tổ chức chuyển mạch Mastercard và Visa.
Một quốc gia với dân số 96 triệu người mà có đến 81 triệu tài khoản cá nhân (số liệu Vụ Thanh toán, NHNN tính đến quý I năm 2019), dù rằng có thể có những trường hợp một người sở hữu hai ba tài khoản. Tuy nhiên, với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh, Việt Nam đang là mảnh đất giàu tiềm năng cho các nhà kinh doanh đầu tư vào hoạt động thương mại có thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, hạ tầng thanh toán quốc gia năm 2018 tính theo giá trị xử lý gần 13 lần GDP. Bên cạnh đó hạ tầng thương mại đã kết nối với tất cả các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, hỗ trợ hầu hết các ngành dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các quyền thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc mời gọi đầu tư và khuyến khích các thành viên tham gia thị trường thanh toán Việt Nam.