Lãi suất ngân hàng tăng mạnh
Nhiều ngân hàng đã tăng mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 8,5%, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Thông tin về hoạt động ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật cho thấy lãi suất huy động bằng VND hiện nay phổ biến ở mức 0,2- 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5- 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5- 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Tuy nhiên, thực tế, kể từ đầu tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động VND nhiều ngày gần đây liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Điển hình, trên biểu lãi suất mới cập nhật, ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi lên 8,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7%/năm và 0,8%/năm so với mức trước đó. Với mức lãi suất mới, sản phẩm gửi tiết kiệm tại ABBank được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay dành cho khách hàng cá nhân.
Trong khi đó, VIB đưa ra chính sách ngày vàng hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20-24/8, gửi kỳ hạn càng dài lãi càng lớn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, 18 tháng là 8,6%/năm và 61 tháng là 9,1%/năm (kỳ hạn 61 tháng được phát hành dưới dạng chứng chỉ tiền gửi).
Tương tự, kể từ ngày 22/8, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới. Tại kỳ hạn 6 tháng, nếu khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng có lãi suất 7,4%/ năm, từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là 7,7%/ năm, 1 tỷ đồng trở lên là 7,9 – 8%/năm. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6 – 8,2%/năm. Các mức lãi suất này cao hơn so với trước đó 0,2 – 0,4 điểm phần trăm.
Eximbank cho biết, kể từ ngày 20/8 áp dụng biểu lãi suất mới điều chỉnh tăng mạnh so với biểu lãi suất cũ, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8%/ năm lên 7,8%/năm. Đối với tài khoản tiền gửi, tiết kiệm mở mới với mức gửi từ 100 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng có lãi suất là 8,4%/năm.
Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính – ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng có thể còn tăng lên khi mà nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu lãi suất cao lên đến 13-14%/năm để hút nguồn vốn nhàn rỗi.
Trong bối cảnh lãi suất huy động đang rất cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thị trường, gửi tiền ngân hàng tiếp tục là một trong những kênh tích lũy ưu thế hàng đầu của các gia đình.
Tuy nhiên, sức nóng của lãi suất huy động cũng đang gây nhiều lo ngại. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong bối cảnh bắt buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019 từ 45% xuống còn 40% của NHNN, công cụ tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng đạt được mục tiêu.
Thêm vào đó, theo lãnh đạo của một số ngân hàng, nếu cho rằng các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài là nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh trong các tháng cuối năm cũng chỉ đúng một nửa. Bởi với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 – 7%/năm, lãi suất thấp sẽ không còn hấp dẫn người gửi tiền, thậm chí khi có một kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn như đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc mua trái phiếu, chứng chỉ hoặc đầu tư chẳng hạn thì nguồn vốn sẽ được người gửi tiền rút ra khỏi ngân hàng ngay tức khắc.
Tuy nhiên, có một điểm dễ nhận thấy là dù thanh khoản ở các ngân hàng hiện nay dồi dào nhưng thực chất vẫn là vốn tạm thời nhàn rỗi ngắn hạn, trong khi tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao. Kết quả một khảo sát báo cáo tài chính của 20 ngân hàng trong quý I/2019 cho thấy tỷ lệ này chiếm tới 54,68%, chỉ giảm nhẹ 1,6% so với cuối năm 2018.
Hiện tại đã có nhiều nhận định cho rằng kỳ vọng vào việc một số ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay khiến các ngân hàng khác giảm theo là khó. Lý do là nhìn vào làn sóng các ngân hàng đồng loạt đẩy lãi suất huy động lên cao thì đủ thấy chi phí vốn của các ngân hàng hiện vẫn khá cao.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ ít có khả năng bị “nóng” theo do mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ và NHNN đã đề ra. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống dồi dào cũng là những yếu tố quan trọng hỗ trợ ổn định lãi suất cho vay trong thời gian tới.